06/08/2018 - 14:37

"Ngân hàng đất" đầu tiên ở ĐBSCL 

Không ít người nuôi tôm nạo vét bùn đất trong ao nuôi rồi đổ thẳng ra sông, nhiều công trình nạo vét kênh mương thủy lợi cũng không có chỗ đổ đất,… trong khi đó việc xây dựng lại thiếu đất san lấp mặt bằng. Trước những bất cập đó, “ngân hàng đất” đầu tiên tại Cà Mau, cũng là đầu tiên tại ĐBSCL đã ra đời.

Tỉnh Cà Mau hiện có 290.000 ha đất nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm. Ảnh: camau.gov.vn

Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh hiện có 290.000 ha đất nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm, nên hằng năm, lượng bùn nạo vét rất lớn. Nhiều nơi, khi nạo vét ao đã bơm đất, bùn ra kênh rạch, khiến cho môi trường vùng nuôi tôm bị ô nhiễm, nhiều dòng sông bị bồi lắng nhanh, ảnh hưởng đến dòng chảy.

Hiện tại, hệ thống hạ tầng thủy lợi tiểu vùng 10 ở phía Nam Cà Mau đang được đầu tư. Do đường giao thông nông thôn vùng này đã được đầu tư hoàn thiện, nên khi nạo vét kênh rạch thủy lợi gặp khó vì không có chỗ đổ đất.

Ngược lại, tỉnh Cà Mau cũng cần khoảng 600.000 m³ cát để thực hiện những công trình tái định cư cấp bách cho dân và đắp nền đê ven biển. Khi có vật liệu thay thế, tuyến đê biển rộng từ Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) đến Khánh Hội (huyện U Minh) mới được thực hiện. Nhiều nơi ở khu vực ven biển này đang đối mặt với tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng, nhiều đoạn phải hộ đê khẩn cấp.

Nhằm giải quyết tình trạng bí chỗ đổ bùn đất, tỉnh Cà Mau đầu tư “ngân hàng đất” với quy mô khoảng 11 ha, nằm tại xã Trần Thới (huyện Cái Nước). Điểm đầu của dự án giáp dưới chân cầu Đầm Cùng, chạy dài đến cống Bào Chấu. Kinh phí thực hiện dự án khoảng 20 tỷ đồng.

Nói về mục tiêu “ngân hàng đất” đầu tiên và khá mới này, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho Báo SGGP biết: “Hiện ‘ngân hàng đất’ đang xây dựng hạ tầng. Khi hạ tầng hoàn thiện thì khai thác bùn đất để đưa về dự trữ. ‘Ngân hàng đất’ này là nơi dự trữ đất, khi các công trình xây dựng có nhu cầu san lấp mặt bằng sẽ lấy nguồn đất ở đây…”.

Ngoài ra, theo ông Nam, hướng đến mục tiêu lớn hơn, tỉnh đang hợp tác với các viện, trường đại học… nghiên cứu chất phụ gia, làm thành phẩm để dùng trong các công trình xây dựng. Tuy giá thành còn cao, nhưng do tương lai lâu dài nguồn cát sẽ cạn kiệt dần, vì vậy cần tính đến vật liệu thay thế cho phù hợp. Do đó, việc nghiên cứu chất phụ gia trộn với đất làm vật liệu thay thế rất triển vọng.

Cùng với việc tìm kiếm vật liệu thay thế cát, ông Nam cũng cho biết, nhiều cán bộ của tỉnh đã cùng đại diện Ngân hàng Thế giới sang Hà Lan tham quan mô hình ngân hàng đất được đầu tư rất hiệu quả tại nước này.

“Cách làm của Hà Lan là tổ chức một lực lượng chuyên đi nạo vét kênh mương từ nông thôn đến đô thị, rồi mang về ‘ngân hàng đất’. Tại đây, đất được phân loại để làm phân hữu cơ trước khi trộn phụ gia để mang đi san lấp nền đường, công trình dân dụng. Hiện ‘ngân hàng đất’ tại Cà Mau đang trong giai đoạn triển khai, nếu thành công sẽ nhân rộng…”, ông Nam nói.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết