28/02/2024 - 09:07

Nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các địa phương vùng ÐBSCL đã và đang tích cực triển khai thực hiện Ðề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030". Ðề án này được kỳ vọng  phát triển sản xuất kinh doanh lúa gạo đạt hiệu quả cao, bền vững và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả nông dân, doanh nghiệp, cùng tất cả các bên có liên quan trong chuỗi giá trị ngành hàng.

Sản xuất lúa tại huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ trong vụ đông xuân 2023-2024.

Nâng cao chuỗi giá trị và thu nhập của nông dân

Ðề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Ðề án) đã được phê duyệt theo Quyết định số 1490/QÐ-TTg ngày 27-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ. Ðề án này hướng đến canh tác lúa bền vững ở ÐBSCL, tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH) và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Ðề án đề ra mục tiêu đến năm 2030 diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu héc-ta. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như "1 phải, 5 giảm", SRP, tưới ngập khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng. 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích, trên 1.000.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%...

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, Ðề án được kỳ vọng giúp mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, hiệu quả về kinh tế là nâng cao giá trị toàn chuỗi thêm 40%, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50%. Còn hiệu quả về xã hội và môi trường là góp phần bảo vệ môi trường, giảm thải khí nhà kính, 1 triệu hộ được đào tạo và áp dụng canh tác
bền vững.

Việc triển khai thực hiện tốt Ðề án cũng góp phần  thực hiện thắng lợi tầm nhìn và mục tiêu tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, nước ta không chỉ hướng đến đạt các tầm nhìn và mục tiêu về đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo nguồn cung đạt chất lượng cao mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng. Xuất khẩu gạo có tính cạnh tranh cao và có giá trị gia tăng cao. Ðảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, thích ứng và giảm nhẹ BÐKH.

Tích cực triển khai thực hiện Ðề án

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã chủ trì phối hợp các địa phương và những bên có liên quan để tổ chức lễ phát động triển khai thực hiện Ðề án; tiến hành nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền; tổ chức các hội thảo, hội nghị để lấy các ý kiến đóng góp về việc tổ chức thực hiện Ðề án; huy động sự tham gia, hưởng ứng của các bên có liên quan. Bộ cũng quan tâm phối hợp chặt với các địa phương trong xác định diện tích tham gia thực hiện Ðề án tại các địa phương trong từng giai đoạn cụ thể từ nay đến năm 2030 và tổ chức triển khai các công việc cần thiết để thực hiện tốt Ðề án.

Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2024, Ðề án sẽ bắt đầu triển khai trên diện tích khoảng 180.000 héc-ta dựa trên diện tích vùng lúa thuộc Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đã triển khai những năm trước. Sau đó, mở rộng dần diện tích thực hiện và hướng tới mục tiêu đạt khoảng 1 triệu héc-ta vào năm 2030.

Vừa qua, tại tỉnh Kiên Giang, Bộ đã tổ chức hội nghị triển khai Ðề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030". Tại hội nghị này, Bộ NN&PTNT đã đề ra các định hướng, kế hoạch cụ thể về việc triển khai thực hiện Ðề án. Theo đó, Ðề án sẽ triển khai 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024-2025) tập trung củng cố  các diện tích đã có của Dự án VnSAT là 180.000ha, bao gồm tập huấn, xây dựng kế hoạch, xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV), kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ các-bon cho những vùng lúa đạt chuẩn. Củng cố các hợp tác xã, duy tu bảo dưỡng một số công trình... Giai đoạn 2 (2026-2030) xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000ha. Tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống MRV, đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở vùng lúa đã thực hiện giai đoạn 2024-2025.

Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Ðề án hướng đến đa mục tiêu nhưng cách thức vận hành, xác lập lộ trình, cách thức đo lường, đánh giá cần đi vào cụ thể. Việc đo lường, đánh giá theo từng thời điểm, mốc tiến độ, vừa giúp điều chỉnh linh hoạt theo thị trường trong ngắn hạn, vừa bảo đảm việc kiên trì nhất quán mục tiêu trong dài hạn. Ðề án đề cao vai trò sáng tạo từ thực tiễn của các địa phương, kế tiếp cần mở rộng đối tượng tham gia vào các khâu triển khai, định kỳ đánh giá. Trong đó, cần sự tham gia tích cực từ Trung ương và địa phương, từ khu vực công và khu vực tư, doanh nghiệp và nông dân, hiệp hội ngành hàng và các tổ chức nông dân, các chuyên gia, nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế và cả các cơ quan truyền thông. Ðể Ðề án đạt được hiệu quả thực tế trên những cánh đồng, cần đến cách tiếp cận ngoài khung. Ngoài những cách nghĩ và cách làm quen thuộc, cần đến sự đổi mới linh hoạt, chủ động không ngừng từ thể chế, các vấn đề mang tính chất nguyên tắc đến từng nội dung quản trị, vận hành cụ thể, chi tiết. Hơn hết, cần thấu hiểu rằng Ðề án không chỉ mang yếu tố kỹ thuật đơn thuần mà tích hợp đa dạng yếu tố kinh tế và xã hội, trong đó người nông dân có năng lực hợp tác là trung tâm, doanh nghiệp có vai trò liên kết, kết nối, dẫn đắt thị trường. Các chuyên gia, nhà khoa học khuyến nghị, hướng dẫn, ứng dụng các chuẩn hóa. Nhà nước giữ vai trò khởi tạo và hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách. Ðịa phương có vai trò tích hợp, lồng ghép các nguồn lực và nhất là sáng tạo trong triển khai thực hiện.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết