03/09/2009 - 08:23

Ông Trần Trọng Khiếm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ:

Nâng cao trình độ giáo viên là khâu đột phá để đổi mới phương pháp dạy học

 

Cùng với cả nước, TP Cần Thơ đang nô nức bước vào năm học mới 2009- 2010. Đây là năm mở đầu cho quá trình thực hiện một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra: chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua “đọc- chép” ở THCS và THPT. Trước thềm năm học mới, phóng viên Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Khiếm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ về việc thực hiện mục tiêu này trong năm học 2009-2010. Ông cho biết:

- Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các trường đã tổ chức ôn tập hè cho học sinh. Các đơn vị chủ động tổ chức tập huấn chuyên môn theo từng cấp học, bậc học và từng môn học để giáo viên nắm yêu cầu nội dung và định hướng đúng nhiệm vụ khi bước vào năm học mới. Ngành giáo dục cũng đã hoàn tất việc điều động giáo viên, bổ nhiệm cán bộ quản lý ở các trường trực thuộc.

Về cơ sở vật chất trường lớp, các địa phương đã kịp đưa vào sử dụng 200 phòng học mới và 2.000 bộ bàn ghế đúng chuẩn. Khoảng 1.000 phòng học cũng được sửa chữa, nâng cấp. Để tạo không khí mới cho các trường, ngành cũng chỉ đạo các đơn vị chỉnh trang trường lớp, cảnh quan sư phạm trước khi bước vào năm học mới. Nhìn chung, ngành giáo dục các cấp đã chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho ngày khai giảng.

* Bộ GD&ĐT đã đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2009-2010 là đổi mới phương pháp dạy học và quản lý, tiến đến xóa bỏ tình trạng đọc- chép. Ngành giáo dục TP Cần Thơ đã có kế hoạch triển khai thực hiện nội dung này như thế nào, thưa ông?

- Chủ điểm của năm học 2009-2010 là “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Để thực hiện nhiệm vụ này, một trong những vấn đề cần thực hiện ngay là triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Ngành đã tổ chức vận động giáo viên, trong vòng 2 năm, bắt đầu từ năm học 2009-2010, giảm dần đến chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua “đọc- chép” ở bậc THCS và THPT bằng cách đổi mới phương pháp giảng dạy, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học; tăng cường sử dụng đồ dùng dạy học, thí nghiệm thực hành..., giáo viên phải khuyến khích học sinh suy nghĩ, phát biểu ý kiến cá nhân. Giáo viên phải có phương pháp phát huy tư duy, tính tích cực, sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó, ngành cũng yêu cầu các trường tăng cường giáo dục thông qua hoạt động ngoại khóa, tổ chức tham quan học tập... nhằm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Năm học này, ngành giáo dục TP Cần Thơ sẽ xây dựng nguồn tư liệu về văn hóa, lịch sử, địa lý, danh nhân của địa phương và đưa lên website để giáo viên, học sinh tham khảo... Đây cũng là một trong những nội dung bổ trợ để nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học: Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân...

* TP Cần Thơ sẽ chọn khâu nào để đột phá khi thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, thưa ông?

- Có thể khẳng định, giáo viên là khâu quan trọng nhất trong qui trình nâng cao chất lượng giáo dục. Giáo viên chịu đổi mới phương pháp giảng dạy thì chất lượng giáo dục mới được nâng lên. Từ nhiều năm trước, ngành đã có bước chuẩn bị về đội ngũ: tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn cán bộ quản lý. Đồng thời, triển khai thực hiện chuẩn giáo viên và đánh giá hiệu trưởng trường phổ thông thông qua ý kiến của giáo viên góp phần tích cực thúc đẩy nâng cao chất lượng dạy - học... Ngành giáo dục cũng chỉ đạo cho các trường tạo điều kiện thường xuyên tổ chức cho giáo viên sinh hoạt chuyên môn, học tập, nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp giảng dạy... Song song đó, ngành cũng tập trung phát triển hệ thống khảo thí và kiểm định chất lượng, tiếp tục đổi mới công tác thi, kiểm tra, theo hướng kết hợp hình thức kiểm tra tự luận với trắc nghiệm và ra đề thi theo hướng người học phải hiểu bài, vận dụng kiến thức.

Về mục tiêu mỗi giáo viên thực hiện một đổi mới, tôi nghĩ đây không phải là vấn đề quá khó đối với mỗi giáo viên. Nếu không tự đổi mới, không tự học tập nâng cao trình độ, giáo viên sẽ tụt hậu, không tự tin đứng trước học sinh... Thực hiện đổi mới không chỉ là nhiệm vụ mà còn để giáo viên thay đổi chính mình, ngày một hoàn thiện hơn.

* Thưa ông, toàn TP Cần Thơ hiện còn khoảng 700 phòng học tạm. Liệu năm học này có xảy ra tình trạng thiếu phòng học?

- Những năm gần đây, từ nhiều nguồn đầu tư của các chương trình: kiên cố hóa trường lớp, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn xổ số kiến thiết... mạng lưới trường lớp trên địa bàn thành phố đã thay đổi rõ nét. Tính đến tháng 7-2009, toàn thành phố có 38 trường đạt chuẩn quốc gia, chuẩn bị năm học mới, các quận, huyện đã xây mới trên 250 khu vệ sinh, 17 khu vệ sinh được nâng cấp, 39 điểm trường được lắp đặt hệ thống nước tiệt khuẩn... Tuy nhiên, do nhiều trường được xây dựng khá lâu, xuống cấp cùng lúc nên việc xây dựng mới chưa đáp ứng kịp. Theo kết quả khảo sát của ngành giáo dục, TP Cần Thơ hiện có 4.609 phòng học, trong đó, có 1.998 phòng học kiên cố, 1.914 phòng học bán kiên cố và 697 phòng học tạm. Với các phòng học tạm, ngành giáo dục đã chỉ đạo các trường sửa chữa, nâng cấp để có thể tiếp tục sử dụng. Đánh giá chung, các phòng học tạm đó còn có thể sử dụng từ 3-5 năm. Trong thời gian này, ngành giáo dục cũng kết hợp với các quận, huyện kiểm tra, đánh giá tình trạng cơ sở vật chất từng phòng học để có kế hoạch thay thế đảm bảo đủ phòng học cho học sinh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng học ba ca.

Ở bậc học mầm non, hiện còn 13 xã chưa có trường mẫu giáo, trẻ phải học nhờ, học gởi trường tiểu học, nhà dân. Toàn thành phố cần thêm 400 cán bộ, giáo viên và nhân viên bậc học mầm non. Các quận, huyện đang đào tạo, bồi dưỡng để bổ sung cho lực lượng này. Đề án phát triển giáo dục mầm non mới được UBND thành phố phê duyệt sẽ tạo ra sự thay đổi lớn cho bậc học này trong những năm tiếp theo.

* Để hạn chế tình trạng bỏ học, ngành giáo dục đã có những hỗ trợ nào cho học sinh nghèo, giúp các em an tâm bước vào năm học mới, thưa ông?

- Từ đầu tháng 8-2009 đến nay, Sở GD&ĐT đã thăm và tặng 50 ngàn quyển tập, 500 bộ sách giáo khoa và 1.500kg quần áo cho học sinh nghèo ở 9 quận, huyện. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, đoàn thể và các nhà hảo tâm đã tặng nhiều học bổng cho học sinh gia đình chính sách, học sinh nghèo, học sinh giỏi... Phấn đấu đến ngày 2-10-2009, thực hiện được yêu cầu “3 đủ” đối với học sinh: đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở. Ngành cũng đã tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể để thực hiện mục tiêu này. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ chủ trì cùng Sở GD&ĐT, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội vận động chăm lo “đủ ăn”; Thành Đoàn chủ trì cùng Sở GD&ĐT vận động chăm lo “đủ mặc”; Sở GD&ĐT chủ trì vận động chăm lo “đủ sách vở”. Chương trình này nhằm hướng đến mục tiêu không còn học sinh bỏ học vì thiếu sách vở, thiếu quần áo hoặc thiếu ăn.

* Xin cảm ơn ông!

LY GIANG (Thực hiện)

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, năm học này tất cả các cấp học sẽ không thu tiền xây dựng của học sinh. Các khoản thu khác vẫn thực hiện theo khung học phí cũ. Đối với các trường có nhu cầu sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, cần một khoản kinh phí nhất định, có thể thực hiện xã hội hóa giáo dục và nguồn thu này phải được sự thống nhất của phụ huynh học sinh. Người đứng ra vận động và quản lý các nguồn thu là Ban đại diện phụ huynh học sinh ở các trường.

Chia sẻ bài viết