03/09/2017 - 17:24

Nghĩ về danh xưng 

Chuyện ca sĩ Ngọc Sơn được khen thưởng với cách gọi là Giáo sư âm nhạc tưởng đã êm nhưng nào ngờ mới đây, trả lời báo chí, anh cho biết những danh xưng mà người ta gọi anh đều xuất phát từ lòng cảm mến và anh thường không từ chối, dù đó có là cái mà ít người dám nhận như “Ông hoàng nhạc sến”.

     “Cải lương chi bảo”- NSND Bạch Tuyết.

Đúng là trong làng nghệ thuật, đôi khi vì tài năng và yêu mến nghệ sĩ mà người mộ điệu đặt cho những danh xưng để đời. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn tự nhiên, không cưỡng cầu, gượng ép.

Trong giới cải lương, nữ nghệ sĩ Thanh Nga sau khi vang danh với những vở tuồng: “Tiếng trống Mê Linh”, “Bên cầu dệt lụa”… đã được tôn xưng là “Nữ hoàng sân khấu”.

Tới bây giờ, vẫn chưa ai dám tự khoác danh xưng ấy cho mình. Hay với giọng ca bi ai, nức nở, khơi gợi nỗi niềm mà cố NSƯT Út Bạch Lan được mang danh “Sầu nữ”.

Còn nhắc đến NSND Bạch Tuyết- “Cải lương chi bảo” thì ai cũng biết và cũng chẳng ai bàn cãi. Rồi còn có ông “Vua vọng cổ” Viễn Châu với sự nghiệp bài ca cổ bậc nhất Việt Nam; “Hoàng đế đĩa nhựa” Tấn Tài một thời vang danh trong giới nghệ thuật, “Đệ nhứt danh ca” Út Trà Ôn…

Ở làng tân nhạc, nhiều danh xưng đến giờ vẫn được mọi người gọi nghệ sĩ với cả sự trân trọng và ngưỡng mộ như “Nhạn trắng Gò Công” Phương Dung, “Nữ hoàng chân đất” Khánh Ly… Tất cả đã vào tiềm thức và con tim người mộ điệu.

Thử tìm hiểu mới thấy, thời xưa khi các nghệ sĩ làm nghề bị “soi” rất  kỹ, nếu ai xứng đáng sẽ được đặt cho những danh xưng.

Những danh xưng ấy được khán giả gọi, được báo chí kịch trường tung hê trên mặt báo lại và thế là thành danh. Người có duyên đặt danh xưng cho nghệ sĩ một thời chính là cố nhà thơ Kiên Giang, tức soạn giả Hà Huy Hà.

Có lần cố nhà thơ Kiên Giang kể, chuyện đặt danh xưng gì cho ai không phải ngẫu nhiên hay tùy tiện mà phải dựa vào tài năng, phong cách biểu diễn, tính cách nghệ sĩ mà “chọn mặt gửi vàng”. Bởi vậy, chỉ cần nghe danh xưng, khán giả đã biết đó là nghệ sĩ nào.

Nghĩ chuyện xưa rồi cám cảnh chuyện nay. Thử điểm qua trong làng nghệ thuật, đầy giẫy “ông hoàng”, “nữ hoàng”, “siêu”, “danh”, “thánh”, “thần tượng”, “sao”, “diva”, “divo”… được đặt một cách tùy tiện, hời hợt.

Ngồi giám khảo một cuộc thi đã được gọi là “thánh hài”, “danh hài”; ca sĩ mới nổi tiếng một vài bài hát hay sau một cuộc thi nghiễm nhiên thành “ông hoàng nhạc pop”; thậm chí, có cô người mẫu nọ tối ngày mặc đồ “thừa da thiếu vải” cũng được tôn xưng là “nữ hoàng nội y”. Chuyện tầm phào, dễ dãi vậy mà cũng làm được!

Nghĩ về danh xưng rồi nghĩ về lòng tự trọng của người nghệ sĩ. Cái gì mình xứng đáng, mình không hổ danh thì nhận, bằng không thì thôi.

Chẳng phải là “Giáo sư âm nhạc” mà lại điền vào lý lịch và khi được gọi nhầm thì sung sướng hả hê. Sự dối trá và “tự sướng” vẫn đang ngự trị trong làng giải trí, đôi khi làm lấn át cả những giá trị đích thực!

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết