09/02/2024 - 08:16

Năng lượng mới từ kinh tế số 

Thay đổi tư duy, đầu tư công nghệ, bắt tay hành động ngay để không lỡ nhịp trên hành trình chuyển đổi số (CÐS) là xu thế của nhiều thành phần kinh tế trên địa bàn TP Cần Thơ, từ những tổ hợp tác sản xuất quy mô nhỏ đến những doanh nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực. Quyết tâm CÐS từ chi tiết nhỏ đến tổng thể của quá trình sản xuất, quản trị hệ thống, cung cấp dịch vụ đến khách hàng... đã góp nên nguồn năng lượng mới trên hành trình phát triển kinh tế số của thành phố.

Nhân viên CanThoWassco thao tác quản lý mạng lưới cấp nước qua hệ thống SCADA.

Ðột phá từ công nghệ số

Là người đam mê công nghệ, ngay những ngày đầu nhận nhiệm vụ (năm 2012) tại Công ty CP Cấp thoát nước TP Cần Thơ (CanThoWassco), ông Nguyễn Tùng Nguyên, Tổng Giám đốc CanThoWassco nhanh chóng bắt tay vào công cuộc số hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đơn vị. Ông Nguyễn Tùng Nguyên, bộc bạch: “Ban đầu cũng khó lắm chứ, vì tâm lý ngại thay đổi của nhiều người. Nhưng công ty đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và đặc biệt là hình thành đội ngũ tiên phong CÐS. Ðây là những vệ tinh đưa sự tiện ích của công nghệ đến từng nhân viên và làm công tác tư tưởng để anh em thoát khỏi suy nghĩ CÐS công nghệ thay thế con người nhiều nhân viên sẽ bị sa thải. Và sau thời gian chứng minh bằng hành động thực tiễn, CanThoWassco đã nhận được sự đồng thuận của hầu hết nhân viên trong hành trình số hóa. Những khâu nào đầu tư công nghệ, nhân viên sẽ được điều chuyển sang các bộ phận khác phù hợp năng lực, chuyên môn; hoạt động sản xuất kinh doanh cũng tái cơ cấu theo hướng tối ưu, tiết kiệm chi phí hơn”.

Công ty đã thực hiện CÐS các khâu sản xuất nước, ứng dụng riêng và quản lý khách hàng. Ðơn cử, ở khâu quản lý khách hàng, CanThoWassco đã ứng dụng công nghệ số gần như toàn bộ từ lắp đặt, ký kết hợp đồng đến thông báo, thanh toán và gửi hóa đơn. Nhờ đó, công ty kết nối hơn 37.000 khách hàng tương tác qua zalo và giảm khiếu nại tại chi nhánh; đồng thời tăng nhanh tỷ lệ khách hàng thanh toán qua các đối tác thu hộ đạt hơn 99%, trong đó tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt hơn 84,5%, tồn thu chỉ ở mức 0,1%.

Không chỉ ở khu vực đô thị, kinh tế số đã dần len lỏi vào vùng nông thôn, các huyện ngoại thành mang lại sinh khí mới cho “tam nông” thành phố. Ðến thăm vườn rau thủy canh của chị Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Vy (xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ) tôi không khỏi ngỡ ngàng với vườn rau xanh mướt, đầu tư bài bản không khác chốn thị thành. Chị Nguyễn Thị Bích Vân, chia sẻ: “Bén duyên với nghề trồng rau, ban đầu tôi chỉ nghĩ làm rau sạch để phục vụ bữa ăn gia đình chứ không nghĩ đến chuyện kinh doanh. Bởi trồng rau thủy canh trong nhà lưới là hình ảnh khá “lạ mắt” ở vùng này. Nhưng rau trồng rất đạt chất lượng, tôi chia cho bà con trong xóm dùng thử, ai cũng tấm tắc khen và động viên tôi nhân rộng. Thế là vườn rau nở nồi lên 35-40m2 và hin ti là 1.000m2. Mỗi ngày, vườn rau của tôi cung ứng ra thị trường khoảng 100kg rau các loại (cải xanh, cải ngọt, cần ô, bó xôi, rau muống…). Thành công bước đầu, tôi mạnh dạn trang bị hệ thống tưới phun tự động; ứng dụng công nghệ 4.0 quản lý độ ẩm, nhiệt độ bên trong nhà lưới”. Ðể tăng giá trị, độ tin cậy cho sản phẩm, chị Vân còn chăm chút ở khâu đóng gói, nhãn mác và chứng nhận VietGAP cho vườn rau của mình.

Các sở ngành hữu quan của thành phố tiên phong mở lối cho kinh tế số qua các chương trình, dự án triển khai đồng bộ, thường xuyên. Ðơn cử, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ triển khai cổng thông tin du lịch thông minh tại địa chỉ: canthotourism.vn và mycantho.vn; Ứng dụng du lịch thông minh TP Cần Thơ trên thiết bị di động Can Tho Tourism. Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ thực hiện nhiều đề tài, dự án liên quan đến công nghệ số như Dự án Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của TP Cần Thơ; Dự án kết nối thông tin phục vụ công tác quản trị sản xuất, tiêu thụ nông sản Cần Thơ… 

Chị Nguyễn Thị Bích Vân bên vườn rau thủy canh xanh mướt.

Liên tục cập nhật, đổi mới

TP Cần Thơ xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GRDP và chiếm 30% GRDP vào năm 2030. Bà Lý Thị Bích Ngân, Trưởng phòng Khách hàng DN, MobiFone Cần Thơ, nhấn mạnh: “Trong thời điểm hiện nay, khi CÐS ngày càng diễn ra mạnh mẽ không còn tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” sẽ thay thế bằng “cá nhanh nuốt cá chậm”. Ðể tận dụng thời cơ, doanh nghiệp nên xem CÐS là khoản đầu tư chứ không phải là chi phí. Quá trình CÐS nên áp dụng công thức 3H (heart, head, hand). Trong đó, “heart” mang ý nghĩa doanh nghiệp thực hiện CÐS xuất phát từ trái tim, “head” là cần suy nghĩ, tư duy và đưa ra quyết định và “hand” là cần bắt tay vào làm ngay từ những điều nhỏ, bắt tay cùng đơn vị đồng hành, tin tưởng”.

Chia sẻ về kinh nghiệm CÐS tại CanThoWassco trong 11 năm qua, ông Nguyễn Tùng Nguyên, khẳng định: “CÐS thành công không phải do ứng dụng công nghệ hiện đại nhất mà là ứng dụng công nghệ phù hợp nhất. Ðặc biệt, khâu chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng, tránh chạy theo phong trào, đầu tư dàn trải vừa tốn kém vừa không mang lại hiệu quả. Kế hoạch CÐS phải vạch ra trước 5 năm và mỗi năm phải đánh giá, rà soát để xem cái nào cần thay đổi, điều chỉnh. CÐS là phải liên tục cập nhật mới theo kịp nhu cầu từ thực tiễn”. Theo ông Nguyễn Tùng Nguyên, mặc dù tỷ lệ CÐS của công ty hiện nay khoảng 90%, song công ty đã xây dựng kế hoạch CÐS giai đoạn tiếp theo với các mục tiêu: phát triển phần mềm quản lý giao việc với mô hình động; phân tích các dữ liệu ứng dụng Power Bi; ứng dụng AI trong báo cáo sản xuất, kinh doanh, chống thất thoát nước…

Hiến kế thúc đẩy tiến trình số hóa nền kinh tế thành phố, PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất TP Cần Thơ thành lập bộ phận tư vấn CÐS cho doanh nghiệp. Qua đó, hướng dẫn doanh nghiệp tự đánh giá năng lực CÐS trên cổng dbi.gov.vn, digitalbusiness.gov.vn; tìm các nền tảng CÐS phù hợp trên cổng smdedx.vn. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động theo hướng “mỗi người dân trưởng thành một tài khoản thanh toán số”. Ðối với các vùng chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, địa phương có thể phối hợp với nhà mạng triển khai Mobile Money. Tài khoản này gắn với tài khoản SIM điện thoại sử dụng thanh toán ngay cả khi sử dụng điện thoại đời cũ (feature phone); triển khai các sáng kiến thúc đẩy thanh toán số như xã số, khu phố không dùng tiền mặt từ đó nhân rộng, lan tỏa…

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

 

Chia sẻ bài viết