15/04/2020 - 07:17

Nét đẹp trong bóng đá Đức 

Khủng hoảng liên quan dịch COVID-19 hiện nay một lần nữa cho thấy tinh thần đoàn kết đáng ngưỡng mộ của người Đức.

Các cầu thủ Dortmund tri ân khán giả sau một trận đấu. Ảnh: Getty Images

Còn nhớ, sau một thời gian “vung tay quá trán”, vào năm 2003 CLB Borussia Dortmund đứng bên bờ vực phá sản. Nhưng thay vì hả hê, Bayern Munich quyết định ném “chiếc phao” 2,2 triệu USD để cứu đội bóng kình địch. Khi chi tiết của khoản vay không tính lãi đó được tiết lộ, người ta mới biết “Hùm xám” vùng Bavaria hỗ trợ Dortmund không phải để khoe khoang hay đánh bóng tên tuổi, mà đó là hành động thiện chí, thể hiện tinh thần đoàn kết thực sự.

Bóng đá Đức lâu nay cũng tồn tại “Quy luật 50+1”, đảm bảo tối thiểu 51% cổ phần mỗi CLB ở giải Bundesliga phải được sở hữu bởi các hội cổ động viên. Với mô hình “50+1” cộng với giá vé vào sân hợp lý và ý thức vì cộng đồng cao, việc bảo tồn nét đẹp của môn thể thao này dường như quan trọng hơn nhiều so với sự ảnh hưởng từ nước ngoài và hợp tác đầu tư - những điều rất phổ biến ở các giải đấu lớn hiện nay.

Cách tiếp cận nói trên tiếp tục được thể hiện trong giai đoạn khủng hoảng do COVID-19 gây ra hiện nay. Cuối tháng rồi, 4 đội bóng Đức dự Champions League mùa này đã hợp sức lập ra quỹ đoàn kết 21,7 triệu USD nhằm giúp tất cả các CLB tại Bundesliga và 2. Bundesliga (giải hạng hai Đức) chống chọi trong đại dịch. Bayern, Dortmund, Bayer Leverkusen và RB Leipzig đã sử dụng tiền bản quyền truyền hình quốc nội của họ ở mùa giải tới để lập quỹ. Số tiền này sẽ được chuyển cho Liên đoàn Bóng đá Đức (DFL) trước khi tính toán phân chia cho các đội.

Với tình hình dịch COVID-19 hoành hành, DFL đã phải tạm hoãn Bundesliga và 2. Bundesliga từ ngày 13-3. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các CLB có tiềm lực tài chính yếu, bởi việc không thi đấu khiến họ mất đi 2 nguồn thu quan trọng từ bản quyền truyền hình và tiền vé. Được biết, khoảng 56.000 nhân viên đang làm việc trong lĩnh vực bóng đá Đức. Vì vậy, nhiều người đã giật mình khi có báo cáo nói rằng 13/36 CLB ở hai giải đấu nói trên sẽ đối mặt với kịch bản vỡ nợ nếu bóng không lăn trở lại vào tháng 5. Còn theo tạp chí Forbes, bóng đá Đức có thể mất khoảng 836 triệu USD doanh thu từ bản quyền truyền hình nếu bỏ ngang mùa giải này. Do đó, hiện nay toàn bộ các đội ở Bundesliga đã được phép tập luyện trở lại, nhưng phải tuân thủ những quy định khắt khe về an ninh. Hôm 8-4, Giám đốc điều hành Bundesliga Christian Seiftert nói rằng giải này và 2. Bundesliga dự kiến sẽ được thi đấu trở lại trên 36 sân nhưng không có khán giả vào đầu tháng tới. Bundesliga còn 9 vòng đấu và có thể sẽ hạ màn vào tháng 6.

Bên cạnh nguồn tài trợ từ 4 “ông lớn”, nhiều CLB khác ở Bundesliga cũng đã chủ động giảm hoặc từ bỏ lương. Borussia Mönchengladbach là đội bóng Bundesliga đầu tiên có các cầu thủ, HLV và giám đốc thể thao tự nguyện giảm lương để giúp đội nhà giảm chi phí mỗi tháng 1,1 triệu USD. Hào hiệp hơn, các thành viên đội một FC Union Berlin thậm chí không nhận một xu nào. Mong muốn đóng góp trong giai đoạn khủng hoảng là điều khá phổ biến trong bóng đá Đức và cũng không ai bị ép buộc từ bỏ lương hay xảy ra tranh cãi ồn ào như ở Anh.

Đề xuất giảm 30% lương cầu thủ của Ban Tổ chức giải Ngoại hạng Anh gần đây đã bị bác bỏ bởi Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp (PFA) và cựu tuyển thủ Anh Wayne Rooney. PFA lập luận rằng đề xuất trên có thể khiến Chính phủ Anh mất đến 217 triệu USD tiền thuế, gây bất lợi cho dịch vụ y tế công.    

BÌNH DƯƠNG (Theo Yahoo Sports)

Chia sẻ bài viết