11/02/2009 - 10:19

Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng

Năm 2009, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng xác định là nghiên cứu, đưa ra kiến nghị xem xét, điều chỉnh, hoàn thiện mô hình tổ chức của các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong cơ quan này trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Đến nay, Ban Chỉ đạo và bộ phận giúp việc của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã được thành lập và có những hoạt động thiết thực, trở thành đầu mối giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ đạo kiểm tra đôn đốc và phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn địa phương; tạo mối thông tin với Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng trong chỉ đạo và thông tin hai chiều.

Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, trong năm qua, Ban Chỉ đạo tại các địa phương đã ra 950 thông báo, công văn, quyết định, hướng dẫn hoặc hình thức chỉ đạo khác về công tác phòng ngừa, phát hiện tham nhũng. Ban Chỉ đạo của 56 địa phương đã thực hiện 783 cuộc làm việc, kiểm tra, đôn đốc cơ sở về công tác phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo ở 34 tỉnh, thành phố tổ chức 74 cuộc họp chuyên đề nghe các cơ quan tố tụng báo cáo hoặc bàn nội dung liên quan đến việc chỉ đạo hoạt động phối hợp phòng, chống tham nhũng của các cơ quan hữu quan. Ban Chỉ đạo của 30 tỉnh, thành phố đã lập danh sách theo dõi, chỉ đạo 185 vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng. Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng tại 28 địa phương đã chỉ đạo xử lý 502 đơn thư tố cáo, khiếu nại về tham nhũng. Một số địa phương như Thái Nguyên, Thái Bình, Yên Bái đã lập đường dây nóng của Ban Chỉ đạo để tiếp nhận thông tin tố cáo tham nhũng.

Bên cạnh đó, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng đã thực hiện trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền triển khai các quy định của pháp luật về phòng ngừa tham nhũng; chỉ đạo phối hợp hoạt động của cơ quan Thanh tra, Điều tra, Viện kiểm sát ND, Tòa án ND ở địa phương trong các vụ việc liên quan đến tham nhũng; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng và các thông tin về vụ việc tham nhũng tại địa phương. Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã thực hiện gần 491 lần báo cáo định kỳ; thực hiện gần 500 báo cáo theo yêu cầu cho Ban Chỉ đạo T.Ư, tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh và một số cơ quan khác.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, mặc dù hoạt động của các Ban Chỉ đạo địa phương còn gặp nhiều khó khăn, bất cập do các quy định về thể chế và cơ cấu bộ máy chưa hoàn thiện, nhưng thực tế hoạt động cho thấy: quyết định thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng là một chủ trương đúng và hoạt động tích cực của các Ban chỉ đạo địa phương đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng, ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

XUÂN KHU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết