06/08/2024 - 09:19

NGHỊ QUYẾT
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024 

NGHỊ QUYẾT

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh
6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024

HỘI ÐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

KHÓA X, KỲ HỌP THỨ MƯỜI SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 42/NQ-HÐND ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân thành phố về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024;

Sau khi nghe Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024; báo cáo thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố; phát biểu giải trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.

QUYẾT NGHỊ:

Ðiều 1. Kết quả thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2024

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong nước, nền kinh tế đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp, khó lường, áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát ngày càng lớn, thiên tai, dịch bệnh, biến đối khí hậu,… tiếp tục diễn biến bất thường. Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố; cùng với đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện để có giải pháp khắc phục, xử lý kịp thời góp phần duy trì kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi và phát triển trong 6 tháng đầu năm 2024.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,73% so với cùng kỳ; tình hình sản xuất công nghiệp khá ổn định, ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm có tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP; lĩnh vực thương mại, tích cực thúc đẩy tiêu thụ, phân phối thông qua các giải pháp kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại, lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định, không xảy ra dịch bệnh; sản lượng thu hoạch thủy sản tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; công tác quản lý nhà nước về đô thị, xây dựng, đất đai, môi trường đạt nhiều kết quả tích cực.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm; ngành giáo dục chuẩn bị các điều kiện và thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2023 - 2024; công tác phòng, chống dịch bệnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo; các chính sách đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe và nâng cao đời sống Nhân dân được cải thiện tích cực; hoạt động thông tin, truyền thông được tăng cường, nhất là truyền thông về các chính sách mới của thành phố; hoạt động đối ngoại được triển khai tương đối đồng đều trên các lĩnh vực,…

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chuyển đổi số tiếp tục ưu tiên thực hiện; thành phố đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Cần Thơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và công dân trong thực hiện thủ tục hành chính. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và thực hành tiết kiệm được chú trọng thực hiện tốt.

Hoạt động của các cơ quan tư pháp đạt kết quả tích cực; chất lượng giải quyết, xét xử các loại án được nâng lên, tỷ lệ án bị hủy, sửa của Tòa án giảm; công tác kiểm sát hoạt động tư pháp được tăng cường, không để xảy ra trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm; kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính và những việc khác theo đúng quy định của pháp luật; công tác thi hành án dân sự đã thực hiện đạt yêu cầu nhiệm vụ của ngành theo quy định và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít hạn chế, khó khăn: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chỉ đạt mức trung bình, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 7,5% - 8,0% đã đề ra. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu chưa được mở rộng; nguồn cung cho sản xuất bị gián đoạn, chi phí vận chuyển, logictics tăng dẫn đến giá thành sản phẩm tăng, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước; thị trường bất động sản phục hồi chậm; thị trường vàng diễn biến phức tạp;... Tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn thấp, đạt 32,14% kế hoạch vốn được Hội đồng nhân dân thành phố giao, công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các công trình trọng điểm, việc triển khai các khu tái định cư còn chậm, chưa đạt yêu cầu, việc bàn giao các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật cho địa phương quản lý còn chậm, thu hút đầu tư ngoài ngân sách còn hạn chế. Hoạt động sản xuất nông nghiệp mặc dù tương đối ổn định nhưng vẫn còn phụ thuộc lớn vào thị trường, điều kiện thời tiết, nhất là đợt nắng nóng kéo dài trong những tháng vừa qua đã làm gia tăng chi phí sản xuất. Số doanh nghiệp giải thể và đăng ký tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ. Việc khai thác nguồn thu ngân sách từ tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, tiền sử dụng đất các dự án chưa được huy động kịp thời, tiến độ thu còn chậm; thu hải quan giảm mạnh. Việc cung ứng thuốc ở một số cơ sở y tế công lập, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư y tế vẫn chưa đảm bảo đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, cũng như chưa đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm y tế đối với người dân đến khám, điều trị bệnh tại các cơ sở y tế. Các hoạt động văn hóa, thể thao tuy được quan tâm nhưng công tác tổ chức một số hoạt động thiếu chặt chẽ, chất lượng chưa đảm bảo theo yêu cầu. Công tác cải cách hành chính hiệu quả chưa cao, một số nhiệm vụ cải cách hành chính thực hiện còn chậm; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự giao thông đô thị; tình hình thiên tai, giông lốc, sạt lở bờ sông còn diễn biến bất thường; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội từng lúc, từng nơi vẫn còn diễn biến phức tạp; số vụ tai nạn giao thông, vụ cháy tăng so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải quyết, xét xử một số loại án chưa đạt chỉ tiêu, một số vụ án phức tạp còn tồn đọng; tỷ lệ thi hành án dân sự đối với án có điều kiện thi hành còn thấp so với chỉ tiêu được giao.

Ðiều 2. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2024, như sau:

1. Ðẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ,... Thực hiện sơ kết tình hình thực hiện các nghị quyết Trung ương làm cơ sở đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện và nguồn lực thực hiện của thành phố, bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị. Quyết liệt hơn trong công tác rà soát, trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành các cơ chế, chính sách được Trung ương giao quy định chi tiết và các nghị quyết, chương trình, Ðề án của Thành ủy theo thẩm quyền; kịp thời có giải pháp phù hợp khắc phục hạn chế trong công tác thể chế hoá các văn bản của Trung ương theo phân cấp, chỉ đạo của Thành ủy đã được đề cập trong các báo cáo làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Giao Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 111/2022/NÐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời quan tâm thực hiện một số nội dung như sau:

- Rà soát, đối chiếu các tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên theo các quy định liên quan1 kịp thời trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định theo thẩm quyền nhằm đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định.

- Trên cơ sở các quy định tại khoản 2, Kết luận số 40-KL/TW ngày 18 tháng 7 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 20262; Nghị định số 111/2022/NÐ-CP và hướng dẫn của Bộ Nội vụ tại Công văn số 1509/BNV-CCVC ngày 06 tháng 4 năm 2023 về việc trao đổi chuyên môn3; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện hợp đồng dịch vụ, hợp đồng lao động một số loại công việc bảo đảm các nguyên tắc và các điều khoản chuyển tiếp theo quy định của Nghị định số 111/2022/NÐ-CP. Trong đó lưu ý:

+ Những trường hợp đã hợp đồng trong biên chế, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NÐ-CP chuyển sang hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NÐ-CP thì không được thấp hơn mức hợp đồng người lao động đang hưởng.

+ Tính toán và quyết định số lượng hợp đồng công việc phù hợp với tính chất công việc và đảm bảo công bằng trong việc thực hiện Nghị định số 111/2022/NÐ-CP đối với từng cơ quan, đơn vị và các chế độ quy định liên quan.

+ Thực hiện đúng chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, các quy định khác có liên quan và Ðiều lệ của Ðảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội.

(Còn tiếp)

1. Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nước năm 2022 và Quyết định số 30/2021/QÐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.

2. “…các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự quyết định việc sử dụng hợp đồng lao động và trả lương, phụ cấp cho lao động…”

3. “… Việc quyết định số lượng hợp đồng làm công việc hỗ trợ, phục vụ (kể cả hợp đồng ngắn hạn) thuộc thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập…”

Chia sẻ bài viết