08/03/2023 - 08:58

Nghề quê giữa phố 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Tiếp nối truyền thống làm bánh dân gian từ mẹ, chị Võ Thị Bích Như (32 tuổi, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều) lại chọn lối đi riêng để làm thăng hoa hương vị quê nhà. Nỗ lực của chị Bích Như đã mang về những thành quả ngọt ngào như chiếc bánh chị làm ra.

Chị Như (bên phải) cắt bánh da lợn thành phẩm. 

Trong danh sách tốp 100 món bánh ngọt ngon nhất thế giới của tạp chí ẩm thực danh TasteAtlas vừa công bố, bánh da lợn - một món bánh quê Nam Bộ vinh dự được góp mặt. Ðiều đó cho thấy sức hấp dẫn của món bánh này và những người thợ bánh như chị Bích Như đã góp phần lan tỏa.

Chị Bích Như quê ở Ngã Năm, Sóc Trăng. Nghề làm bánh da lợn do mẹ chị, một thợ làm bánh có tiếng ở vùng Ngã Năm, truyền lại. Chị học làm bánh từ năm học THCS, chỉ vì niềm đam mê và mong muốn trau dồi nữ công gia chánh. Tốt nghiệp THPT, chị Như đậu vào chuyên ngành Nông nghiệp của Trường Ðại học Cần Thơ, ra trường với tấm bằng kỹ sư, làm việc ở một công ty uy tín. Nhưng rồi như một cơ duyên, chị Như khởi nghiệp bằng nghề làm bánh mẹ truyền. Chị Bích Như kể: “Hơn 3 năm trước do đặc thù công việc phải đi làm xa, con còn nhỏ, chồng phải đi dạy học, gia đình đơn chiếc nên tôi quyết định xin nghỉ, ở nhà làm bánh vừa kiếm thu nhập, vừa có thể giữ con”.

Trong cơ hồ các loại bánh ngon Nam Bộ, chị Như chọn bánh da lợn để làm nên thương hiệu của mình. Thông thường, bánh da lợn có khoảng 3 lớp hoặc 5 lớp là nhiều, xen kẽ lớp đậu và lớp bột. Vì vậy mà mỗi lớp bánh khá dày, dù đổ nhanh, ít cực nhưng bánh không ấn tượng. Chị Như nghĩ là loại bánh da lợn “ngàn lớp” với lý giải: “Mỗi xửng tôi đổ đến hơn 30 lớp bánh, cắt ra từng miếng thì có cảm giác nhiều lớp không đếm hết, tôi thấy vậy nên đặt tên “ngàn lớp” cho ấn tượng”. Ðể đổ loại bánh này cần rất nhiều thời gian và kỳ công. Mỗi lớp bánh rất mỏng, cứ sau khoảng 2 phút thì đổ lớp tiếp theo. Việc canh thời gian để đổ lớp quan trọng, vì nếu chín quá bánh sẽ bị rổ mặt nhưng nếu chưa chín thì các lớp sẽ dính hòa vào nhau.

Một loại bánh đặc sắc khác của chị Như là bánh da lợn cuộn. Bằng thủ pháp riêng, chị Như đã bổ bánh da lợn nhiều lớp rồi cuộn tròn, cắt khoanh ra, nhìn rất đẹp mắt và độ ngon thì không kém bánh da lợn “ngàn lớp” là mấy. Kỳ công hơn nữa là sáng chế bánh da lợn bánh bò, từng tạo ấn tượng mạnh tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ TP Cần Thơ năm 2022. Bánh da lợn lại được đổ bằng chung uống trà nhỏ, việc đổ từng lớp cho thấy công phu và tỉ mỉ đến độ nào. Trên cùng, chị đổ một lớp bánh bò. Sự kết hợp này làm nên loại bánh lạ, vừa ngon miệng lại vừa đẹp mắt.

Bánh chị Như làm ra rất đẹp, đủ màu sắc nhưng tất cả đều bằng màu sắc “cây nhà lá vườn” như bông đậu biếc, trái gấc, lá dứa, lá cẩm... chứ không dùng phẩm màu. Ðiều đó giúp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dùng. Hiện tại, cứ cách ngày chị Như lại làm bánh một lần, với từ 50-80kg bánh, chủ yếu bán sỉ. Khi có khách đặt bánh cho đám tiệc hoặc sự kiện thì số lượng còn tăng hơn nhiều. Ðặc biệt nhất, sản phẩm bánh da lợn của chị Như hiện hằng tuần đều được cấp đông để xuất bán qua Ma Cao với khoảng 30kg/tuần. Trước đó, chị Như từng bán bánh qua Campuchia, Hàn Quốc. “Bán được bánh qua nước ngoài tôi vui lắm, vì không chỉ có thêm nguồn đầu ra mà quan trọng là được giới thiệu về bánh ngon quê mình”.

Lò bánh dân gian mang tên Minh Thư của người phụ nữ 9X Võ Thị Bích Như trong hẻm 5, đường Trần Vĩnh Kiết, thường xuyên đỏ lửa, thơm nức mùi bánh quê và cũng là điểm hẹn của nhiều khách hàng. Chồng chị Như là giảng viên của Trường Ðại học Tây Ðô nhưng hễ rảnh cũng phụ vợ đổ bánh, khéo tay không kém. Với thu nhập khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng từ nghề làm bánh, vợ chồng chị Như có nguồn thu nhập ổn định và an tâm theo đuổi nghề truyền thống.

Những lò bánh như của chị Như đã giúp lưu giữ nghề quê giữa phố, bảo tồn văn hóa ẩm thực truyền thống Nam Bộ.

Chia sẻ bài viết