18/04/2009 - 09:59

Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho xã hội

(CT)- Ngày 17-4-2009, TP Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm (2006-2008) thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động ngoại thành và chiến sĩ lực lượng vũ trang xuất ngũ TP Cần Thơ” (gọi tắt là Đề án ĐTN), đồng thời triển khai kế hoạch Đề án ĐTN giai đoạn 2009-2010.

Trong 3 năm (2006-2008), thành phố đã tổ chức 413 lớp dạy nghề, cho gần 13.400 lao động, trong đó có 9.925 lao động nông thôn; có 27 đơn vị tham gia đào tạo 20 nghề, với các hình thức đào tạo ngắn hạn và đào tạo Trung cấp nghề. Qua đó, khoảng 80% học viên tự tạo việc làm, có việc làm sau khi học nghề...

Trong giai đoạn 2009-2010, thành phố tiếp tục dạy nghề cho 10.500 lao động, trong đó có 7.517 lao động nông thôn; 8.650 lao động qua đào tạo sơ cấp nghề, 1.850 lao động đạt trình độ Trung cấp nghề... Thời gian này, đầu tư xây dựng Trường Trung cấp nghề Thới Lai, Trường Trung cấp nghề Giao thông Vận tải và 7 Trung tâm dạy nghề ở các quận, huyện. Các nội dung cần tập trung thực hiện, là: Cơ cấu ngành nghề đào tạo, chính sách hỗ trợ người học nghề, hoàn thiện mạng lưới cơ sở dạy nghề, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và chương trình dạy nghề...

Đến dự và phát biểu tại hội nghị, đồng chí Tô Minh Giới, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đánh giá cao kết quả công tác ĐTN thời gian qua, đã góp phần nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới. Đồng chí Phó chủ tịch thống nhất điều chỉnh tên gọi Đề án ĐTN hiện nay thành “Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn và các đối tượng chính sách xã hội TP Cần Thơ”, giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố chủ trì điều chỉnh, bổ sung để hoàn chỉnh Đề án ĐTN, tiếp tục kết hợp với các ngành, đoàn thể chức năng tuyên truyền vận động sâu rộng, thu hút nhiều lao động, nhất là lao động nông thôn tham gia học nghề, đổi mới cơ chế, chính sách đối với người học nghề. Đồng thời, cần nghiên cứu dự báo chính xác thị trường lao động, nhu cầu học nghề, đổi mới chương trình đào tạo hợp lý, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu xã hội.

ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết