11/01/2008 - 22:04

Ngư dân lao đao với giá xăng dầu

Là một địa phương nổi tiếng với sản lượng khai thác hải sản, nhưng hiện nay ngư dân Cà Mau đang đối mặt với tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Bởi với giá dầu 10.200 đồng/lít, một số phương tiện đánh bắt xa bờ có công suất trên 350CV ở Cà Mau sẽ tốn chi phí thêm gần 20 triệu đồng cho mỗi chuyến ra khơi.

Dầu tăng giá, tàu cá nằm bờ

Tại một số cửa biển sầm uất của Cà Mau như Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), Khánh Hội (huyện U Minh)... hàng ngàn phương tiện đánh bắt lớn nhỏ đang neo chật cửa sông, im lìm. Bên các quán cà phê sáng, nhiều chủ tàu ngồi kêu ca về giá dầu tăng vọt chưa từng có. Nhẩm đi tính lại, trừ cấn các khoản chi phí, các chủ tàu kết thúc một câu: “Lỗ, chắc phải nằm bờ thôi!”. Chỉ riêng một số chủ cây xăng dầu còn nhiều dầu dự trữ là ung dung mở cửa chờ hốt bạc khi giá dầu tăng cao.

 Xăng dầu tăng giá, nhiều tàu đánh bắt ở Cà Mau có nguy cơ phải nằm bờ.

Ông Lê Văn Tính, một trong những ngư dân “nổi tiếng” nhất thị trấn vùng biển Sông Đốc, cho biết: “Gần cả đời lăn lộn trên biển và gặt hái nhiều thành công với nghề đánh lưới vây, nhưng chưa bao giờ tôi phải vướng vào tình thế éo le như bây giờ. Với giá dầu như hiện nay thì 3 phương tiện lưới vây có công suất trên 350 CV của tôi phải chịu thêm chi phí cho một chuyến đi hơn 22 triệu đồng. Trong khi trước đây mỗi chuyến đánh bắt chỉ lời ngót ngét 20 triệu đồng. Chỉ so sánh vậy thôi thì đã rất khó mà ra khơi đánh bắt rồi !”.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Lưu Văn Minh một ngư dân tại cửa biển Cái Đôi Vàm, tâm sự: “Hơn 20 năm gắn bó với nghề đánh bắt trên biển đã giúp gia đình tôi trở thành một trong những gia đình khá giả nhất ở thị trấn biển này. Tuy nhiên, gần đây, khi xăng dầu tăng giá thì hai chiếc ghe đánh lưới vây công suất từ 350CV đến 370CV của gia đình tôi cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Kinh nghiệm mấy mươi năm đánh bắt chỉ có thể “đánh rình” từng con nước mới mong có lãi. Vì mỗi chuyến đi đánh bắt phải đầu tư vào hai chiếc ghe hết 10.000 lít dầu (tương đương 87 triệu đồng) và hàng chục triệu đồng cho các chi phí khác. Nay phải chi phí thêm 15 triệu đồng nữa do giá dầu tăng, chẳng còn có cái để ăn!”.

Đó là đối với các phương tiện làm nghề lưới vây, chi phí chạy dầu chỉ bằng một nửa so với các phương tiện cào khơi. Bà Phạm Thị Hà, ngư dân làm cào khơi ở ấp 7, xã Khánh Hội, cho biết gia đình bà có 2 chiếc tàu cào khơi với công suất mỗi chiếc 365CV. Cứ 1 chuyến ra khơi đánh bắt kéo dài 30 ngày phải chi phí cho mỗi chiếc 12.000 lít dầu. Ở thời điểm giá dầu 8.700đ/lít thì sau mỗi chuyến trừ chi phí và trả công cho bạn ghe, còn lãi trên 10 triệu đồng. Còn với giá dầu 10.200đ/lít như hiện nay thì phải chi phí thêm cho mỗi chuyến đi như vậy là 18 triệu đồng. Nếu không thể cải thiện được sản lượng và giá hải sản thì việc đánh bắt chắc chắn là lỗ. Bà Hà tâm sự: “Kiểu này chẳng khác nào sắm ghe cho bạn mượn đi. Bây giờ tính tới phương án tìm đường làm ăn khác là vừa!”.

Ngư dân lúng túng!

Kể từ sau cơn bão số 5 (1997), lượng ghe tàu được đầu tư đóng mới để khai thác biển ở Cà Mau tăng vọt. Nhiều người chưa một lần ra biển cũng vay vốn đóng tàu, cộng với ghe từ các tỉnh đổ dồn về ngư trường này khai thác tăng ồ ạt. Do đó hiệu quả khai thác rất bấp bênh. Hiện nay, đi một vòng qua một số cửa biển ở Cà Mau, hầu hết chủ ghe đều than vãn đang thiếu nợ ngân hàng. Một số chủ ghe phải vay nóng với lãi suất cao, nợ nần cứ oằn nặng lên mỗi chuyến ra khơi.

Anh Lê Quốc Tụi, ngư dân ở ấp 7, xã Khánh Hội, cho biết: “Nếu không vay thì tàu không hoạt động, còn neo đậu lâu ngày là hư hỏng. Thực tế đã qua, có rất nhiều tàu đánh bắt lỗ lã phải nằm bờ cho đến khi mục rã hoặc bị phát mãi vì không có tiền đóng lãi ngân hàng. Nay phải đối mặt với việc xăng dầu lên giá, kéo theo các mặt hàng phục vụ cho nghề đánh bắt biển cũng tăng, nhất là ngư lưới cụ đã tăng gấp đôi”. Mọi thứ đều tăng, trong khi giá hải sản thì không tăng, do bị các tư thương ép giá để bù đắp cho khoản chi phí xăng dầu trong những chuyến đi thu mua. Trước thực trạng này, không ít chủ tàu cá “tuyên bố” sẽ đổi nghề hoặc chờ đến khi dầu sụt giá mới dám ra khơi đánh bắt. Việc làm của hàng chục ngàn bà con lao động nghề biển cũng sẽ bị lung lay.

Bây giờ, nhiều ngư dân Cà Mau như đang phân vân “giữa hai dòng nước”. Nếu tiếp tục ra khơi đánh bắt thì sẽ nắm chắc phần lỗ lã, bằng không thì lấy gì để mưu sinh và trả nợ. Một bài toán khó chẳng biết phải nhờ ai!

Bài, ảnh: PHÙNG DUY NHÂN

Theo Sở Thủy sản Cà Mau, đến thời điểm này, số lượng tàu đánh bắt các loại ở Cà Mau là 3.576 chiếc, với tổng công suất 341.119CV; gần 7.000 hộ làm nghề khai thác thủy sản với tổng số lao động gần 30.000 người. Hằng năm, lực lượng tàu đánh bắt khai thác được trên 140.000 tấn thủy hải sản các loại, chiếm gần 50% sản lượng thủy sản toàn tỉnh. Sản lượng thủy sản khai thác biển đóng góp 20% vào mặt hàng thủy sản xuất khẩu của địa phương.

Chia sẻ bài viết