15/04/2020 - 07:17

Nêu gương phải trở thành văn hóa

Mấy ngày gần đây, qua thông tin từ báo chí, mạng xã hội, dư luận tỏ ra bất bình với vụ việc vị Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước không đeo khẩu trang, đứng cự cãi, có những lời lẽ gay gắt, thậm chí văng tục, đập bàn, không chấp hành quy định đo thân nhiệt theo yêu cầu của cán bộ, nhân viên tại một chốt kiểm dịch COVID-19.

Nếu xét về góc độ cán bộ, đảng viên không tuân thủ những quy định của Chính phủ về phòng chống dịch thì trước đó ở Hà Tĩnh, một vị Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê đã tổ chức đám cưới cho con, rước dâu với đoàn ô tô hàng chục chiếc, làm huyên náo dư luận. Cả hai vị này đều đã bị tạm đình chỉ công tác để xem xét, xử lý kỷ luật. Thế nhưng, dư âm từ hai vụ việc này vẫn chưa hết. Vấn đề mà nhiều người vẫn trăn trở là vì sao những người được xem là “công bộc của dân” lại không làm gương trong việc tuân thủ pháp luật về phòng chống dịch bệnh?

Chuyện nêu gương của người làm quan không phải là chuyện ngày nay mới được bàn tới. Với quan điểm “Thượng bất chính hạ tắc loạn”, một trong những yêu  cầu mà người xưa đặt ra cho những người muốn làm vua, làm quan tốt là phải biết “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” và phải biết “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Thấm nhuần tư tưởng của người xưa về trách nhiệm nêu gương của người lãnh đạo, quản lý, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời luôn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nhận thức, tự đề cao và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm nêu gương trước nhân dân, xem đây là một nhân tố có vai trò cực kỳ quan trọng trong xây dựng Đảng, nhất là xây dựng Đảng về tư tưởng và đạo đức. Theo Người, “Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống”. Người cũng từng căn dặn: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Thấm nhuần Tư tưởng Hồ Chí Minh, từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn chú trọng việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở về việc phải nêu cao trách nhiệm nêu gương trước nhân dân. Nhờ thế mà trong một thời gian dài, hình ảnh “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” đã có sức động viên, cuốn hút mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân ra sức phấn đấu, thi đua hoàn thành tốt các nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng, những năm gần đây, vì nhiều lý do, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên các cấp đã quên, đã xao lãng, xem nhẹ trách nhiệm nêu gương trước nhân dân, rơi vào suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Để chấn chỉnh tình trạng này, chỉ tính từ nhiệm kỳ khóa XI tới nay, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định về vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cụ thể là: Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của BCH Trung ương Đảng khóa XI “Về những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 của BCH Trung ương khóa XII “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Quy định đã rõ. Vấn đề là làm thế nào để thực hiện đúng, thực hiện tốt những quy định đó, để mỗi cán bộ đảng viên từ cơ sở đến Trung ương thực sự là một tấm gương sáng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, về ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật; về tinh thần trách nhiệm công vụ; về tinh thần vì dân, trọng dân, gần dân, lắng nghe dân, học hỏi dân;…

Thiết nghĩ, một trong những yêu cầu hàng đầu trong việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay - nhất là nêu gương về tư tưởng đạo đức - là mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng cần chú trọng và tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, nội dung, nguyên tắc, phương pháp, phong cách nêu gương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và những quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, từng cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cụ thể hóa, xây dựng thành các quy định cụ thể về nêu gương cho sát hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình cũng như của từng cán bộ, đảng viên theo từng vị trí công tác. Những quy định này vừa là căn cứ để từng cán bộ, đảng viên phấn đấu, tu dưỡng, tự soi, tự sửa, tự rèn luyện bản thân về mọi mặt; đồng thời cũng là cơ sở để cấp ủy đảng đánh giá cán bộ, đảng viên định kỳ.

Song song đó, cũng cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng; vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, của các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân đối với hoạt động lãnh đạo của cấp ủy đảng, hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng, đạo đức lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Làm sao để trách nhiệm nêu gương phải được mỗi cán bộ, đảng viên - nhất là những người đứng đầu - tự giác, tự nguyện thực hiện, xem đó là bổn phận, là nghĩa vụ và trách nhiệm, dần dần trở thành một nhu cầu văn hoá tự thân của mình trong thực thi công vụ cũng như trong sinh hoạt đời thường. Khi đó, “làng nước” sẽ lại hăng hái “theo sau” khi nhìn thấy “đảng viên đi trước”.

NGUYỄN VŨ

Chia sẻ bài viết