31/10/2022 - 16:08

Nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp 

Hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn TP Cần Thơ từng bước đáp ứng yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người yêu cầu giám định. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được, công tác giám định tư pháp trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn, cần được tháo gỡ, khắc phục...

Công tác giám định luôn đảm bảo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động xét xử. Trong ảnh:  Các bị cáo trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy, được TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử vào tháng 7-2022.

Theo Sở Tư pháp, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 4 tổ chức giám định, gồm: Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế, Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an thành phố, Trung tâm Quản lý nhà ở và chất lượng công trình xây dựng thuộc Sở Xây dựng và Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ thuộc Bộ Y tế quản lý, với 136 nhân sự ở các lĩnh vực: pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, môi trường, văn hóa... Từ đầu năm đến nay, các tổ chức giám định và giám định viên tư pháp đã thực hiện giám định 923 vụ việc; trong đó có 210 vụ việc lĩnh vực pháp y, 599 vụ việc kỹ thuật hình sự, 111 vụ việc pháp y tâm thần, 1 vụ việc tài chính, 1 vụ việc xây dựng, 1 vụ việc thông tin truyền thông. Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp cho 3 trường hợp thuộc lĩnh vực kỹ thuật hình sự và xây dựng; công nhận 1 tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc; phối hợp có ý kiến đối với 1 trường hợp bổ nhiệm giám định viên tư pháp lĩnh vực xây dựng.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giám định tư pháp còn gặp một số khó khăn, như: chưa xây dựng được quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với cơ quan, tổ chức, người giám định tư pháp; công tác phối hợp trong liên kết sử dụng trang thiết bị thực hiện giám định trên địa bàn thành phố chưa thực hiện được khi có trưng cầu, yêu cầu; các cơ quan chưa chủ động rà soát bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp (thuộc trường hợp miễn nhiệm)... Bà Châu Thị Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết: “Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do việc phối hợp giữa các sở, ngành chưa kịp thời, chặt chẽ; các đơn vị chưa chủ động trong việc xây dựng quy chế phối hợp; trang thiết bị phục vụ công tác giám định đã cũ, lạc hậu hoặc trang bị không đầy đủ...”.

Ông Thiều Quang Hùng, Giám đốc Trung tâm Pháp y TP Cần Thơ, chia sẻ: “Công việc của giám định pháp y là một trong những việc thuộc danh mục nặng nhọc, độc hại. Tuy nhiên, về chế độ chính sách chưa phù hợp với vai trò, trách nhiệm giám định viên, chưa tạo động lực cho các giám định viên khi hành nghề và thu hút những người có chuyên môn cao tham gia. Do đó, kiến nghị thành phố có những chính sách hỗ trợ để tạo động lực cũng như thu hút người có chuyên môn phục vụ công tác giám định nói chung và giám định pháp y nói riêng”. Ông Hồ Văn Gia, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố, kiến nghị: “Bộ Tư pháp sớm phối hợp Bộ Công an, Bộ Y tế ban hành quy định về cơ chế phối hợp giữa ngành Công an và ngành Y tế trong hoạt động giám định pháp y để tạo thuận lợi cho địa phương trong công tác phối hợp. Bộ Tư pháp cần có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng kết luận giám định trong trường hợp có khiếu nại về kết luận giám định”.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Ðề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố, đề nghị các sở, ngành liên quan tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; thường xuyên rà soát việc bổ nhiệm, miễn nhiện giám định viên tư pháp theo quy định, cần đảm bảo đủ về số lượng cũng như chất lượng để thực hiện tốt hơn công tác giám định tư pháp. Giữa các đơn vị, cần cụ thể hóa hơn nữa công tác phối hợp theo chế độ báo cáo định kỳ 3 tháng 1 lần (hiện nay là 6 tháng 1 lần) để các đơn vị kịp thời nắm bắt tình hình, giải quyết vướng mắc. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ đối với giám định viên tư pháp, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác giám định tư pháp kịp thời, hiệu quả. Các ngành liên quan tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giám định tư pháp, góp phần nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về vị trí vai trò của giám định tư pháp để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn thành phố.

Bài, ảnh: Hoàng Yến

Chia sẻ bài viết