02/02/2011 - 14:55

Năng lượng tái sinh -
Giải pháp bền vững cho an ninh năng lượng toàn cầu

NGUYỄN TRÚC
(Tổng hợp)

Một công trình biogas ở Việt Nam đang xây dựng. Ảnh: biogas.org.vn

Dầu mỏ, khí tự nhiên và than đá cung cấp 90% năng lượng cho thế giới hiện nay. Điều gì sẽ xảy ra một khi các nguồn nhiên liệu quan trọng này bị cạn kiệt? Theo nhận định của các chuyên gia, viễn cảnh đó không chỉ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế thế giới, sự ổn định xã hội mà còn đe dọa trực tiếp nền hòa bình và an ninh quốc tế. Và năng lượng tái sinh được xem là giải pháp “lưỡng toàn kỳ mỹ”, giúp thế giới giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đáp ứng được nhu cầu năng lượng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, góp phần tích cực bảo vệ môi sinh.

Lợi ích của năng lượng tái sinh

Năng lượng tái tạo là những nguồn năng lượng có trong tự nhiên và có thể phục hồi nhanh chóng, bao gồm ánh nắng, gió, nước, sức nóng từ lòng đất (địa nhiệt), nhiên liệu sinh học... Nó đã được chứng minh là có thể giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và khí thải gây hiệu ứng nhà kính - hiện tượng có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Trái đất. Về khía cạnh kinh tế, có 3 lý do quan trọng thúc đẩy thế giới đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế. Trước nhất là giảm áp lực về giá nhiên liệu vì ngoại trừ chi phí đầu tư ban đầu, “nguyên liệu” cho năng lượng tái sinh hoàn toàn miễn phí. Thứ hai, công nghệ khai thác năng lượng tái sinh có thể cải tiến nhanh chóng, giúp tăng hiệu quả sản xuất và hạ giá thành. Thứ ba, một khi thế giới đồng loạt chuyển hướng sang năng lượng mới, sản lượng các tua-bin gió và tấm pin Mặt trời sẽ tăng, khi đó, giá vật tư, trang thiết bị cũng sẽ giảm.

Phát triển năng lượng thay thế còn là cách làm thiết thực để tạo thêm nhiều việc làm và thúc đẩy kinh tế vĩ mô. Ví dụ, khi sản lượng điện tạo ra đủ đáp ứng nhu cầu nội địa, người ta sẽ tính đến việc xuất khẩu phần dôi dư ra nước ngoài.

Trang trại phong điện Thanet của Anh quốc.
Ảnh: Reuters

Thế giới chạy đua phát triển năng lượng mới

Hiện Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về sử dụng và phát triển năng lượng sạch. Nước này phấn đấu đến năm 2020, năng lượng tái sinh sẽ chiếm 15% tỷ trọng năng lượng tiêu thụ cả nước. Trong khi đó, Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tạo ra 53.000 MW (53 triệu kW) điện từ năng lượng Mặt trời, cao gấp 40 lần sản lượng điện hiện hành. Mỹ cũng đã thông qua dự án khai thác năng lượng Mặt trời lớn nhất thế giới, trị giá 6 tỉ USD gồm 4 nhà máy quang năng tại bang California với tổng công suất 1 triệu kW.

Hàn Quốc cũng vừa công bố kế hoạch chi 36 tỉ USD phát triển năng lượng sạch và coi đó là động lực cho tăng trưởng kinh tế ở xứ sở kim chi. Mục tiêu của kế hoạch là đưa Hàn Quốc trở thành một trong 5 quốc gia đứng đầu thế giới về phát triển năng lượng tái sinh.

Ở lĩnh vực năng lượng địa nhiệt, Nhật Bản, Philippines và Indonesia là được đánh giá có tiềm năng lớn nhất do nằm trên “vành đai lửa” của Thái Bình Dương. Đặc biệt, Indonesia còn có tham vọng biến nguồn nhiệt khổng lồ của các núi lửa thành điện năng, hướng tới trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về năng lượng địa nhiệt.

Việt Nam coi trọng phát triển năng lượng thay thế

Hơn 10 năm trở lại đây, các nhà khoa học, giới đầu tư đã bắt đầu quan tâm phát triển các nguồn năng lượng tái sinh, nhắm đến tận dụng những lợi thế địa lý sẵn có tại các địa phương. Nhiều dự án phát triển năng lượng thay thế đã được triển khai và đạt được một số thành công bước đầu, bao gồm biogas, năng lượng Mặt trời và phong điện.

Với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, tạo thêm việc làm và xử lý chất thải chăn nuôi thành năng lượng sạch cung cấp cho các hộ gia đình ở nông thôn, Cục Chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tiến hành thử nghiệm Dự án “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi ở Việt Nam”. Tính đến nay dự án đã xây dựng được 88.000 hệ thống biogas và đến năm 2012 sẽ hoàn thành 166.000 hệ thống.

Năm qua, nhà máy sản xuất pin Mặt trời đầu tiên của Việt Nam do Công ty cổ phần Năng lượng Mặt trời Đỏ TP Hồ Chí Minh cùng với hai đối tác là Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh (thuộc Sở Khoa học Công nghệ TP Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH Tân Kỷ Nguyên xây dựng đã được khánh thành. Nhà máy tọa lạc tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với tổng vốn đầu tư lên tới 10 triệu USD. Có thể nói, đây chính là công trình tiên phong trong công nghệ pin Mặt trời ở Việt Nam. Ngoài ra, nhà máy cũng thiết kế, lắp ráp và chế tạo các sản phẩm tiết kiệm năng lượng như hệ thống máy nước nóng năng lượng Mặt trời, bóng đèn tiết kiệm điện...

Với địa thế gần biển và gió nhiều, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận được chọn là nơi xây dựng nhà máy phong điện đầu tiên ở nước ta. Nhà máy có tổng cộng 80 tua-bin gió với tổng công suất 120.000 kW do Liên doanh giữa Công ty Năng lượng Gió Fuhrlaender AG (Đức) và Công ty cổ phần Năng lượng Tái tạo Việt Nam làm chủ đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Tháng 8 vừa qua, tua-bin gió đầu tiên với công suất 1.500 kW đã khởi động an toàn và tạo ra điện. Dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định, ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam sẽ có thêm khoảng 100 triệu kWh điện mỗi năm.

* * *

Nhìn chung, không chỉ các nước giàu mà mọi quốc gia trên thế giới hiện nay đều quan tâm đến đầu tư phát triển năng lượng sạch. Theo Liên Hiệp Quốc, hơn 100 quốc gia trên thế giới đã thúc đẩy chính sách sử dụng năng lượng “xanh”, tăng gần gấp đôi so với năm 2005. Đây không chỉ là phương án tốt để đối phó với nguy cơ khủng hoảng năng lượng, giải cứu môi trường, mà còn là cơ hội để gia nhập thị trường năng lượng được dự đoán sẽ tăng trưởng ở mức 400 tỉ USD vào năm 2015. Do năng lượng tái sinh dồi dào và rẻ tiền, nhân loại có thể khai thác tối đa trong thời gian dài mà không lo nó cạn kiệt, ảnh hưởng đến tương lai của các thế hệ mai sau.

Chia sẻ bài viết