14/04/2021 - 06:53

Nâng mức độ thụ hưởng cho người dân ở xã nông thôn mới 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng (XD) nông thôn mới (NTM) là chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Vì vậy, bên cạnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; đáp ứng yêu cầu vui chơi, giải trí của người dân nông thôn rất được quan tâm. Đây cũng là mục tiêu xuyên suốt được đề ra tại Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 26-9-2013 của Thành ủy: XD cơ sở vật chất cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe và văn hóa thể thao ở các xã gắn với XD NTM đến năm 2020.

Rút ngắn khoảng cách

Đoàn giám sát XD NTM thành phố khảo sát tại Trường Mầm non Nhơn Ái, huyện Phong Điền.

Đoàn giám sát XD NTM thành phố khảo sát tại Trường Mầm non Nhơn Ái, huyện Phong Điền.

Sau hơn một năm ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XD NTM đến năm 2020”, ngày 26-9-2013 Thành ủy Cần Thơ tiếp tục ra Nghị quyết số 14-NQ/TU về XD cơ sở vật chất cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe và văn hóa thể thao ở các xã gắn với XD NTM đến năm 2020. Như vậy, sau khi ban hành nghị quyết chung về XD NTM, thành phố đã có hẳn một nghị quyết riêng về thực hiện các nhóm tiêu chí về giáo dục, y tế, văn hóa. Đây là nghị quyết có tính chiến lược, tác động trực tiếp đến nâng cao trí lực, thể lực, đời sống tinh thần và chất lượng nguồn nhân lực tại các xã XD NTM. Qua đó, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, kéo giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

8 năm thực hiện Nghị quyết số 14, thành phố huy động vốn ngân sách đầu tư cơ sở vật chất cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe và văn hóa thể thao ở các xã gắn với XD NTM với tổng nguồn vốn trên 2.360 tỉ đồng. Trong đó, lĩnh vực giáo dục trên 1.993 tỉ đồng, chiếm 84,43%; lĩnh vực y tế trên 97 tỉ đồng, chiếm 4,11%; lĩnh vực văn hóa thể thao trên 270 tỉ đồng, chiếm 11,45%.  Kết quả trên giúp nâng cao tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đi học các cấp đạt 99,4%; tỷ lệ huy động học sinh đúng độ tuổi đến trường ở khu vực nông thôn, trẻ vào học mẫu giáo 96%, bậc tiểu học 100%, bậc THCS 95,17%. Thành phố quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đều khắp các huyện, 36/36 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; 100% xã có các loại máy như máy điện tim, siêu âm, máy đo đường máu phục vụ công tác khám, chữa bệnh…

Ông Nguyễn Thành Út, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: Huyện đã chủ động XD chương trình, kế hoạch và đề ra các giải pháp huy động các nguồn lực góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 14. Nhờ đó, hệ thống giáo dục, quy mô trường lớp các cấp học, bậc học trên địa bàn huyện phát triển khá nhanh và tương đối hoàn thiện; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, công nghệ thông tin được đầu tư XD và trang bị theo hướng chuẩn hóa, không có chênh lệch nhiều so với khu vực đô thị. Cùng với đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được bổ sung, tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng. Không chỉ riêng huyện Thới Lai, thực hiện Nghị quyết số 14, huyện Phong Điền cũng đã đầu tư hơn 404,7 tỉ đồng để nâng chất cơ sở vật chất trường lớp khang trang, sạch đẹp; đồng thời, xây dựng, nâng cấp 6 nhà văn hóa và Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã. Nhờ đó, Phong Điền hiện có trên 97% hộ gia đình văn hóa, 100% ấp đạt tiêu chí văn hóa, 100% cơ quan và trường học đạt danh hiệu cơ quan có đời sống văn hóa tốt…

Nâng mức độ thụ hưởng

Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, song quá trình thực hiện Nghị quyết số 14 vẫn tồn tại nhiều bất cập. Đơn cử, nhận thức của một số địa phương về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ chưa đúng, xem đây là việc của riêng ngành Giáo dục nên việc phối hợp giữa các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội chưa chặt chẽ; tiến độ XD trường chuẩn quốc gia ở một số địa phương chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Về y tế, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở từng lúc chưa đáp ứng nhu cầu. Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của hệ thống y tế tuyến xã chưa có nhiều cán bộ y tế, kỹ thuật viên giỏi; chưa có chính sách đột phá để thu hút, giữ chân những cán bộ, nhân viên y tế giỏi về làm việc ổn định, lâu dài. Hiện nay, ở một số địa phương, việc quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng sử dụng không đúng mục đích, chưa khai thác đầy đủ công năng theo thiết kế vẫn diễn ra...

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, chia sẻ: Từ nay đến 2025, Phong Điền đặt mục tiêu có 100% trường trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia. Vì vậy, chúng tôi sẽ tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp, XD mới các phòng học; duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục THCS; tăng cường rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên hằng năm… Theo ông Nguyễn Thành Út, thời gian qua, Thành ủy đã phân công các thành ủy viên trực tiếp chỉ đạo các xã trong quá trình tiến lên xã đạt chuẩn NTM. Cách làm này cần được duy trì và phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn XD xã NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đặc biệt là trong vấn đề định hướng, hỗ trợ các xã thực hiện các tiêu chí về giáo dục, y tế, văn hóa.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ,  cho biết: Thời gian tới, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút đi đôi với quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa, thể thao. Song song đó, chúng ta phải thực sự chủ động, tích cực, kịp thời xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ban ngành, huyện, xã trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên sâu sát cơ sở, kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc và vấn đề mới phát sinh tại cơ sở. Với sự phối hợp tích cực, đồng bộ như vậy mới có thể nâng mức hưởng thụ cả về thể chất và tinh thần của cộng đồng dân cư, đáp ứng mục tiêu XD xã NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết