12/02/2008 - 11:14

Người gieo trồng tương lai

Ông bà Nguyễn Văn Quang, nhà ở ấp Tân Phú, xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt đã có hơn 30 năm cần mẫn với ruộng, đồng để hoàn tất kế hoạch “nuôi con học đại học” của mình. Hiện nay, 4 người con lớn của ông bà đã tốt nghiệp đại học, 2 người còn lại cũng sắp ra trường...

* Gieo trồng...

30 năm trước, với 8 công ruộng cha mẹ cho, hai vợ chồng ông Quang đã đồng lòng lập một kế hoạch để ổn định cuộc sống, nuôi con ăn học thành tài. Ông Quang kể: “Hồi ra riêng, vợ chồng tôi cất tạm cái chòi vách lá cột chôn chân làm chỗ trú mưa nắng. Chúng tôi cũng không cần nhà vì suốt ngày hai vợ chồng vật lộn với ruộng rẫy...”. Những đứa con lần lượt ra đời, nhu cầu nhà ở càng bức thiết. Hai vợ chồng quyết tâm: “Tiết kiệm tiền cất nhà!”. Tranh thủ thời gian ruộng nhà ít việc ông lại đi lãnh đốn mía thuê. Bà Nguyễn Thị Bé, vợ ông Quang nhớ lại: “2,3 giờ sáng là ổng đi đến tối mịt mới về. Lá mía cứa tay chân ông trầy trụa hết”. Gom được ít tiền ông đi mua bộ cột, được một ít nữa lại mua xi măng... từng chút, từng chút một mà cũng đủ để cất một ngôi nhà khang trang...

Con cái dần lớn. Nhiều đêm ông Quang trằn trọc không ngủ được. Ông đã bàn với vợ làm sao có tiền để nuôi con học. Ý của ông được vợ tán đồng. Được sự đồng tình của vợ, ông Quang lập ngay hai kế hoạch và “phân công” vợ phụ trách lo tiết kiệm chi tiêu, còn ông lo “cày” cho con học.

Vợ chồng ông Quang luôn cùng nhau chia sẻ vui, buồn. 

“Năm thằng Bảo và thằng Phương cùng đậu đại học. Thằng Vũ và thằng Tâm thì đang học đại học. Bốn đứa học đại học cùng lúc, tôi lo mình không kham nổi!”- Bà Bé nói. Ông Quang đã động viên vợ: “Mình quyết tâm thì mọi việc sẽ qua...”.

Thời điểm đó, bà Bé đi gánh bọt đường, nấu tấm... nuôi cả trăm con heo nái có, lứa có... Mấy móng chân bà ngâm bọt đường, ngâm nước bị thúi hết. Nhiều lúc không có cả thời gian đi chích thuốc. “Vì con mà cố lướt qua bệnh tật”- bà tâm sự. Số tiền tích lũy vơi dần đi khi các con vào đại học. Ông bà đành đi vay mượn của hàng xóm. Ông nói: “Vợ chồng tôi thường mượn tiền trước khi các cháu về. Sợ chúng biết cha mẹ vay mượn mà không lo học”. Ông Quang thì quần quật ngoài đồng với 2 công rẫy. Ông chọn trồng cải làm dưa, 25-30 ngày có thể bán một đợt. Mỗi đợt cải lãi trên 2 triệu đồng vừa đủ để chi phí cho các con ăn học một tháng. Ông Quang gần như không có thời gian rảnh. Để tiết kiệm chi phí, ông tự làm tất cả mọi khâu. Tuy vất vả nhiều hơn nhưng thu nhập đỡ hơn... Khi đất không còn phù hợp trồng cải, ông chuyển sang trồng bắp, trồng đậu. Cứ thế mà suốt ngày ông chỉ ở ngoài rẫy...

Mỗi đợt bán cải, bán bắp, bán đậu tất cả tiền vợ chồng ông đều gom lại để dành cho một mục tiêu duy nhất là lo cho con đi học... Ở nhà ăn rau muống đồng luộc chấm nước mắm thường xuyên nhưng cả hai vợ chồng đều thấy vui.

* Chăm bón...

Năm con trai lớn vào lớp 3, ông Quang xin học khóa sư phạm cấp tốc và được phân công về dạy tại Trường Phổ thông cơ sở Thuận Hưng, nơi các con ông theo học và theo sát và kèm cặp các con. Những đứa con lần lượt qua bậc tiểu học qua sự dìu dắt của ông Quang. Không phụ lòng cha mẹ, 6 người con của ông bà đều học khá giỏi. Với nền tảng vững ở bậc tiểu học, các con ông đã thuận lợi học tiếp các bậc học cao hơn...

Con vào lớp 1, ông ghi lại thời khóa biểu của con và lập thêm một thời khóa biểu tự học tại nhà cho con. Thời khóa biểu ở trường, ở nhà được ông kiểm tra mỗi ngày. Bận cách mấy, ông cũng dành thời gian hướng dẫn con học và liên hệ thường xuyên với giáo viên dạy. Không chỉ học cùng con, kiểm tra bài thường xuyên với con mà ông Quang còn theo dõi năng khiếu của các con để định hướng từng ngành nghề phù hợp.

Khi các con vào học đại học, ông đích thân lặn lội tìm nhà trọ cho các con ở. Tìm chỗ ở cho con xong, ông lại cùng con đi mua vật dụng sinh hoạt, học tập... Hình ảnh của người cha tận tụy, lo lắng cho con đã là một liều thuốc động viên đồng thời cũng là lời nhắc nhở những người con suốt thời gian học tập... Không chỉ có thế, cứ hai tuần một lần, tranh thủ thời gian, ông lại xuống thăm các con cho đỡ nhớ và cũng để kiểm tra tình hình học tập của các con...

* Gặt hái!

Không phụ lòng cha mẹ, 6 người con của ông bà Quang- Bé đều chăm, ngoan và hiếu học. Ngoài giờ học Bảo, Phương, Thúy đều tìm việc chạy bàn, tiếp thị... để có thêm thu nhập, đỡ đần cha mẹ. Năm nay, ông Quang kể về các con với sự tự hào: Nguyễn Xuân Vũ là Kỹ sư Chế biến; Nguyễn Thanh Tâm và Nguyễn Thanh Phương đều là Cử nhân Kinh tế; Nguyễn Thái Bảo là Bác sĩ Đa khoa. Còn Nguyễn Diễm Thúy và Nguyễn Long Hồ đang là sinh viên Trường Đại học Cần Thơ.

Đến nay, ông Nguyễn Văn Quang không chỉ nuôi 6 người con học đại học, giữ được 8 công ruộng nhà mà ông còn mua thêm được 5 công ruộng mới. Mỗi sáng, hai ông bà lại nấu cơm và ra đồng đến tối mịt mới về. Ông Quang thường nói: “Làm cái gì cũng phải quyết tâm và chăm chút”. Cách sống cần kiệm vẫn được ông bà duy trì, hai chiếc xe đạp ngày xưa là phương tiện đi học của các con giờ là phương tiện đi ruộng của hai vợ chồng ông Quang...

Ông Quang cười đôn hậu: “Chúng tôi cũng đang thực hiện nhiều kế hoạch khác... mà tất cả các kế hoạch đều vì các con”. Những cách đồng xanh mút mắt, lúa đang làm đòng báo hiệu một mùa bội thu... Nhưng chính mùa bội thu lớn nhất đối với vợ chồng ông Nguyễn Văn Quang là kết quả học tập thành đạt của những đứa con.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết