09/01/2010 - 07:54

Nâng cao năng lực nuôi trồng và chế biến thủy sản theo tiêu chuẩn quốc tế Global GAP và ISO 22000

* Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Nga tăng mạnh

(CT-TTXVN)- Hội thảo chuyên ngành thủy sản “Nâng cao năng lực nuôi trồng và chế biến thủy sản theo tiêu chuẩn quốc tế Global GAP và ISO 22000” do Tập đoàn Bureau Veritas Certification Việt Nam tổ chức vào sáng ngày 8-1, tại TP Cần Thơ. Tham dự hội thảo có khoảng 45 doanh nghiệp, nhà máy, trang trại... nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL.

Tại hội thảo, theo các diễn giả, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung và trong thủy sản nói riêng luôn mang tính toàn cầu. Vấn đề chính yếu trong xuất khẩu, đặc biệt là thủy sản chính là đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Vì thế, đẩy mạnh được xuất khẩu trong thời gian tới hay không đòi hỏi sản phẩm xuất khẩu phải đảm bảo được quá trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng từ “sản xuất đến bàn ăn”. Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) và ISO 22000 là hướng mở cho các trang trại, nhà máy chế biến, doanh nghiệp... nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL đáp ứng các yêu cầu cao của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường châu Âu, thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Global GAP là tiêu chuẩn về nông trại được công nhận quốc tế dành cho việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Giấy chứng nhận Global GAP là một sự tái cam kết rằng, thực phẩm đạt được mức độ có thể chấp nhận được về sự an toàn và chất lượng; quá trình sản xuất được chứng minh có quan tâm đến sức khỏe, an toàn, phúc lợi của người lao động... ISO 22000 là tiêu chuẩn chứng tỏ cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm của doanh nghiệp. Lợi ích chủ yếu của ISO 22000 là tăng tính minh bạch, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, giảm thiểu các rủi ro đáng kể trong sản phẩm, kiểm soát có hiệu lực các quá trình nội bộ và giảm thiểu các nguy cơ sai lỗi của sản phẩm...

* Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), với kim ngạch xuất khẩu cá tra và basa tăng đột biến trong những tháng cuối năm, đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Nga ước đạt 70 triệu USD trong năm 2009. Thị trường này đang lấy lại vị thế trong tốp các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam.

Ông Dương Ngọc Minh, Trưởng ban điều hành xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga cho biết, năm 2009, trong khi cá tra, basa xuất khẩu vào nhiều thị trường giảm như Đức, Hà Lan, Ba Lan... thì kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Nga lại tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, trong năm 2009, giá xuất khẩu cá ba sa vào các thị trường khác giảm từ 10 - 15%, trong khi, giá cá bán tại Nga cao hơn từ 5 - 7% so với năm 2008. Thị trường Nga đang nổi lên như một điểm sáng về xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Năm 2010, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cá ba sa vào Nga sẽ đạt 100 triệu đô-la Mỹ. Để đạt được mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lương Lê Phương cho biết, các doanh nghiệp cần phải chú trọng vào chất lượng sản phẩm. Theo đó, các doanh nghiệp phải kiểm soát được sản phẩm đầu vào, đặc biệt là giảm được tỷ lệ mạ băng; việc thu mua nguyên liệu thông qua các cơ sở thu mua- sơ chế, các cơ sở này phải được công nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, phải có kho lạnh bảo quản phù hợp với công suất sản xuất của cơ sở.

HÀ TRIỀU-THÚY HIỀN

Chia sẻ bài viết