28/09/2009 - 20:35

Thị trường vùng lũ

Ngư cụ và phương tiện thủy gia dụng đắt hàng

Nông dân đang chọn mua xuồng tại điểm bán ở khu vực Cầu Sắt Thơm Rơm.
Ảnh: ANH KHOA

Người dân ở đầu nguồn lũ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào mùa đánh bắt thủy sản mùa nước nổi. Bên cạnh các loại phương tiện thủy gia dụng, dụng cụ đánh bắt cá đang được bày bán với số lượng và chủng loại đa dạng trên thị trường. Hiện sức mua xuồng, lưới mùa lũ đang tăng dần; còn tại các làng nghề đóng ghe, xuồng mùa lũ đang hoạt động khẩn trương để có hàng nhanh chóng cung ứng cho nhu cầu thị trường...

XUỒNG, LƯỚI BÁN CHẠY...

Hiện nay, nhiều nông dân ở đầu nguồn lũ của TP Cần Thơ đã và đang tất bật mua sắm ghe, xuồng làm phương tiện đi giăng lưới, giăng câu... Theo một số chủ điểm bán xuồng mùa lũ ở khu vực Cầu Sắt Thơm Rơm (thuộc phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt), hơn 1 tuần qua sức mua ghe, xuồng đã tăng mạnh, có điểm chỉ trong 1 tuần đã bán được từ 40-50 phương tiện các loại...

Ông Bùi Văn Sang (Ba Sang), bán ghe, xuồng tại khu vực Cầu Sắt Thơm Rơm, cho biết: “Sản phẩm ở đây chủ yếu được đóng ở miệt Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) và một số địa phương khác chuyển đến bán, không có xuồng đóng ở TP Cần Thơ. Vào mùa lũ, khách hàng chủ yếu mua loại ghe bằng cây sao có trọng tải 10-15 giạ, giá từ 500.000-750.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, còn có nhiều loại xuồng dùng để đi giăng lưới, giăng câu hoặc chở đất vào mùa nước nổi. Hơn 1 tuần qua ghe, xuồng đã bán chạy hơn. Từ nay đến hết tháng 8 âm lịch, sức mua ghe, xuồng mùa lũ còn tăng mạnh hơn nữa. Năm nay, tôi đã chuẩn bị khoảng 800 phương tiện để bán trong mùa lũ này...”.

Ông Võ Đông Nhàn (ở phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt), đang mua xuồng của ông Ba Sang, nói: “Đã vào mùa giăng lưới được khoảng 2 tuần nay rồi, chiếc xuồng cũ của tôi đã bị hư không sử dụng được nên hôm nay tôi mua chiếc mới thay thế. Khoản tiền vừa mua xuồng vừa chai để trét cho xuồng hơn 600.000 đồng, nhưng tôi hài lòng vì xuồng này chất lượng tốt, có thể xài được đến 4 năm. Hằng ngày, tôi sử dụng xuồng đi giăng lưới bắt cá linh, cá rô mùa nước nổi cũng kiếm thêm thu nhập từ 50.000-70.000 đồng...”.

Tương tự, sức mua lưới và dụng cụ đánh bắt thủy sản khác cũng đang tăng mạnh. Theo nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh lưới và dụng cụ đánh bắt thủy sản tại Làng nghề lưới cá Cầu Sắt Thơm Rơm hiện sức mua các loại lưới cá và dụng cụ phục vụ đánh bắt thủy sản mùa lũ hiện nay đã tăng khoảng 20-30% so với tháng trước. Trong đó, các loại lưới đang được người dân tại các vùng lũ tập trung mua nhiều nhất. Dự đoán, sức mua lưới và các dụng cụ đánh bắt thủy sản sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong vòng 2 tháng tới (tháng 8 và tháng 9 âm lịch) khi đó nước lũ càng dâng cao. Sức mua tăng nhưng giá lưới cá vẫn bình ổn. Cụ thể, giá lưới giăng cá đang được nhiều cửa hàng tại đây bán ra ở mức 40.000-50.000 đồng/tay (100m); còn giá các loại lú, đó ở mức 90.000-130.000 đồng/cái...

SÔI ĐỘNG LÀNG NGHỀ GHE, XUỒNG MỸ HIỆP

Làng nghề đóng ghe, xuồng Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, vốn nổi tiếng không chỉ ở vùng đất xứ cù lao Giêng mà còn khắp ĐBSCL. Cứ theo thông lệ mùa nước nổi, hàng trăm hộ dân nơi đây canh theo con nước và bắt đầu mùa sản xuất ghe, xuồng. Năm nay, khí thế sản xuất càng nhộn nhịp hơn.

Ông Nguyễn Văn Bo, 45 tuổi, ngụ ấp Tây Thượng xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, đã có thâm niên trong nghề đóng ghe xuồng, nói: “Nhờ nghề này mà cư dân ở đây có thu nhập ổn định quanh năm. Năm nay, lũ về sớm nên đến thời điểm này tụi tôi đã xuất bán được trên 40 chiếc xuồng các loại, trừ hết chi phí cũng kiếm được gần 9 triệu đồng”. Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Bo nhờ thừa hưởng nghề đóng ghe, xuồng gia truyền. Sau thời gian làm ăn uy tín, hơn 20 năm nay ông đã có được cơ ngơi sự nghiệp ổn định, nuôi các con ăn học tới nơi tới chốn.

Ông Bo cho biết thêm: “Năm nay, xuồng lườn được ngư dân Campuchia mua mạnh nhất, khi chưa đến mùa nước nổi là đã có nhiều khách hàng bên Campuchia điện thoại đăt trước. Lâu nay, do chỗ của mình làm ăn uy tín nên được dân nước bạn tin cậy, nhờ vậy xuồng tiêu thụ rất mạnh...”.

Nhờ lợi thế nằm cặp nhánh sông Tiền, ông Lê Văn Thạnh đã mạnh dạn đầu tư mở cơ sở đóng xuồng với quy mô lớn để cung ứng số lượng lớn ra thị trường. Hằng năm, cứ vào mùa nước nổi, cơ sở của ông Thạnh sản xuất khoảng trên 260 chiếc ghe, xuồng bán cho những thương lái đến từ các huyện lân cận như: Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông (Đồng Tháp); Tri Tôn, Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên (An Giang); Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) và một số nơi khác. Ông Thạnh cho biết, năm nay, cơ sở của ông ăn nên làm nổi, đến nay đã sản xuất nhiều hơn so với năm ngoái khoảng vài chục chiếc xuồng. Trung bình, dứt mùa nước nổi, trừ chi phí, ông Thạnh đạt lợi nhuận trên 50 triệu đồng. Theo ông, xuồng ở Mỹ Hiệp bán chạy nhất vào tháng 6,7 âm lịch, bởi con nước lũ đầu nguồn đỗ về, đây là thời điểm mà người dân nghèo chọn cho mình những chiếc ghe, xuồng để mưu sinh trong mùa lũ.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp Nguyễn Xuân Trúc, cho biết: Làng đóng ghe, xuồng Mỹ Hiệp hiện có khoảng 111 hộ và được công nhận làng nghề vào năm 2007. Qua đó giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở địa phương trong mùa nước nổi, với thu nhập 50.000-120.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, cái khó hiện nay của bà con là chưa được ngành chức năng hỗ trợ vốn và kỹ thuật. Khi sản xuất xong chỉ bán nhỏ lẻ cho thương lái nên đầu ra cũng gặp khó khăn...

MINH TUẤN-ANH KHOA

Nông dân đang chọn mua xuồng tại điểm bán ở khu vực Cầu Sắt Thơm Rơm. Ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết