09/03/2016 - 20:38

Tái cơ cấu nông nghiệp TP Cần Thơ

Nâng cao giá trị, hàm lượng chất xám trong sản phẩm nông nghiệp

Bắt tay vào xây dựng Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, TP Cần Thơ bám sát mục tiêu lớn: nâng cao giá trị gia tăng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Trong đó, tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường; nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, đem về lợi nhuận thích đáng cho nông dân… được ngành nông nghiệp thành phố đặc biệt quan tâm.

"Đặt hàng" các nhà khoa học

Nhiều ý kiến cho rằng, Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp TP Cần Thơ cần tập trung các giải pháp nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống cho người nông dân. 

Ngày 10-6-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trên cơ sở này, UBND TP Cần Thơ giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Kế hoạch số 1153/KH-SNN&PTNT triển khai Chương trình hành động thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Qua hơn 2 năm thực hiện tái cấu trúc, ngành nông nghiệp thành phố đã đạt được kết quả khả quan, sản xuất nông nghiệp bước đầu được sắp xếp lại theo đúng định hướng mục tiêu của đề án tổng thể tái cơ cấu nông nghiệp cả nước.

Theo đó, thành phố đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh liên kết theo chuỗi giá trị. Đơn cử như: chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao với "Cánh đồng lớn" đạt gần 18.000ha/vụ; vùng rau an toàn với diện tích gieo trồng đạt hơn 2.000ha; phát triển vùng cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái diện tích 14.000ha; phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị (hoa kiểng, sinh vật kiểng); chăn nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm với các cơ sở chăn nuôi gia súc gia cầm tập trung quy mô lớn. Ngoài ra, TP Cần Thơ còn hình thành vùng nuôi cá tra 850ha (năng suất trung bình đạt 200 tấn/ha) và các mô hình thủy sản hiệu quả với đối tượng nuôi đa dạng và thực hiện liên kết với các cơ sở thương mại và siêu thị trên địa bàn (mô hình cá lóc vèo, nuôi ếch và lươn trên bể lót bạt, cá trạch, cá rô...). Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt và hiện 12/36 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Từ những kết quả trên, ngành nông nghiệp chủ động "đặt hàng" Trường Đại học Cần Thơ xây dựng Đề án "Tái cơ cấu nông nghiệp TP Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020" (gọi tắt là Đề án). Phó Giáo sư Tiến sĩ Võ Thành Danh, Thành viên Ban Cố vấn, Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Việc triển khai Đề án nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt mức tăng trưởng cao và bền vững. Phát triển và chuyển đổi mạnh mẽ kinh tế hộ cá thể theo hướng trang trại, hợp tác xã và các loại hình doanh nghiệp; nâng cao vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Song song đó, Đề án tập trung nâng cao hiệu quả kinh tế trên 1ha đất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông nghiệp và nông thôn.

Sát sườn thực tiễn sản xuất

Trên cơ sở đánh giá thực trạng giai đoạn 2004-2014; dự báo tình hình trong và ngoài nước ảnh hưởng đến xu thế phát triển nông nghiệp thành phố thời gian tới, Đề án đề ra 6 nội dung về tái cơ cấu nông nghiệp. Bao gồm: Phát triển vùng sản xuất lúa tập trung chuyên canh theo chuỗi liên kết gắn với thị trường tiêu thụ; phát triển nông thôn; các hoạt động chuyên ngành; đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp; phát triển công nghiệp nông thôn và nguyên tắc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Giai đoạn 2016-2020, TP Cần Thơ đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm và thủy sản bình quân trên 3,5%/năm; tỷ lệ vốn đầu tư cho nông nghiệp tăng 17%/năm. Đến năm 2020, tỷ lệ phần đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng nông nghiệp đạt 39%... Đến năm 2020, thành phố có ít nhất 17/36 xã đạt tiêu chí nông thôn mới và thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng gấp 2 lần so với năm 2015...

Để đạt mục tiêu nói trên, theo bà Bùi Ngọc Vỵ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, những nội dung đề cập trong Đề án cần sát với thực tiễn. Đặc biệt, thành phố cần có những cơ chế đặc thù để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản. Bởi các doanh nghiệp này là đầu mối quan trọng trong tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường và giúp nông dân tiêu thụ nông sản. Mặt khác, thành phố nên tập trung cho các sản phẩm nông sản chủ lực, có lợi thế (lúa, cá tra…); tránh đầu tư dàn trải. Từng bước khắc phục tình trạng "được mùa, mất giá", công tác thông tin và dự báo thị trường cần được quan tâm; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để có thể tiết giảm chí phí sản xuất, hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại trong điều kiện thời tiết bất lợi, thiên tai...

Tại Hội thảo góp ý Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp TP Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp TP Cần Thơ vừa phải tạo điểm nhấn riêng, vừa thể hiện được vai trò trung tâm kết nối các tỉnh trong vùng. Đó là nên tái cơ cấu theo hướng tăng giá trị, hàm lượng chất xám trong sản phẩm nông nghiệp. "Đề án nên tập trung vào nhóm giải pháp tăng giá trị, tăng thu nhập trên cùng 1 đơn vị diện tích, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân thay vì chỉ chú trọng tăng năng suất, sản lượng như trước đây. Mặt khác chúng ta phải xác định rõ, việc cấu trúc lại ngành nông nghiệp là hướng đến nhu cầu thị trường, làm sao bán được sản phẩm cho nông dân"- ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ bày tỏ. Song song đó, TP Cần Thơ đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng. Do đó, để có thể chiếm lĩnh, mở rộng thị trường, thành phố cần tạo dựng niềm tin cho khách hàng thông qua việc sản xuất theo quy trình GAP, xây dựng thương hiệu nông sản..

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết