Trong tháng 5-2024, các Công ty điện lực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cùng với Đoàn Đại biểu Quốc hội tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam đã tiếp xúc và báo cáo cử tri về tình hình cung cấp điện trong năm 2024. Đồng thời ghi nhận và giải đáp kịp thời những phản ánh của cử tri ở 21 tỉnh, thành phía Nam về việc triển khai điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện…

Công nhân Điện lực Ninh Kiều kiểm tra hoạt động vận hành tại một trạm biến áp, cung cấp điện cho các khu vực trọng yếu trên địa bàn quận.
Ông Bùi Quốc Hoan, Phó Tổng Giám đốc EVNSPC, cho biết: Trong tháng 5-2024, các Công ty điện lực thành viên EVNSPC cùng với Đoàn Đại biểu Quốc hội tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam đã tiếp xúc và báo cáo cử tri về việc triển khai phương án bảo đảm cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân 21 tỉnh, thành phía Nam; đồng thời ghi nhận và giải đáp 41 ý kiến của cử tri tại 21 tỉnh, thành phía Nam, xoay quanh các nội dung về việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện; việc sử dụng điện an toàn và tiết kiệm; đầu tư xây dựng lưới điện, thay công tơ điện…
Giải đáp thắc mắc của nhiều cử tri tại một số tỉnh, thành phía Nam về thang giá bán lẻ điện ở bậc 1 dưới 50kWh là quá thấp, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết: Theo số liệu thống kê năm 2023, cả nước có 3,2 triệu hộ sử dụng điện dưới 50 kWh/tháng (chiếm 11,51% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt); có 7,6 triệu hộ sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng (chiếm 27% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt)... Và trong dự thảo sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, EVN và Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 bậc còn 5 bậc, trong đó, giá bán lẻ điện ở bậc 1 sẽ là giá cho 100kWh đầu tiên. Hiện dự thảo Quyết định 28 đang được các bộ thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian tới.
Trả lời ý kiến của nhiều cử tri ở các tỉnh, thành phía Nam về việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện hiện hành, gây tác động đến tất cả các loại hàng hóa và đời sống người dân… Ông Võ Quang Lâm cho biết: Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26-3-2024 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (Quyết định số 05). Cụ thể, Quyết định số 05 quy định giá bán điện bình quân được lập trên cơ sở chi phí phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí điều hành, quản lý ngành và các khoản chi phí khác, phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện của EVN để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện và đáp ứng nhu cầu đầu tư… Và hằng năm, sau khi kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá bán điện bình quân sẽ được xem xét, điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí tất cả các khâu. Theo đó, khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng; khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, thì giá điện được phép điều chỉnh tăng… Như vậy việc điều hành, điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đều được thực hiện trên cơ sở kết quả tính toán và các thủ tục quy định tại Quyết định số 05.
Theo ông Võ Quang Lâm, do biến động của tình hình chính trị - xã hội thế giới và diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 thời gian qua đã khiến giá nhiên liệu đầu vào dùng cho sản xuất điện như than, dầu, khí… tăng. Thêm vào đó, ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino, nên cơ cấu nguồn điện bị biến động, nhất là tỷ trọng các nguồn điện giá rẻ như thủy điện giảm, trong khi giá mua các nguồn điện như nhiệt điện than, nhiệt điện dầu… tăng cao. Trong bối cảnh đó, EVN cùng với các đơn vị thành viên đã nỗ lực thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, nhưng do giá thành khâu phát điện tăng cao, dẫn tới chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng, gây áp lực lên cân bằng tài chính của EVN. Và để hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân, EVN cùng với các bộ, ngành tính toán về việc điều chỉnh tăng giá điện ở mức hợp lý, nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh cho EVN, nhưng vẫn bảo đảm lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp… Cùng đó, ngành điện đã và đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động cộng đồng chung tay sử dụng điện tiết kiệm để san sẻ khó khăn cùng ngành điện trong bối cảnh giá nguyên liệu sản xuất điện tăng cao.
Theo EVNSPC, qua các buổi tiếp xúc cử tri tại các tỉnh, thành phía Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội ở các địa phương đã ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của ngành điện phía Nam trong việc giải đáp thắc mắc và giải quyết kịp thời các nội dung phản ánh của cử tri cũng như của Đại biểu Quốc hội… Qua đó, giúp EVNSPC từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân tại 21 tỉnh, thành phía Nam.
Bài, ảnh: MỸ HOA