07/06/2016 - 20:06

Tiền Giang phát triển kinh tế biển

Ngư dân vững tâm bám biển

Là địa phương có gần 32 km bờ biển, Tiền Giang có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, trong đó nghề đánh bắt hải sản được xem là mũi nhọn. Những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu tăng cao… nhưng đối với những ngư dân ở xã Tân Phước (huyện Gò Công Đông), phường Tân Long (TP Mỹ Tho) việc bám biển đánh bắt hải sản không chỉ để kiếm sống, đó còn là cách khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc...

Đầu tư khai thác hải sản

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có trên 1.200 phương tiện tàu thuyền khai thác hải sản trên biển, trong đó có 886 tàu có công suất trên 90CV đủ khả năng vươn ra khai thác các ngư trường xa như Côn Đảo, Trường Sa… Ngư trường khai thác chủ yếu của các đội tàu lưới vây kết hợp ánh sáng, lưới rê, câu mực từ 6o30’ đến 14’ vĩ độ Bắc, 106o đến 117o kinh độ Đông vùng biển Đông Nam bộ, Trường Sa và DK1. Riêng đội tàu lưới kéo, đóng đáy, câu tay… hoạt động chủ yếu ở ngư trường khu vực Ba Động, Vũng Tàu và Nam Côn Sơn. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đánh bắt được gần 6.500 tấn hải sản các loại, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, cho biết: Toàn huyện có 701 phương tiện khai thác hải sản, chủ yếu là đánh bắt xa bờ với sản lượng hằng năm đạt khoảng 30.000 tấn, riêng trong năm 2013 đạt 36.950 tấn. Riêng xã Vàm Láng hiện có 443 chiếc với tổng công suất máy là 58.860 CV, với 354 ghe cào đang khai thác trên ngư trường. Nỗ lực vươn ra các ngư trường xa như Hoàng Sa, Trường Sa… của ngư dân Tiền Giang không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá truyền thống của huyện nhà mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 Ngư dân chuẩn bị chuyến đánh bắt mới.

Ở xóm Lăng (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông), có hai đội tàu đánh bắt xa khơi (20 chiếc) gồm ngư trường thềm lục địa phía Nam, Trường Sa… Anh Nguyễn Văn Tuấn, thuyền trưởng tàu TG2995TS vừa trở về sau chuyến đánh bắt ở thềm lục địa phía Nam và khu vực các nhà dàn (Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Quế Đường…), phấn khởi: Chuyến này, tàu của tôi đánh bắt được 12 tấn cá thu ngừ, ngừ bò, cá chuối… bán được với giá trung bình 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí của chuyến đi (gần 200 triệu đồng), mỗi thuyền viên được chia từ 10-15 triệu đồng. Còn tàu của anh Nguyễn Văn Định (ấp 4, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông), chủ tàu TG 93639TS có công suất 200 mã lực, trong chuyến đánh bắt lần trước nhờ trúng đậm nên mỗi thuyền viên được chia nhau khoảng 20 triệu đồng (sau chuyến đi đánh bắt ở Trường Sa gần 2 tháng). Các tàu khác trong đoàn tàu ở ấp Lăng (xã Tân Phước) đánh bắt xa khơi đều trúng đậm như vậy… Ngư phủ Trần Văn Tăng (37 tuổi, xóm Lăng, xã Tân Phước) thuyền viên tàu TG1520TS, cho biết: Từ bến đậu ở ấp Lăng chạy đến chỗ đánh bắt cá ở các hòn đảo thuộc khu vực Trường Sa khoảng 4 ngày, 4 đêm (còn tùy sóng gió), thời gian làm việc khoảng 45 ngày. Công việc đánh bắt không cố định, mỗi ngày mỗi người đều phải làm việc xoay vòng để không ngư phủ nào phải làm một việc nặng, ban đêm từ 19 giờ chia nhau trực tàu buôn và tàu lạ đến 4 giờ sáng, trong thời gian trực thì tự do câu cá và các loại cá câu được không phải chia với chủ; khi về đến bờ sau khi bán sản phẩm trừ chi phí rồi mới chia với chủ, mỗi ngư phủ ít nhất cũng chia được 20 triệu đồng.

Liên kết bám biển

Nhằm nâng cao thời gian bám biển để khai thác của các đoàn tàu đánh bắt ở ngư trường xa, Chi cục Thủy sản tỉnh đã vận động, hướng dẫn xây dựng các tổ hợp tác khai thác và đoàn kết sản xuất trên biển. Đến nay, toàn tỉnh có 11 tổ hợp tác khai thác thủy sản và 51 tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Mô hình các tổ đội này đã giúp nâng cao hiệu quả khai thác của đội tàu tăng thời gian bám biển, sản phẩm gởi vào bờ bán giá cao, thường xuyên hỗ trợ nhau khi gặp nạn trên biển cũng như trong công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn… Cụ thể như các tàu đánh bắt xa khơi ở biển Đông của ấp Lăng (xã Tân Phước) đều hoạt động theo mô hình tổ khai thác vì các chủ tàu đều có họ hàng với nhau và hành nghề đánh bắt truyền thống lưới rê quàng lưu truyền đã 4 đời. Các tàu đều được trang bị máy thông tin tầm xa (ICOM) để liên lạc thường xuyên với nhau và liên lạc với đất liền. Nhờ có hệ thống máy thông tin hiện đại mà công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển được thuận lợi, góp phần hạn chế thấp nhất những rủi ro... Cả đoàn tàu chia thành nhiều tổ đánh bắt, trong đó có vài chiếc luân phiên vận chuyển nhiên liệu, nước đá và thực phẩm ra; đồng thời thu gom cá từ các tàu khác trở về đất liền để bán cho thương lái. Việc hình thành các tổ, đội đánh bắt đã giúp ngư dân có điều kiện vươn khơi xa dài ngày, cung cấp thông tin cho nhau về ngư trường đánh bắt, kịp thời hỗ trợ nhau khi gặp sự cố tàu hỏng, chết máy, hay đối phó với sự uy hiếp của các tàu nước ngoài. Hình thức liên kết đánh bắt thủy sản trên biển theo hình thức tổ sản xuất này cũng giúp các chủ phương tiện đối phó với giá xăng dầu vật tư tăng cao, giảm bớt chi phí.

Đặc biệt, Chi cục Thủy sản tỉnh đã và đang triển khai các hoạt động nhằm thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) của Chính phủ. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, đến nay tỉnh này đã ban hành các Quyết định phê duyệt danh sách đăng ký đóng mới với 41 tàu cá tham gia, đạt 100% chỉ tiêu được giao. Trong đó có 4 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá và 37 tàu khai thác hải sản. Ngoài ra, còn có 37 tàu cá đăng ký nâng cấp, 275 tàu cá đăng ký vay vốn lưu động, 294 tàu cá đăng ký hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm và 83 tàu dịch vụ hậu cần đăng ký hỗ trợ kinh phí vận chuyển hàng hóa. Cũng đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang đã có 40 tàu cá có hồ sơ thiết kế được phê duyệt và hoàn tất các thủ tục đóng mới, một chủ tàu còn lại đã được duyệt hồ sơ thiết kế tàu cá vỏ gỗ nhưng xin chuyển sang làm vỏ thép, hiện đang lập hồ sơ thiết kế. Các ngân hàng thương mại đã nhận hồ sơ vay vốn đóng mới 31 tàu, trong đó có 3 tàu dịch vụ và 28 tàu khai thác hải sản.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 459/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt cấp 200 máy thu trực canh (loại máy chuyên dụng để tiếp nhận thông tin thời tiết trên biển) cho ngư dân đánh bắt xa bờ, giúp ngư dân có điều kiện theo dõi, nắm bắt thông tin chính xác về thời tiết để chủ động trong phòng tránh và tìm nơi tránh trú bão an toàn khi gặp bất lợi về thời tiết lúc đang hoạt động khai thác thủy sản. Năm 2015, Phòng Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản) đã phối hợp Công ty thông tin điện tử hàng hải Việt Nam lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh thuộc dự án Movimar cho 100 tàu cá trên địa bàn tỉnh. Trước đó, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng máy dò ngang (sonar) JMC-CSL 1000 cho tàu đánh bắt xa bờ. Theo thuyền trưởng Tuấn, thiết bị này trị giá 280 triệu đồng, trong đó chủ tàu được Nhà nước hỗ trợ 50% (140 triệu đồng). Thuyền trưởng Định, tàu TG 93639TS mong muốn: Ngoài chế độ hỗ trợ mua và tập huấn sử dụng thiết bị máy dò ngang, nếu ngư dân được hỗ trợ nhiên liệu theo chế độ tàu đánh bắt xa bờ, chúng tôi sẽ yên tâm bám ngư trường ở vùng biển xa, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.

Những năm gần đây, Tiền Giang đã có chiến lược ưu tiên phát triển những đội tàu cá công suất lớn đủ sức đánh bắt xa bờ, bám biển dài ngày, vừa khai thác hải sản vừa đảm bảo an ninh, giữ vững chủ quyền lãnh hải. Những hỗ trợ về phương án cụ thể đảm bảo an toàn cho ngư dân và phương tiện khi đánh bắt trên biển trong mùa mưa bão, biển động cũng như những chính sách đầu tư phát triển các cụm dịch vụ hậu cần cả trên biển lẫn đất liền phục vụ ngư dân sẽ góp phần phát triển nghề biển tỉnh nhà bền vững trong thời gian tới.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHÙNG LONG

Chia sẻ bài viết