13/11/2010 - 09:15

Người "đưa đò" không biết mỏi

 

Nhà giáo ưu tú Từ Thanh Nguyên- Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, có dáng người nhỏ nhắn, nụ cười thật đôn hậu. Không chỉ dạy giỏi, cô Nguyên còn là một hiệu trưởng tâm huyết, hết lòng, hết sức lo cho học sinh. Cuối năm 2010, cô về hưu nhưng tình yêu nghề, mến trò vẫn còn cháy bỏng, tha thiết...

Trường THPT Chuyên Trà Vinh vừa chuyển về địa chỉ mới, vật dụng phòng ốc còn bề bộn, hồ sơ chất đầy cả bàn làm việc. Cô Nguyên thật bận rộn nhưng ánh mắt cô vẫn ngời niềm vui. Cô nói: “Về trường mới, tuy có nhiều việc phải làm nhưng học sinh học hành thuận lợi hơn, giáo viên đủ điều kiện cơ sở vật chất nên dễ dàng đầu tư đổi mới phương pháp giảng dạy, chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên”. Câu chuyện cứ ngắt quãng liên tục vì cô Nguyên có quá nhiều việc: sắp xếp lại các phòng học, kiểm tra lại đội tuyển học sinh giỏi, tuyển giáo viên mới... Đặc biệt là chuẩn bị, sắp xếp công việc để sẵn sàng bàn giao cho đồng nghiệp trước khi về hưu. Công việc dồn dập, không còn thời gian cho cô nghỉ ngơi. Cô cho biết: “Nhiều hôm ăn vội dĩa cơm ở căng tin, cô lại quay lại phòng làm việc. Cô có một thân một mình, ăn đâu mà chẳng được. Làm cho xong việc để khi mình về hưu rồi, hiệu trưởng sau tiếp nhận dễ dàng hơn”.

Bằng sự nỗ lực của cô Nguyên và các đồng nghiệp, mấy năm gần đây chất lượng dạy và học của trường đã nâng lên rõ nét. Năm 2009, Trường THPT Chuyên Trà Vinh vươn lên vị trí thứ 2 trong tổng số 13 trường chuyên ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong kỳ thi học sinh giỏi dành cho học sinh khối 10, 11 (những năm trước đây vị trí của trường luôn đứng cuối). Trường có 100% học sinh tốt nghiệp THPT và có 70% học sinh đậu đại học, cao đẳng, xếp thứ 60/200 trường THPT có tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng cao trong cả nước. Như một thói quen, dù bận rộn thế nào cô Nguyên cũng ưu tiên cho việc rà soát lại danh sách học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ, hỗ trợ. Thầy Huỳnh Cẩm Thảo, giáo viên dạy môn Toán của trường, nói: “Không chỉ hết lòng với công việc, hay giúp đỡ đồng nghiệp, cô Nguyên còn rất quan tâm giúp đỡ học sinh nghèo”. Cứ đầu mỗi năm học, cô lại yêu cầu giáo viên chủ nhiệm rà soát lại danh sách học sinh khó khăn của từng lớp để giúp đỡ kịp thời. Nhiều học sinh khó khăn đã được hỗ trợ học bổng suốt 3 năm học giúp các em an tâm học tập. Hằng năm, Trường THPT Chuyên Trà Vinh đã vận động được hơn 100 triệu đồng để duy trì học bổng thường xuyên cho những học sinh nghèo.

Nhớ lại hoàn cảnh khó khăn của học sinh, cô Nguyên kể: “Trường hợp của em Đào Thị Phương Thúy rất khó khăn, mẹ mất sớm, nhà nghèo quá nên em phải vô chùa làm công quả để có cơm ăn và chỗ ở. Trường THPT Chuyên Trà Vinh đã vận động các nhà hảo tâm phát học bổng hàng tháng để em tiếp tục việc học. Thúy vừa đậu vào ngành Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Hiện, em ở nhờ trong một ngôi chùa ở Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, vừa học vừa làm thêm. Chúng tôi cũng đã vận động được 3 triệu đồng tặng em đóng học phí”. Tất cả những học sinh nghèo, học giỏi vượt khó trong học tập cô Nguyên đều biết rõ hoàn cảnh từng em như là người trong gia đình của các em vậy. Cô nói: “Thỉnh thoảng, học sinh cũ ở xa điện thoại hỏi “Cô ơi! Cô có khỏe không?- Với cô đó là niềm hạnh phúc...”.

Với nhiều người, niềm vui chính là sự cho nhiều hơn nhận. Cô Nguyên là một người trong số đó. Niềm vui lớn nhất trong nghề giáo của cô chính là những học sinh nghèo, học sinh được mình giúp đỡ giờ thành đạt và có nhiều đóng góp cho xã hội. Cô yêu thương học sinh nghèo, hết lòng chăm lo cho các em bởi cô cũng là người đã nếm trải qua hoàn cảnh khó khăn ấy. Tuổi học trò của cô cũng đầy khó khăn, thiếu thốn. Cha mẹ cô không có điều kiện học hành nên gởi gắm ước mơ học hành thành đạt vào 3 cô con gái. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, gia đình cô sống bằng nghề mua bán nhỏ tại thị xã Trà Vinh. Vì vậy, khi còn học tiểu học, cô đã có ý thức giúp đỡ gia đình, khi thì mang mía ghim đi bán ở trường học, lúc lại phụ mẹ vào bọc sinh tố để bỏ mối cho những người bán lẻ.... Cả nhà choàng gánh công việc cho nhau, nên cuộc sống dù khó khăn nhưng đầy niềm vui, đầm ấm.

Cả ba chị em của cô Nguyên đều theo học ngành Sinh. Chị lớn là Tiến sĩ, giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh. Chị kế là Thạc sĩ, công tác tại Viện Vệ sinh phòng dịch TP Hồ Chí Minh. Hai người chị của cô Nguyên đều đã về hưu. Cô Nguyên cũng tốt nghiệp ngành Sinh vật, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, năm 1981. Nhắc lại chuyện chọn nghề giáo, giọng cô Nguyên chứa nhiều cảm xúc. Cô kể: “Cả ba và mẹ đều muốn cô học ngành y. Nhưng cô lại quá tha thiết với nghề giáo nên đành làm phật ý đấng sinh thành”. Mong ước được trở thành giáo viên đã ăn sâu vào suy nghĩ của cô Nguyên ngay khi vào lớp 1. Người truyền ngọn lửa đam mê nghề “gõ đầu trẻ” chính là cô Nguyễn Thị Xuân Mai, giáo viên dạy lớp 1 của cô. Lúc ấy, với cô Nguyên- cô Mai chính là người mẹ hiền thứ hai của mình. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ăn uống lại thiếu thốn nên khi vào lớp 1, cô Nguyên cứ bệnh luôn. Cô Mai đã ân cần chăm sóc, động viên cô bằng những phần thưởng nhỏ khi cô đạt điểm cao... Lên lớp 2 rồi lớp 3... ở lớp nào cô Nguyên cũng được học với những nhà giáo tâm huyết, yêu học sinh. Từ đó, mơ ước làm cô giáo trong lòng cô Nguyên cứ lớn dần lên... Cô Nguyên nhớ lại: “Năm lớp 6, cô làm bài luận tựa đề “Ước mơ làm cô giáo” được tưởng thưởng cả trường- nói điều này để thấy cô yêu nghề đến thế nào”.

Yêu nghề là vậy, nhưng có lúc cô Nguyên đã phải làm đơn xin nghỉ việc khi về dạy ở Trường THPT Cầu Ngang (cũ) được 3 năm. Bởi vì, mẹ và chị 2 của cô lâm bệnh nặng. Gia đình đơn chiếc, chị cô thì nằm ở Bệnh viện Chợ Quán, mẹ thì nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy- cô Nguyên đành thôi dạy. 3 tháng sau, mẹ cô mất. Thực tế, trong giai đoạn này với bằng đại học, cô Nguyên có đủ điều kiện để xin vào làm ở một đơn vị khác có điều kiện lương bổng tốt hơn nhưng ước mơ làm cô giáo đã không cho cô chuyển nghề. Năm 1984, cô xin vào dạy cấp 2 tại Trường THCS Lý Tự Trọng tại thị xã Trà Vinh (cũ). Dù không phù hợp với chuyên môn đã học nhưng bằng tình yêu nghề mến trẻ, cô Nguyên luôn là một giáo viên dạy giỏi của trường và được Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Trà Vinh (cũ) rút về Phòng Giáo dục làm công tác bồi dưỡng giáo viên. Đến năm 1993, nỗi nhớ học sinh, ước mơ được đứng lớp đã thôi thúc cô xin về dạy tại Trường THPT Chuyên Trà Vinh.

Cuộc sống luôn có những nút thắt cần phải vượt qua. Với cô Nguyên đó là thời gian phải nghỉ dạy khi mẹ bệnh. Đến năm 1999, cha cô lại bệnh. Đồng lương giáo viên không đủ chữa bệnh cho cha, cho người chị chưa lành bệnh, cô Nguyên đã phải làm thêm nghề tay trái là thợ may. Ban ngày đi dạy, đêm về lại mày mò bên máy may. May không đủ, cô nhận thêm công việc làm nút thắt cho các tiệm may khác... Nhiều người khuyên cô bỏ nghề nhưng lần thứ hai này, cô Nguyên quyết không đầu hàng và một lần nữa cô đã vượt khó thành công. Thời gian sau, ba cô mất, nhà đã bán, hai người chị cô Nguyên yêu cầu cô chuyển về TP Hồ Chí Minh giảng dạy nhưng tình yêu học sinh và gắn bó với giáo dục Trà Vinh nên cô quyết định ở lại.

Khi tôi được gặp gỡ cô Nguyên cũng là lúc cô đang chuẩn bị cùng đoàn đại biểu của tỉnh Trà Vinh dự Hội nghị thi đua toàn quốc tại Hà Nội. Cô Nguyên là 1 trong số 11 đại biểu đại diện cho tỉnh Trà Vinh dự hội nghị. Với cô Nguyên đây là một vinh dự quá lớn, nhưng nhìn lại những đóng góp của cô trong suốt một đời gắn bó với giáo dục Trà Vinh sẽ thấy hoàn toàn xứng đáng. Cô Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2009 và được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen “Phụ nữ tài năng toàn quốc thời kỳ đổi mới” năm 2007. 30 năm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, mơ ước sau khi về hưu của cô Nguyên vẫn là được tiếp tục đứng trên bục giảng...

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết