29/10/2009 - 07:39

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII

Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội

* Chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt góp phần tích cực phát triển kinh tế, ổn định chính trị

Sáng 28-10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2010.

Nhiều đại biểu đồng tình với đề nghị của UB Kinh tế, cho rằng, mục tiêu của năm 2010 cần đặt trọng tâm vào việc ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách của Nhà nước; giải quyết triệt để những hạn chế đã tồn tại nhiều năm nay trong kinh tế-xã hội.

Đại biểu Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) ghi nhận sự điều hành hiệu quả của Chính phủ, nhất là trong giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, ổn định giá cả, đầu tư cho vùng sâu vùng xa, chính sách cho thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công... tạo sự phấn khởi và niềm tin cho nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có những giải pháp hữu hiệu, cụ thể hơn để nâng cao hiệu quả các công trình kết cấu hạ tầng trước tình trạng các dự án khởi công nhiều nhưng tiến độ hoàn thành chậm trong khi xã hội cần đầu tư nhanh, hoàn thành nhanh để đưa công trình vào sử dụng. Chính phủ cần lựa chọn phương án chủ động, linh hoạt hơn về xác định chỉ số giá tiêu dùng vì dự kiến năm 2010 sẽ đòi hỏi chi nhiều hơn. Để khắc phục những hạn chế, cần tiếp tục nâng cao cải cách hành chính, đổi mới chỉ đạo, phân cấp nhưng không buông lỏng quản lý; tăng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn và lĩnh vực môi trường; rà soát hiệu quả đầu tư các chương trình, mục tiêu quốc gia.

Đồng tình với ý kiến của một số đại biểu, Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc cho rằng, đánh giá hiệu quả gói kích cầu cần nhìn tổng thể chung chứ không chỉ ở gói hỗ trợ lãi suất 1 tỉ USD hay 18.000 tỉ đồng. Tổng số gói kích cầu thực hiện tương đương 8 tỉ USD đối với nước ta là 1 gói kích cầu lớn nhưng so với các nước thì chưa thấm vào đâu. Về tổng thể, gói kích cầu đã phát huy tác dụng, có ý nghĩa trong tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, gói hỗ trợ đầu tư chung đã huy động nguồn vốn đầu tư bằng các nguồn ứng trước, chuyển vốn, trái phiếu Chính phủ, đã giải quyết những yêu cầu trước mắt của vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Gói miễn giảm thuế đã hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trước tình hình sản xuất hiện nay. Gói kích cầu bảo đảm an sinh xã hội giải quyết rất nhiều khó khăn cho đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết nhu cầu về nhu yếu phẩm, từ đó khuyến khích sản xuất. Gói hỗ trợ lãi suất còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng cơ bản là mang lại hiệu quả, hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa và một số doanh nghiệp trong xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã báo cáo một số nội dung liên quan phát triển thị trường nội địa; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; quy hoạch phát triển thủy điện ở miền Trung; khả năng xuất khẩu trong năm 2010.

Bộ trưởng cho biết: Bộ Công Thương được giao trách nhiệm nghiên cứu đề xuất một số biện pháp quan tâm hơn nữa, đẩy mạnh thị trường nội địa, tạo điều thuận lợi cho thị trường nội địa phát triển. Bộ trưởng cho rằng đây là quyết sách đúng đắn bởi vì với dân số 85,7 triệu người, đây là một thị trường hết sức lớn. Quan tâm đến thị trường nội địa có nghĩa là quan tâm thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, quan tâm đến quyền lợi lợi ích của người tiêu dùng. Chính phủ đã quyết định dành khoản kinh phí 51 tỉ đồng phục vụ cho chương trình xúc tiến thương mại nội địa.

Về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ trưởng Công Thương cho rằng đây là quyết sách hết sức đúng đắn, được sự đồng tình của toàn xã hội. Việc Ủy ban Trung ương MTTQ được giao làm đầu mối tổ chức thực hiện Cuộc vận động sẽ tạo phong trào xã hội, thu hút sự hưởng ứng của nhân dân.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng năm 2009, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, bức tranh tổng thể xuất khẩu mặc dù không đạt chỉ tiêu QH giao nhưng phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của nước ta đều tăng về khối lượng so với năm 2008, nhất là các mặt hàng gạo, cà phê, thủy sản, chè, cao su... Khi báo cáo với QH về kế hoạch năm 2009, Bộ Công Thương có tính mức giá dự báo của năm 2009 không cao như mức năm 2008 mà tính mức giá trung bình. Với khả năng phấn đấu tăng khối lượng xuất khẩu và mức giá trung bình của năm 2009, dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2009 tăng 3-5% so với năm qua. Tuy nhiên, diễn biến của năm 2009, có nhiều biến động giá, đặc biệt là giá dầu thô hết sức bất lợi cho xuất khẩu. Do vậy, phần lớn các mặt hàng đều tăng khối lượng xuất khẩu nhưng giá không đạt như dự kiến nên kim ngạch không đạt mục tiêu QH đặt ra.

Về dự báo 2010, Chính phủ đạt ra mục tiêu tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 6% là có cơ sở. Năm 2010, nền kinh tế sẽ lấy đà tăng trưởng, một số nền kinh tế thế giới có bước phục hồi, tuy nhiên tiềm ẩn rủi ro, giá cả thất thường, hàng hóa nước ta phụ thuộc vào giá thế giới, chưa chủ động được, nhiều mặt hàng của Việt Nam khối lượng chưa lớn, chưa chi phối được thị trường quan trọng thế giới. Do vậy, tính toán của Chính phủ là thận trọng, có cơ sở. Bộ sẽ phối hợp, động viên các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề thúc đẩy tăng khối lượng xuất khẩu những mặt hàng nước ta có lợi thế, phấn đấu đạt khối lượng xuất khẩu cao hơn. Việc đề mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu mức 6% để các cấp các ngành có định hướng phấn đấu góp phần tăng trưởng kinh tế, giảm thâm hụt thương mại.

Quan tâm tới tính song hành giữa tăng trưởng kinh tế với việc bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn..., nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích sâu sắc hơn về vấn đề này. Các đại biểu cho rằng: Việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra suy đến cùng là phải nhằm giải quyết tốt hơn những vấn đề xã hội, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống nhân dân mà cử tri và dư luận đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị.

Làm rõ hơn một số vấn đề về thực hiện chủ trương giảm nghèo, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Bảo đảm an sinh là vấn đề lâu dài, ngay cả khi nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển, trong đó vấn đề giảm nghèo phải được quan tâm tổ chức thực hiện trước tiên. Nhà nước đã ban hành một hệ thống chính sách an sinh xã hội khá đầy đủ, gần đây để giải quyết chênh lệch vùng miền, Chính phủ đã ban Nghị quyết 30 a. Hệ thống chính sách đó đã giúp dân nghèo và những người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội tiếp cận các điều kiện cơ bản nhất về ăn ở, học tập, đi lại, khám chữa bệnh, việc làm, thông tin, trợ giúp pháp lý... Nhà nước đã dành một nguồn lực đáng kể trong điều kiện ngân sách còn khó khăn chi cho an sinh. Bộ trưởng khẳng định: Mục tiêu an sinh đã được thực hiện tốt mặc dù tình hình kinh tế đất nước còn khó khăn, được quốc tế đánh giá cao.

* Chiều 28-10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội họp tại Hội trường, thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2009, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010.

Đã có 15 đại biểu phát biểu tại Hội trường trong tống số 20 đại biểu đăng ký. Các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội về tình hình thực hiện NSNN năm 2009, dự toán NSNN và phương án phân bổ NS trung ương năm 2009, đánh giá chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt của Chính phủ đã góp phần tích cực tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội. Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế thế giới, các ban, ngành, địa phương đã có những nỗ lực lớn để hoàn thành hoạt động thu NSNN, cơ bản đảm bảo nhiệm vụ chi chủ yếu, góp phần đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, Chính phủ cần có những biện pháp kiên quyết hơn nữa trong việc chống thất thu thuế, đảm bảo hiệu quả chi ngân sách, hạn chế lãng phí, chống các hành vi tiêu cực trong chi NS.

Về dự toán NSNN và phương án phân bổ NS Trung ương năm 2010, các đại biểu có cùng ý kiến cho rằng Chính phủ cần đổi mới hoạt động lập dự toán NSNN mang tính chiến lược, đảm bảo sát thực tế, giải quyết hợp lý giữa chi NS Trung ương và NS địa phương. Đề nghị Chính phủ xem xét lại cơ cấu phân bổ NS theo hướng quan tâm hơn đến nông nghiệp, nông thôn và người nông dân; lồng ghép các chương trình liên quan đến bình đẳng giới, biến đổi khí hậu. Các đại biểu nhất trí cho rằng việc phát hành trái phiếu Chính phủ là cần thiết để tập trung chi đầu tư phát triển trung và dài hạn, nhưng theo nguyên tắc nhu cầu đến đâu phát hành đến đó, không chuyển chỉ tiêu chưa thực hiện năm 2009 sang 2010.

Nhiều đại biểu bày tỏ sự quan ngại mức bội chi NS và dư nợ của Chính phủ đang ở ngưỡng nguy hiểm và để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, cần giới hạn mức bội chi NS năm 2010 ở mức tối đa 6% GDP. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, bội chi NS cũng là bắt nguồn từ việc thực hiện biện pháp huy động nguồn vốn toàn xã hội vào phát triển kinh tế và mức bội chi NS của nước ta hiện nay không có gì nguy hiểm. Giai đoạn vừa qua, do nhu cầu rất lớn về đầu tư phát triển hạ tầng của nước ta trong khi nguồn thu có hạn vì áp dụng các chính sách cắt giảm thuế để kích thích kinh tế, tốc độ phát triển kinh tế phát triển chậm lại do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới, nên đã dẫn đến tình trạng bội chi NS. Ông Vũ Văn Ninh khẳng định, hiện nay, an ninh tài chính quốc gia vẫn được đảm bảo khi mọi khoản nợ Chính phủ đều được thanh toán đúng hạn, không có nợ xấu và cũng có khoản nào là nợ quá hạn.

Ngày 29-10, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường.

NHÓM PV TTXVN

Chia sẻ bài viết