08/04/2024 - 19:48

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà:

Nghiên cứu phương án bao phủ bảo hiểm y tế cho mọi bệnh nhân lao 

(TTXVN) - Sáng 8-4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị. Ảnh: Văn Ðiệp - TTXVN

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục cập nhật bài bản, chính xác và có hệ thống về: tình hình bệnh lao tại Việt Nam (tỷ lệ phát hiện ca nhiễm mới, hiệu quả điều trị, số ca tử vong…); khuyến cáo của các tổ chức quốc tế; nguồn lực được huy động từ nhà nước, xã hội, quốc tế… trong thực hiện công tác này.

Từ đó, Bộ Y tế đánh giá toàn diện, cẩn trọng về kết quả thực hiện các mục tiêu đặt ra cho công tác phòng, chống bệnh lao khi Việt Nam vẫn nằm trong số 30 nước chịu gánh nặng chi phí bệnh lao cao nhất thế giới; đồng thời chỉ rõ các khó khăn, thách thức, nguy cơ bùng phát và gánh nặng điều trị nếu không có giải pháp kiểm soát và đẩy lùi bệnh lao.

Phó Thủ tướng nêu rõ, trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Bộ Y tế là ban hành quy định, hướng dẫn chuyên môn về công tác dự phòng, phát hiện, điều trị bệnh nhân lao từ tuyến Trung ương đến cơ sở. “Đây là căn cứ để phân công nhiệm vụ, xác định nhu cầu nhân lực cần thiết trong các cơ sở y tế, trường học, khu vực đặc thù (trại giam, cơ sở cai nghiện, trung tâm giáo dưỡng)… nhằm kiện toàn, củng cố bộ máy, tổ chức hệ thống phòng, chống lao thống nhất, xuyên suốt trong phạm vi cả nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về nguồn kinh phí dành cho chương trình phòng, chống lao, Phó Thủ tướng yêu cầu xác định rõ đối tượng và hoạt động mà ngân sách nhà nước sẽ bảo đảm toàn bộ. Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu và ban hành phương pháp, quy chuẩn kỹ thuật, đơn giá phát hiện, xét nghiệm, phác đồ điều trị… để làm căn cứ bố trí ngân sách nhà nước hoặc thanh toán bảo hiểm y tế.

Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu phương án chi trả chi phí xét nghiệm phát hiện bệnh lao cũng như bao phủ bảo hiểm y tế cho mọi bệnh nhân lao; thực hiện đấu thầu tập trung để bảo đảm có đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác này”.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị y tế để triển khai điều tra toàn quốc về bệnh lao trong năm 2025; cập nhật, bổ sung tình hình và nhiệm vụ phòng, chống lao để báo cáo, kiến nghị kịp thời với cấp có thẩm quyền các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ xét nghiệm nhanh, đại trà về bệnh lao; kết hợp với y học cổ truyền để có các phác đồ điều trị mới nhất; phát triển ứng dụng dành cho bệnh nhân lao.

Các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao, chủ động khám sàng lọc, phòng ngừa. Hội người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên, nông dân… cần trở thành hạt nhân, nòng cốt trong triển khai chương trình phòng, chống lao tại địa phương.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, năm 2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao, lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam còn rất nặng. Số bệnh nhân lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hàng năm mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính. Tỷ lệ bệnh nhân lao được chữa khỏi hoàn toàn là trên 90%, lao kháng thuốc là 75%.

Đáng chú ý, hiện có khoảng 40% ca lao tiềm ẩn trong cộng đồng chưa được phát hiện, cùng với 2% bệnh nhân lao kháng thuốc, là nguyên nhân lây lan chính trong cộng đồng. Gần 30% người dân Việt Nam có tiếp xúc với vi khuẩn lao.

Hiện nay, Chương trình chống lao quốc gia Việt Nam đang triển khai các can thiệp toàn diện để tăng cường phát hiện sớm, nhất là trong những nhóm có nguy cơ cao (phạm nhân, người cao tuổi, trẻ em, người nhiễm HIV...); áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, phác đồ điều trị, thuốc mới nhất.

Tại Hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Sáng (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lao - bệnh phổi, Đại học Y Hà Nội) cho rằng, bệnh lao là vấn đề sức khỏe cộng đồng, do đó, cùng với hệ thống bệnh viện bệnh phổi và bệnh lao, cần có sự tham gia của tất cả mọi người dân để chấm dứt bệnh lao. Theo đó, yêu cầu quan trọng nhất là phát hiện sớm, điều trị ngoại trú tại cơ sở và có mạng lưới giám sát để bệnh nhân lao điều trị khỏi hoàn toàn. “Đây cũng là lợi thế của Việt Nam khi có mạng lưới phòng, chống lao đến tận cơ sở cùng cam kết mạnh mẽ của Chính phủ”, ông Trần Văn Sáng nhấn mạnh...

Diệp Trương

Chia sẻ bài viết