04/06/2012 - 22:17

KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Nâng cao tính chủ động của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 4-6, các Đại biểu Quốc hội (QH) đã thảo luận ở hội trường về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nhiều lần thảo luận, cho ý kiến hoàn thiện; tổ chức xin ý kiến các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các cơ quan, tổ chức hữu quan và cũng đã tổ chức một hội nghị trực tuyến vào cuối tháng 4 vừa qua.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu tập trung kiến nghị những vấn đề xung quanh hoạt động lập pháp; hoạt động giám sát; quyết định các vấn đề quan trọng; cách thức tổ chức kỳ họp QH; tổ chức phiên họp UBTVQH; hoạt động tiếp xúc cử tri và công tác bảo đảm phục vụ hoạt động của QH.

Nhiều ý kiến của các ĐBQH cho rằng, việc chậm gửi tài liệu của các cơ quan soạn thảo đến đại biểu thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng góp ý của các ĐBQH, hạn chế nhiều thời gian nghiên cứu văn bản của các ĐB. Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần nâng cao hơn nữa chất lượng các báo cáo thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ trì, thẩm tra.

Đa số các ý kiến thảo luận đều tán thành và kiến nghị tăng cường nhiều hơn các phiên chất vấn, giải trình tại các phiên họp của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của QH giữa hai Kỳ họp. Các ĐB cũng đề nghị hoàn thiện cơ chế giám sát thực thi hậu chất vấn để đảm bảo vấn đề được giải quyết triệt để thấu đáo. Trong thời gian giữa hai kỳ họp, QH cần tăng cường tổ chức các Hội nghị trực tuyến với sự tham gia của các ĐBQH hoặc Hội nghị trực tuyến các ĐBQH chuyên trách để xin ý kiến về các dự án luật. Thành phần tham dự, ngoài ĐBQH có thể mời thêm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thuộc lĩnh vực của dự án.

Một trong những nội dung của Đề án được các ĐB quan tâm nhiều nhất, là hoạt động giám sát. Theo Đề án, UBTVQH xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả bỏ phiếu tín nhiệm công khai. Băn khoăn về cơ chế pháp lý đối với hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm, ĐB Vũ Hải Hà (Đồng Nai) dẫn chứng, ở các nước, kết quả bỏ phiếu nếu bất lợi sẽ có hình thức bãi miễn, bãi nhiệm đối với chức danh được bỏ phiếu.

Đồng tình với việc giao UBTVQH xây dựng quy chế, tiêu chí bỏ phiếu, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) kiến nghị cần xây dựng 2 hình thức: Bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ và bỏ phiếu tín nhiệm bất thường (bỏ phiếu bất tín nhiệm). Phạm vi, đối tượng bỏ phiếu chỉ nên tiến hành đối với các chức danh từ bộ trưởng trở lên. ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) lại cho rằng, không nên bỏ phiếu định kỳ hàng năm, mà chỉ nên bỏ phiếu bất thường đối với các chức danh được bỏ phiếu. Nêu quan điểm nên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 2 năm/lần vào năm thứ hai hoặc năm thứ 4 trong nhiệm kỳ, ĐB Vũ Trọng Kim (Quảng Ngãi) đề nghị UBTVQH khẩn trương hoàn tất việc xây dựng quy chế để QH có thể sớm tiến hành vào đầu năm sau.

Hoàn toàn tán thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, hình thức này có liên hệ mật thiết đến vấn đề con người, công tác cán bộ, vì vậy cần có quy định chặt chẽ và tiến hành một cách hiệu quả, tránh hình thức. ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) kiến nghị, để việc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra có hiệu quả cao cần phải làm rõ và xây dựng cơ chế đồng bộ giữa QH với cơ quan quản lý cán bộ được bỏ phiếu tín nhiệm.

Tiếp tục kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, chiều 4-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi).

Nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Xuất bản (sửa đổi). Theo các đại biểu, Luật Xuất bản năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản năm 2008 đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc, tạo được bước tiến mới trong hoạt động xuất bản, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của ngành xuất bản trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, với sự biến đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội đất nước và sự tác động của bối cảnh quốc tế, Luật Xuất bản hiện hành chưa theo kịp sự phát triển của hoạt động xuất bản và đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo điều kiện để hoạt động xuất bản tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Theo các đại biểu, việc ban hành Luật Xuất bản (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện hoàn chỉnh hành lang pháp lý để vừa giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn, vừa điều chỉnh được những quan hệ mới phát sinh trong hoạt động xuất bản, đồng thời tạo điều kiện để lĩnh vực xuất bản tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt nhiệm vụ định hướng văn hoá - tư tưởng và phát triển kinh tế - xã hội. cho hoạt động xuất bản phát triển, đẩy mạnh công tác hợp tác trong hoạt động xuất bản...

Cũng trong buổi chiều, các đại biều dành nhiều thời gian thảo luận về chính sách phát triển sự nghiệp xuất bản; tổ chức của nhà xuất bản; mô hình tổ chức, đối tượng thành lập xuất bản; liên kết xuất bản và hợp tác quốc tế; tổ chức và hoạt động in xuất bản phẩm; tổ chức hoạt động xuất bản phẩm...

QUANG VŨ - PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết