Bài, ảnh: H.HOA
“Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” là thông điệp mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5 năm nay. WHO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng. Đồng thời, khuyến khích người nông dân chuyển đổi, thay thế cây thuốc lá bằng cây trồng phù hợp; kêu gọi người dân hút bỏ thuốc lá để dành chi cho thực phẩm.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ giám sát công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ.
Theo WHO, sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra nghèo đói vì nguồn lực lẽ ra nên chi tiêu cho thực phẩm thì lại bị chuyển sang chi tiêu mua cho thuốc lá và chi trả việc khám, chữa các căn bệnh do thuốc lá gây ra. Theo ước tính của WHO, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỉ đô-la Mỹ. Trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ giới. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm, trong đó một nửa số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên.
Trên toàn cầu, khoảng 3,5 triệu héc-ta đất được chuyển đổi để trồng cây thuốc lá mỗi năm, 9/10 quốc gia trồng thuốc lá lớn nhất trên thế giới là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Trong đó có 4 quốc gia được xác định là bị thiếu lương thực. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hằng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính mỗi năm cần 18 tỉ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000-6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000-47.000 tấn nicotine và từ 300-600 triệu ký chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá. Trồng thuốc lá đòi hỏi sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón, là một trong những nguyên nhân gây suy thoái đất đai, làm đất mất chất dinh dưỡng nhanh hơn so với các loại cây trồng khác, làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực khi đất trở nên không phù hợp hoặc kém hiệu quả hơn cho mục đích trồng cây lương thực.
WHO kêu gọi các quốc gia xây dựng chính sách và chiến lược phù hợp nhằm cung cấp sự hỗ trợ cho các hoạt động thay thế khả thi về kinh tế cho người trồng thuốc lá; tăng cường bảo vệ môi trường và sức khỏe của những người trồng cây thuốc lá; nâng cao nhận thức cho người trồng cây thuốc lá về tác hại của trồng cây thuốc lá và lợi ích của việc chuyển đổi cây trồng phù hợp; hỗ trợ các nỗ lực chống sa mạc hóa và suy thoái môi trường bằng cách giảm trồng cây thuốc lá; tăng thuế thuốc lá ở mức cao để khuyến khích người hút thuốc cai thuốc lá và ngăn ngừa thanh niên bắt đầu hút thuốc. Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở mức 70-75% giá bán lẻ, giúp làm giảm đáng kể việc sử dụng thuốc lá, bảo vệ sức khỏe người dân.
Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm sử dụng thuốc lá gây ra hàng trăm ngàn ca bệnh mãn tính và cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 người. Con số tử vong do thuốc lá ước tính sẽ tăng lên thành 70.000 ca mỗi năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) hiệu quả không được thực hiện. Tổn thất kinh tế do 5 nhóm bệnh chính liên quan tới thuốc lá (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) ước tính đã gây ra con số tổn thất lên tới 1% GDP.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết công tác PCTHTL đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, so với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc năm 2020 đã giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTHTL đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như sự xuất hiện các sản phẩm mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa…) nhằm vào thanh thiếu niên; ý thức tuân thủ các quy định pháp luật về PCTHTL của một bộ phận người dân còn chưa cao. Nếu chúng ta không tiếp tục thực hiện các biện pháp PCTHTL mạnh mẽ và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại, đặc biệt là trong nhóm tuổi trẻ và nữ giới.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, chỉ đạo tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến ngày 31-5-2023 như: tăng cường công tác truyền thông; kịp thời ban hành các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại các cơ sở giáo dục đào tạo, các cơ quan, đơn vị; chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm Luật PCTHTL; đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị; treo biển báo cấm hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm hút thuốc; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng trái phép thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha trên địa bàn tỉnh, thành phố.