16/08/2013 - 08:35

Phiên họp thứ 20 Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Nghe báo cáo giám sát về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, chiều 15-8, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo đánh giá của đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông", trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn hẹp, được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, với những nỗ lực của đội ngũ nhà giáo và học sinh, giáo dục phổ thông đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành tương đối đầy đủ, đã từng bước thể chế hóa các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về giáo dục, tạo hành lang pháp lý cho giáo dục phổ thông phát triển. Mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông không ngừng được củng cố, mở rộng, bình quân hằng năm gần 250 trường mới được thành lập, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập tăng nhanh của học sinh. Cả nước hiện có 28.912 trường phổ thông, bảo đảm chỗ học cho 14.782.561 học sinh phổ thông. Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông về cơ bản đã thể hiện được quan điểm, đường lối đổi mới giáo dục của Đảng và Nhà nước, bước đầu thể hiện được quan điểm dạy học phân hóa, tích hợp và tính liên thông, có nhiều tiến bộ về nội dung và hình thức trình bày. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, trình độ và cơ cấu chuyên môn. Đầu tư cho giáo dục được ưu tiên, cơ sở vật chất nhà trường từng bước được cải thiện, nâng cấp theo hướng chuẩn hóa. Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Công bằng xã hội trong giáo dục được thực hiện tốt hơn.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng chất lượng giáo dục phổ thông nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và còn thấp so với các nước tiên tiến. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung còn chậm tiến độ, chưa đồng bộ, một số quy định thiếu tính cụ thể, khả thi. Chương trình- sách giáo khoa còn thiên về truyền đạt kiến thức, chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tự học, chưa cân đối dạy "chữ" với dạy "làm người", giáo dục đạo đức, lối sống, lịch sử , văn hóa dân tộc cũng như định hướng nghề nghiệp. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai chương trình - sách giáo khoa mới nói riêng và bảo đảm chất lượng giáo dục nói chung. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở nhiều trường học còn thiếu đồng bộ chưa bám sát; chưa đáp ứng được yêu cầu của việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, hiệu quả sử dụng còn hạn chế...

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh sự cố gắng của đoàn giám sát, mặc dù trong thời gian ngắn nhưng đã làm được một khối lượng công việc lớn, thực hiện đúng chương trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao. Báo cáo đã đánh giá được thực trạng, bất cập, hạn chế của chương trình sách giáo khoa, phổ thông; kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo phổ thông - giai đoạn quan trọng để hình thành, phát triển nhân con người.

Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo Chính phủ và đoàn giám sát, tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng kết quả giám sát cần được thể hiện rõ hơn, cụ thể hơn trong từng nhận định, đánh giá nhận xét.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị đoàn giám sát tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm hoàn chỉnh báo cáo, chuẩn bị dự thảo Nghị quyết giám sát để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tại ký họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Nội dung của Nghị quyết cần giao nhiệm vụ rõ ràng cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết mới về chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015 theo lộ trình. Sau khi hoàn thiện văn bản giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cần chuẩn bị dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội khóa XIII. Nghị quyết cũng cần nêu rõ giao Chính phủ phối hợp với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh các nội dung liên quan đến giáo dục phổ thông, bảo đảm tính thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả thực hiện, có chất lượng ổn định.

Phúc Hằng (TTXVN)

Chia sẻ bài viết