Quyết tâm thay đổi cuộc sống cũng như thỏa đam mê chăn nuôi, anh Võ Văn Quốc Khánh ở ấp Nhơn Thọ 1, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tìm ra mô hình sản xuất hiệu quả. Trải qua không ít gian nan, đến nay, anh Khánh đã gặt “quả ngọt” từ mô hình trồng sầu riêng và nuôi cua đinh, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Mô hình nuôi cua đinh của anh Khánh được nhiều đoàn đến tham quan, tìm hiểu.
Gia đình có truyền thống nghề nông, từ nhỏ anh Khánh đã làm quen với công việc trồng trọt. Kế thừa gần 2.000m2 đất vườn phía sau nhà trồng cam từ cha mẹ. Tuy nhiên, sau thời gian canh tác, cây cam không cho hiệu quả kinh tế. Qua tìm hiểu, anh Khánh chuyển đổi sang trồng sầu riêng Ri6 với khoảng 30 cây. Bước đầu làm quen với mô hình mới cũng không ít khó khăn. Song, nhờ bản tính cần cù chịu khó và chủ động tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc sầu riêng, vườn cây dần đi vào quỹ đạo và phát triển tốt, từ đó cho thu nhập ổn định. Sau thời gian chăm bẵm vườn sầu riêng tích cóp được kinh nghiệm và tài chính, cách đây hơn 6 năm, anh Khánh mua thêm gần 9.000m2 đất vườn gần nhà, trồng thêm 200 cây sầu riêng Ri6. Từ kinh nghiệm đã có, anh không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức mới trong kỹ thuật chăm sóc, đầu tư hệ thống phun tưới tự động… Nhờ đó, cả hai vườn sầu riêng đều phát triển khá thuận lợi, mang hiệu quả kinh tế cho gia đình trong những năm qua. Riêng mùa sầu riêng mới đây, anh thu hoạch được 10 tấn trái, giá bán 57.000 đồng/kg cho thu nhập 570 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận gần 400 triệu đồng.
Với nguồn thu nhập từ vườn sầu riêng, cuộc sống gia đình cơ bản đã ổn định, tuy nhiên, anh Khánh lại có niềm đam mê với chăn nuôi. Anh Khánh kể: Anh rất thích chăn nuôi, nên tự mày mò, tìm hiểu con vật nào nuôi hiệu quả để làm thêm, tăng thu nhập cho gia đình. Vì vậy, song song với chăm sóc vườn sầu riêng, anh tận dụng một phần diện tích của ngôi nhà để phát triển thêm mô hình chăn nuôi. Bắt đầu với chăn nuôi heo nhưng không mang lại hiệu quả, toàn lỗ vốn, anh dừng chăn nuôi heo. Sau đó, phong trào nuôi trăn ở ĐBSCL rộ lên. Giá trăn tăng lên nhờ mặt hàng da trăn xuất khẩu sang châu Âu và một số nước châu Á. Nhận thấy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế, anh Khánh lần nữa “khởi nghiệp” với nuôi trăn. Được một thời gian, do xuất khẩu không được thuận buồm xuôi gió, giá trăn trở nên bấp bênh, tránh thua lỗ kéo dài, anh Khánh ngưng mô hình nuôi trăn.
Sau hai lần chăn nuôi không mấy suôn sẻ, cứ ngỡ anh Khánh sẽ gác lại đam mê chăn nuôi, chuyên tâm cho vườn sầu riêng. Thế nhưng, ý chí đã giúp anh Khánh biến gian nan thành động lực, tiếp tục theo đuổi đam mê. Đứng lên từ vấp ngã, anh dành nhiều thời gian tự học hỏi qua internet, tìm hiểu vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế. Nhận thấy mô hình nuôi cua đinh ít tốn công chăm sóc, không cần nhiều diện tích, đầu ra thuận lợi, thế là 5 năm trước, anh Khánh mua 10 con cua đinh giống với giá 500.000 đồng/con mang về nuôi thử. Anh Khánh chia sẻ: “Sau một năm nuôi thử, cua đinh phát triển khá thuận lợi, nuôi “khỏe” hơn rất nhiều so với những vật nuôi trước đây. Trong khi đó, thịt cua đinh có giá trị dinh dưỡng cao và chế biến được nhiều món ăn ngon nên cua đinh bán giá cao, được thị trường ưa chuộng. Thấy có triển vọng nên tôi quyết định mua cua đinh lớn để nuôi sinh trưởng và bắt tay xây bể phát triển cua đinh…”.
Hiện nay, anh Khánh dành 200m2 phía sau nhà để xây 12 bể xi măng và bể kính nuôi cua đinh. Trong suốt thời gian qua, anh Khánh không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cua đinh từ Internet, những mô hình thực tế xung quanh và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cua đinh do huyện tổ chức để tích lũy kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới. Nhằm chủ động con giống, giảm chi phí sản xuất, anh Khánh nghiên cứu cho cua đinh sinh sản, nuôi gối đầu cho các vụ mùa tiếp theo và bán con giống. Ðể cho cua đinh đẻ trứng và ấp nở con thành công, anh học hỏi kiến thức, biết cách phân biệt con đực và con cái, cách bố trí, xây dựng chuồng trại cho cua đinh sinh sản. Mỗi lứa, anh Khánh lựa chọn các con lớn tách ra chăm sóc bể riêng để bán, chừa lại một phần con đực và cái để phục vụ việc sinh sản. Mỗi năm, cua đinh sinh sản 3-4 lứa, mỗi lứa từ 7-18 trứng. Trứng ấp khoảng 100-105 ngày mới nở. Sau đó đem nuôi khoảng 1 tuần rồi đưa ra dưỡng trong bể xi măng.
Theo anh Khánh, mô hình nuôi cua đinh là mô hình có hướng phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ ổn định. Đối với mô hình nuôi cua đinh không tốn nhiều diện tích, không đòi hỏi kỹ thuật cao, dễ nuôi ít tốn công chăm sóc, tỷ lệ hao hụt thấp, thức ăn dễ tìm. Tuy nhiên, đã nuôi con cua đinh phải chấp nhận “đường dài”, đầu tư lâu, sau 3 năm mới có thể có thu nhập. Năm đầu cua đinh tăng trưởng chậm, nhưng đến năm thứ hai sẽ tăng trưởng rất nhanh có thể đạt 2-3kg và đã bán được. Tuy nhiên, cua đinh lớn thì giá trị sẽ cao hơn, cho nên anh thường để nuôi cua đinh đạt từ 5-6kg mới đem bán. Vì vậy, thời gian qua, nguồn thu nhập từ cua đinh của anh Khánh chủ yếu là bán cua đinh giống, cua thịt chỉ bán lai rai vài chục con. Lứa cua gần đây, anh Khánh bán 400 con cua đinh giống, giá 250.000 đồng/con; cua thịt giá 300.000 đồng/kg. Hiện tại bể nuôi cua đinh của gia đình còn 300 con hậu bị và hơn 100 con bố mẹ.
Bên cạnh năng động trong suy nghĩ chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp, anh Khánh rất chịu khó, cần cù, cả vườn sầu riêng và đàn cua đinh đều do anh tự tay chăm sóc. Với ý chí dám nghĩ dám làm, quyết tâm theo đuổi đam mê, anh Khánh thành công trong mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Từ cuộc sống khó khăn đã vươn lên có nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống gia đình. Đây cũng là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của xã Nhơn Ái được nhiều đoàn đến tham quan, tìm hiểu. Tại đây, anh Khánh sẵn sàng tiếp đón và chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển kinh tế…
Bài, ảnh: T. TRINH