05/07/2022 - 09:05

Ngành xuất bản sách và những tín hiệu khả quan 

BẢO LAM (Tổng hợp từ Publishers Weekly, US Book, Nytimes)

Ngành xuất bản sách toàn cầu đang phục hồi tốt sau thời gian dài thua lỗ và gặp khó vì dịch COVID-19. Những sự kiện sách dần được mở trở lại, thị trường cũng thông thoáng mở rộng trên nhiều nền tảng, tạo điều kiện cho ngành sách phục hồi nhanh hơn.

US Book Show 2021.

Năm 2020, thị trường xuất bản sách toàn cầu đã thiệt hại tới 7 tỉ USD. Một cuộc khảo sát từ Hội đồng Nhà văn châu Âu (EWC) cho thấy việc hủy bỏ các sự kiện trực tiếp, như: hội sách, buổi đọc sách… là nguyên nhân chính dẫn đến việc sụt giảm doanh thu. Theo đó, 77% các tác giả tham gia khảo sát thừa nhận đã gặp khó khăn khi các sự kiện trực tiếp bị hủy. Trong năm 2020, chỉ 1 trong số 13 hội chợ sách tầm quốc tế được diễn ra và hơn 50% các hội chợ sách đã bị hoãn. Dựa trên dữ liệu của EWC từ năm 2020, số lượng sách xuất bản mới ở châu Âu đã giảm gần 1/3 (giảm khoảng 150.000 đầu sách). Thị trường sách ở nhiều quốc gia gặp khó, như Ý, Ðức, Tây Ban Nha có doanh số bán hàng tại các cửa hàng giảm mạnh từ 75%-95%, còn Thụy Ðiển, Na Uy, Phần Lan có doanh số bán sách giảm từ 30-50%.

Dù gặp nhiều khó khăn trong suốt 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng đến năm 2022, ngành sách đang dần khả quan trở lại. Trong quý I năm 2022, doanh số bán sách đang tăng trưởng trở lại. Cụ thể, HarperCollins - một trong những công ty xuất bản sách tiếng Anh lớn nhất, có trụ sở chính tại New York (Mỹ) đã có doanh số bán sách tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, Lagardère - đơn vị xuất bản tư nhân lớn thứ ba thế giới trên thị trường thương mại và giáo dục, cũng có doanh số tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2021. Công ty xuất bản Simon & Schuster cũng công bố doanh thu tăng 17,3% trong quý đầu tiên của năm nay. Jonathan Karp, Giám đốc điều hành Simon & Schuster, nói: “Tất cả bộ phận của Simon& Schuster đều có doanh số bán hàng tăng hai con số trong quý I, dẫn đầu là nhóm quốc tế tăng 30%. Sách thiếu nhi cũng tăng 16%”.

Thị trường xuất bản đã dần nhộn nhịp trở lại. Tại Pháp và Tây Ban Nha có mức tăng 20%, trong khi Hà Lan, Na Uy và Ba Lan cũng tăng trưởng bình quân từ 8%-9%. Nguyên nhân của sự thay đổi được cho là ngành xuất bản đã có những bước đi thích ứng với các nền tảng kỹ thuật số và thương mại trực tuyến. Ngành đã phản ứng nhanh với các xu hướng kỹ thuật số bằng cách đa dạng hóa sản phẩm với nhiều hình thức, như: sách điện tử, sách nói, cũng như tăng cường các hình thức tương tác qua mạng xã hội. Việc đổi mới các mô hình kinh doanh xuất bản trong đại dịch dẫn đến những thay đổi tích cực. Cụ thể, tại Anh và Mỹ, nền tảng trực tuyến Bookshop đã được ra mắt với mục đích bảo vệ các hiệu sách độc lập. Những tiệm sách có thể xây dựng gian hàng trực tuyến trên Bookshop và nền tảng này sẽ hỗ trợ các dịch vụ về khách hàng và vận chuyển. Các hiệu sách sẽ nhận được toàn bộ tỷ suất lợi nhuận (30% giá bìa) từ mỗi lần bán hàng. Tại thị trường Mỹ, các hiệu sách độc lập đã thu về hơn 11,5 triệu USD nhờ nền tảng này. Tại Pháp, hiệu sách Shakespeare and Company đã ra mắt chương trình ưu đãi cho các thành viên, như ưu tiên chọn sách và tham gia vào các câu lạc bộ sách. Những người yêu sách từ khắp nơi trên thế giới đã đăng ký chương trình này và các hiệu sách độc lập khác được hưởng lợi từ mô
hình này.

Ngoài ra, các hoạt động chợ sách cũng dần hoạt động bình thường trở lại, góp phần tăng trưởng thị trường tiêu thụ truyền thống. Như sự thành công của US Book Show (Triển lãm sách Mỹ) vào tháng 5-2021, có khoảng 150 gian hàng tham gia, thu hút hơn 3.600 người đến tham quan trong 3 ngày diễn ra sự kiện. Năm nay, US Book Show dự kiến sẽ còn thu hút nhiều người hơn nữa khi diễn ra vào mùa thu. Theo các chuyên gia và những người ở trong ngành xuất bản quốc tế, sự trở lại của loạt sự kiện về sách như triển lãm, hội chợ sách… sẽ góp phần đưa ngành xuất bản thế giới nhanh chóng phục hồi.

Chia sẻ bài viết