04/07/2015 - 19:27

NGHỊ ĐỊNH 60: “Cú hích” ngoạn mục cho thị trường chứng khoán?

Ngày 26-6 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/NĐ-CP/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 1-9-2015, kỳ vọng sẽ tạo ra "cú hích" ngoạn mục cho Thị trường Chứng khoán (TTCK) nói riêng và Thị trường vốn (TTV) nói chung, cũng như việc thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ngay sau khi Nghị định 60 được ban hành, ngày 26-6, TTCK đã có một phiên giao dịch rất sôi động, khi tăng thanh khoản lên hơn 4.200 tỉ đồng trên 2 sàn từ mức 2.600 tỉ đồng của phiên liền trước đó. Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 2-7, thị trường đã có một phiên tăng điểm ngoạn mục, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 14 điểm, đây là mức tăng cao nhất của chỉ số này trong gần một năm qua và thiết lập đỉnh cao mới là 616 điểm kể từ tháng 9-2014. Thị trường đã tạo ra một tâm lý giao dịch sôi động, hứng khởi của nhà đầu tư trên các sàn giao dịch của các công ty chứng khoán và sau đó lan sang cả các diễn đàn chứng khoán online, các room chat... cũng hào hứng về việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, vì đây là điều được chờ đợi từ hơn 5 năm qua.

Khách hàng giao dịch tại Công ty Chứng khoán Thành Công. Ảnh: Đ. THỊNH

TTCK Việt Nam hiện còn rất nhỏ bé và thanh khoản thấp so với khu vực một phần cũng do các điều kiện ràng buộc về mặt pháp lý đối với nhà đầu tư nước ngoài còn phức tạp. Hệ số P/E 2015 (tỷ lệ thị giá trên lợi nhuận của cổ phiếu) của TTCK Việt Nam đang được giao dịch ở mức 12x, thấp hơn khoảng 30% so với các thị trường khác trong khu vực, mặc dù các yếu tố cơ bản cả ngắn hạn và dài hạn của nền kinh tế nước ta vẫn rất hấp dẫn, bao gồm các việc cải cách kinh tế vĩ mô mạnh mẽ gần đây. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room) với doanh nghiệp Việt Nam hạn chế ở mức 49% là một trong những nguyên nhân làm cho thị trường Việt Nam bị định giá thấp hơn so với các thị trường trong khu vực. TTCK Việt Nam có mức vốn hóa thị trường khoảng hơn 65 tỉ USD và giá trị giao dịch bình quân hằng ngày đạt khoảng hơn 120 triệu USD/một phiên và hiện tại đã có 31 công ty niêm yết trên 2 sàn đã hết room cho khối ngoại và gần 10 công ty nữa cũng sắp hết room. Nhưng các công ty này lại đang chiếm khoảng 35% giá trị vốn hóa thị trường và đang ngày càng gia tăng tỉ trọng. Hầu hết trong số các công ty này đều là các công ty có tên tuổi, với các chỉ số tài chính và quản trị tốt nên rất được nhà đầu tư nước ngoài ưa thích.

Theo Nghị định 60, ngoài những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì áp dụng tỷ lệ room theo luật chuyên ngành đó, còn lại tất cả các doanh nghiệp khác đều có thể được mở room lên đến 100% nếu điều lệ của công ty đó cho phép. Tỷ lệ nới room sẽ được các công ty niêm yết đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch chứng khoán tổ chức hệ thống theo dõi và cập nhật tỷ lệ room mới cho nhà đầu tư. Để việc nới room này diễn ra nhanh chóng thì các bước triển khai tiếp theo của các công ty niêm yết phải tổ chức họp Đại hội cổ đông hoặc xin ý kiến bằng văn bản về tỷ lệ room mới và tiến hành sửa đổi điều lệ công ty. Thời gian dự kiến có thể kéo dài khoảng từ một đến ba tháng hoặc chậm hơn, tùy thuộc vào từng công ty niêm yết. Theo đánh giá của Quỹ Dragon Capital, Quỹ Đầu tư nước ngoài có quy mô lớn và xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam, Nghị định 60 cho thấy sự thay đổi đáng kể trong cách nhìn nhận của Chính phủ đối với việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp (FII) từ nước ngoài, mặc dù Chính phủ đã làm việc này từ lâu để thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI). Quỹ Dragon Capital cũng cho rằng Nghị định 60 sẽ cung cấp cho thị trường vốn Việt Nam một "cú hích" ngoạn mục trong tương lai.

Trong buổi giới thiệu kêu gọi đầu tư tại Mỹ ngày 1-7-2015, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Việt Nam, ông Vũ Bằng khẳng định, ngay cả với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, room cũng sẽ được mở tiếp sau khi rà soát. Cùng với quyết sách nới room của Chính phủ, TTCK sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động tái cấu trúc và các giải pháp hỗ trợ, như rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống còn T+2, áp dụng giao dịch chứng khoán trong ngày, giảm thủ tục đăng ký giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài, triển khai thị trường chứng khoán phái sinh… Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cũng thể hiện quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên hiện nay lên mức thị trường mới nổi, để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế. Việc nới room cho nhà đầu tư ngoại sẽ giúp thị trường giao dịch sôi động hơn, tăng thanh khoản hơn. Tuy nhiên, rủi ro đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp, nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm cũng sẽ tăng lên khi thị trường hội nhập ngày càng sâu rộng, tầm hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam sẽ lớn hơn, sức ảnh hưởng của khối ngoại với thị trường cũng lớn hơn và không ngoại trừ sẽ có những dòng tiền nóng đến nhanh và đi cũng rất nhanh.

Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 51, trong đó bắt buộc doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa sẽ phải niêm yết trên sàn trong vòng từ 3 tháng đến 12 tháng. Chính phủ đã và đang tạo ra một cơ sở pháp lý đầu tư tốt hơn giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài để nguồn vốn ngoại có thể hấp thụ hết nguồn cung cổ phiếu nhằm phát triển mạnh mẽ TTCK, TTV, đẩy mạnh cải cách, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và chuẩn bị cho việc gia nhập TPP, thực hiện các FTA.

TRẦN ĐĂNG

Chia sẻ bài viết