23/08/2008 - 08:00

Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII

Nên thành lập cơ quan tài phán để giảm bớt tình trạng khiếu kiện

Tiếp tục Phiên họp thứ 11, ngày 22-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao; Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và tiến hành thảo luận về vấn đề này dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Trưởng đoàn giám sát của UBTV QH Trần Thế Vượng nhận định: 3 năm qua, tình hình khiếu nại của công dân diễn biến phức tạp và có xu hướng vượt cấp lên các cơ quan Trung ương, trong đó phần lớn liên quan tới đất đai (chiếm 80%) nhất là ở các tỉnh và thành phố có tốc độ đô thị hóa cao đã và đang thực hiện nhiều dự án về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, sân gôn... Nhiều trường hợp khiếu nại đã được các cấp chính quyền xem xét nhiều lần và đưa ra phương án giải quyết hợp lý, nhưng công dân vẫn không đồng ý, tiếp tục khiếu nại gay gắt. Ở một số địa phương còn có vụ việc giải quyết không đúng chính sách pháp luật, chưa phù hợp với thực tế. Một số vụ việc tuy không phức tạp nhưng do thiếu quan tâm hoặc do sự nể nang, né tránh dẫn đến chậm giải quyết.

Để giải quyết triệt để tình trạng khiếu kiện kéo dài, các Ủy viên kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà soát các luật, pháp lệnh chuyên ngành làm căn cứ để giải quyết khiếu nại. Trong đó chú trọng việc đánh giá những quy định về thu hồi đất, về giá đất, về bồi thường giải phóng mặt bằng và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi trong Luật Đất đai. Bên cạnh đó, cần khắc phục ngay tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan; phát huy tối đa dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, xử lý kiên quyết các trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo và các hành vi tổ chức kích động lôi kéo người khác đi khiếu nại, tố cáo.

Theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của QH; Nguyên nhân chính là do hệ thống chính sách hiện nay thiếu đồng bộ, nhất quán (nhất là về lĩnh vực đất đai); người khiếu nại rất ít khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án mà thường kiên trì yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước giải quyết. Ông Hiển đề nghị, các thành viên có liên quan cần rà soát lại chính sách, đảm bảo đồng bộ, nhất quán, nhất là Luật đất đai; sửa lại Luật tố cáo cho phù hợp để người dân tin tưởng vào chính quyền địa phương; nên thành lập cơ quan tài phán để giảm bớt tình trạng khiếu kiện.

Để làm rõ vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh: Bản chất vấn đề khiếu nại tố cáo chưa được báo cáo đầy đủ, ngay cả báo cáo giám sát của đoàn đại biểu TVQH chưa thể hiện hết. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng khiếu nại vượt cấp là do công tác quản lý, chính sách pháp luật, tổ chức thực hiện không đầy đủ, làm bất lợi cho dân, chỉ làm lợi cho doanh nghiệp, cho địa phương. Việc tiếp dân hiệu quả thấp, thậm chí nơi tiếp dân, nhận đơn, chuyển đơn chỉ chưa được chú trọng, hiệu quả không giải quyết được nhiều ý kiến nghị của người dân.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng: Để hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến khiếu nại tố cáo, nhất là lĩnh vực đất đai cần quy định cụ thể hơn đến công tác quản lý. Ngoài ra cũng cần chú ý đến các chính sách về vấn đề xã hội. Để sớm trình QH, đoàn giám sát của UBTV QH khi báo cáo cần đề cập nguyên nhân việc phát sinh khiếu nại tố cáo; đồng thời đánh giá kết quả thực hiện khiếu nại tố cáo trong 3 năm Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị, các thành viên khi báo cáo cần giải pháp cụ thể giải quyết oan sai, đề ra cơ chế chính sách để giải quyết bức xúc hiện nay.

LƯU THỊ THOAN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết