07/01/2019 - 14:59

Ngành thủy sản “tham vọng” tăng 1 tỉ USD năm 2019 

Từ những kết quả đã đạt được trong năm 2018, ngành thủy sản đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 1 tỉ USD, tức đạt 10 tỉ USD trong năm 2019.

Cá tra “cứu” ngành thủy sản 

Tuy có sự tăng, giảm giữa các nhóm ngành, nhưng xuất khẩu thủy sản năm 2018 được đánh giá khả quan khi kim ngạch cả năm ước đạt 9 tỉ USD, tăng 8,4% so với năm ngoái, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp trong năm 2018 này.

Ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu tăng 1tỉ  USD năm 2019. Trong ảnh: Chế biến cá tra tại một doanh nghiệp ở An Giang.

Riêng đối với ngành thủy sản, theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng như các số liệu thống kê cho thấy, cá tra đóng vai trò dẫn dắt và góp phần tạo ra sự tăng trưởng của ngành thủy sản trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu tôm sụt giảm ở năm nay.

Cụ thể, số liệu thống kê của VASEP cho thấy, xuất khẩu tôm trong tháng 11-2018 đạt 290 triệu USD, tiếp tục giảm trên 19% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa lũy kế tổng kim ngạch xuất khẩu tôm đến hết tháng 11-2018 đạt gần 3,3 tỉ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với xuất khẩu mặt hàng cá ngừ và mực bạch tuộc, đánh giá của VASEP cho thấy, những chủng loại sản phẩm này có chiều hướng tăng trong thời điểm cuối năm, trong đó, cá ngừ tăng 11% và mực bạch tuộc tăng 30% trong tháng 11-2018 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt kim ngạch tương ứng là 60 và 67 triệu USD. Điều này, giúp đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ và mực bạch tuộc 11 tháng đầu năm 2018 lần lượt đạt 600 và 609 triệu USD, tăng lần lượt 11% và 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả xuất khẩu như nêu trên của sản phẩm cá ngừ và mực bạch tuộc cũng đã góp phần vào sự tăng trưởng của ngành thủy sản trong năm 2018. Thế nhưng, cá tra mới là loại thủy sản đóng vai trò dẫn dắt sự tăng trưởng của ngành thủy sản trong năm 2018 khi có sự đột phá về tốc độ tăng trưởng.

Cụ thể, VASEP cho biết, xuất khẩu cá tra trong tháng 11-2018 duy trì đà tăng trưởng khả quan, 32% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương đạt 212 triệu USD, đưa lũy kế xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2018 đạt trên 2 tỉ USD, tăng 25% so với cùng kỳ. Dự báo, tổng giá trị xuất khẩu cá tra cả năm 2018 đạt trên 2,2 tỉ USD, tăng 22% so với năm 2017. Điều này, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản cả năm 2018 ước đạt 9 tỉ USD như đã nêu ở trên.

Làm gì cho mục tiêu tăng thêm 1 tỉ USD?

Từ những kết quả đã đạt được như nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2019 tăng 1 tỉ USD so với năm trước đó, tức đạt 10 tỉ USD.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP đề nghị, các đơn vị liên quan cần phải thường xuyên quan tâm đến vấn đề chất lượng thủy sản gắn với xây dựng thương hiệu. Trong đó, những thách thức đã được nhận diện như: thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn cũng cần phải được ứng phó linh hoạt nhằm đảm bảo lợi ích lớn nhất cho ngành thủy sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn vào nhóm ngành hải sản khai thác và yêu cầu cần sớm tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC). “Vấn đề quan trọng hiện nay, bên cạnh phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) giải quyết những điểm nghẽn theo khuyến cáo của họ, thì cần phải tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền nâng cao nhận thức trong doanh nghiệp, ngư dân và các địa phương về thực hiện chống khai thác bất hợp pháp (IUU)”, ông cho biết.

Theo ông Cường, cần tập trung triển khai các nội dung của Luật Thủy sản năm 2017, trong đó, quan trọng nhất là tổ chức triển khai các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của ngành thủy sản như: tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện. “Thực hiện được việc này thì ngành thủy sản sẽ có triển vọng rất lớn”, ông nói.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) lưu ý, cần kiểm soát tốt cân đối cung- cầu, nhất là trong bối cảnh ngành cá tra có thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, trong khi quốc gia này đang đẩy mạnh phát triển loại thủy sản này để cạnh tranh với Việt Nam. “Một vấn đề quan trọng khác cần lưu ý là phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững thị trường đã có và mở rộng khai thác những thị trường tiềm năng mới”, ông Dương Nghĩa Quốc gợi ý.

Bài, ảnh: T.C

Chia sẻ bài viết