Trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, tuổi trẻ TP Cần Thơ triển khai nhiều chương trình, phần việc nhằm nâng cao năng lực số cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), từ kiến thức đến kỹ năng số. Bên cạnh hoạt động truyền thông về chuyển đổi số, các cấp bộ Đoàn - Hội tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác quản lý, điều hành và triển khai các hoạt động, phong trào thanh niên.
Một chương trình tọa đàm tư vấn cách chăm sóc sức khỏe cho F0 do Đoàn khối Cơ quan Dân Chính Đảng TP Cần Thơ tổ chức trực tuyến trên fanpage Facebook.
Chương trình tọa đàm trực tuyến “Tuổi trẻ khối Cơ quan Dân Chính Đảng TP Cần Thơ đồng hành cùng F0 tại nhà” được Đoàn khối Cơ quan Dân Chính Đảng thành phố phối hợp Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ tổ chức vào giữa tháng 1, thu hút hơn 500 lượt người xem và chia sẻ. Có 3 diễn giả là các bác sĩ có kinh nghiệm trong chữa trị F0 tham gia tư vấn, hỗ trợ F0 và người thân nhiều kiến thức bổ ích, từ cách chăm sóc và tự theo dõi sức khỏe, phương pháp tập thở và các động tác vận động thể dục, đến thông tin về tình hình dịch COVID-19 trong và ngoài nước. Đây không phải lần đầu tiên Đoàn khối tổ chức hoạt động trực tuyến trên fanpage Facebook. Gần 2 năm qua, nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục đều được chuyển hướng sang trực tuyến để thích ứng với dịch COVID-19. Tiêu biểu như các cuộc thi tìm hiểu về Nghị quyết Đại hội Đảng, Đoàn, các sự kiện lịch sử, ngày kỷ niệm, nhờ mạng xã hội đã tạo sức lan tỏa, thu hút hàng trăm đến hàng ngàn bạn trẻ trong và ngoài thành phố tham gia.
Theo anh Lâm Văn Tân, Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, dịch COVID-19 vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các cơ sở Đoàn - Hội thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hoạt động, phong trào thanh niên. Bên cạnh khai thác các ứng dụng sẵn có trên mạng internet, các cơ sở Đoàn - Hội còn đầu tư xây dựng trang thông tin điện tử, triển khai phần mềm trong quản lý, điều hành. Tại cơ quan Thành đoàn, nếu như trước năm 2020, các văn bản vừa được xử lý trực tiếp qua văn bản giấy, vừa được xử lý trên môi trường mạng, thì 2 năm qua, hầu hết các văn bản được xử lý trên mạng. Văn bản nội bộ cơ quan được số hóa trên phần mềm quản lý, điều hành, do Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cung cấp. Riêng đối với hồ sơ xét tặng danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”, năm 2021 hoàn toàn được xử lý qua phần mềm. Anh Tân cho biết: “Hồ sơ gồm báo cáo thành tích, văn bản đề nghị và hồ sơ minh chứng lên đến hàng ngàn bộ. Vì vậy, việc xử lý trên mạng vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa có thể lưu trữ, tạo nguồn dữ liệu học sinh, sinh viên tiêu biểu phục vụ công tác quản lý, điều hành của Thành đoàn và Hội Sinh viên thành phố”. Hiện, Thành đoàn - Hội Sinh viên thành phố tiếp tục đặt hàng nghiên cứu hoàn thiện phần mềm để phục vụ công tác thi đua - khen thưởng.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Thành đoàn đã và đang triển khai xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số, gồm 4 nội dung trọng tâm: tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho ĐVTN; số hóa công tác quản lý, điều hành; ứng dụng số vào các sự kiện Đoàn - Hội; tổ chức các sân chơi học thuật về công nghệ số cho thanh thiếu nhi. Gần 2 năm qua, tuổi trẻ thành phố hợp tác với nhiều doanh nghiệp về công nghệ, viễn thông triển khai nhiều sân chơi trực tuyến cho giới trẻ. Tiêu biểu như cuộc thi “Running for Youth” qua ứng dụng (app trên điện thoại thông minh), “Tin học sáng tạo” (qua nền tảng codekitten do Công ty Cổ phần công nghệ và sáng tạo trẻ Teky Holdings cung cấp) hoặc triển khai các hoạt động trực tuyến qua trang thông tin điện tử http://thanhdoan.cantho.gov.vn. Đối với các thông tin nghiệp vụ về Đoàn - Hội, ĐVTN có thể sử dụng ứng dụng (app) “Thanh niên Việt Nam” do Trung ương Đoàn thiết kế. Sắp tới, Thành đoàn tiếp tục nghiên cứu thiết kế ứng dụng dùng riêng cho ĐVTN thành phố.
Tuy nhiên, theo anh Lâm Văn Tân, bên cạnh sự năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với khoa học kỹ thuật nói chung và lĩnh vực công nghệ thông tin nói riêng, một bộ phận người trẻ vẫn còn hạn chế về kiến thức và kỹ năng số. Đơn cử như thiếu kỹ năng khai thác, chắt lọc dữ liệu, thông tin phục vụ cho học tập, nghiên cứu; tính chủ động của ĐVTN khi làm việc trong môi trường số chưa cao và không phải bạn trẻ nào cũng có đủ thiết bị học tập và làm việc trực tuyến. Thạc sĩ Ngô Uyên Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cho rằng, qua một học kỳ giảng dạy trực tuyến, một bộ phận sinh viên còn xem học trực tuyến là xử lý tình huống dịch bệnh, hơn là xu thế hiện đại. Thực tế dù học trực tiếp, bản thân người học cần phải tự học, tự nghiên cứu trên môi trường mạng để khai thác kho tàng dữ liệu trên mạng. Vì thế, cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tập huấn kỹ năng số cho người trẻ.
Nhằm đẩy mạnh truyền thông về chuyển đổi số cho ĐVTN, các cấp bộ Đoàn - Hội thành lập các đội hình chuyên môn, hướng dẫn ĐVTN khai thác các dữ liệu mở do các bộ, ngành triển khai; giới thiệu và phổ biến các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng liên quan đến các lĩnh vực thiết thân với người dân (bảo hiểm xã hội số, hồ sơ y tế điện tử, Cổng Dịch vụ công Quốc gia…). Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực số cho ĐVTN trên địa bàn thành phố.
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam”, giai đoạn 2022-2030. Theo đó, mục tiêu của đề án là nâng cao năng lực số nhằm hỗ trợ thanh thiếu niên nâng cao nhận thức, thái độ; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo... trong bối cảnh chuyển đổi số. Các cấp bộ Đoàn phấn đấu đến năm 2030, trên 80% thanh thiếu niên được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số do tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp triển khai thực hiện; hơn 80% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hơn 90% thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI