24/08/2024 - 22:53

Nắm bàn tay của bà 

Truyện ngắn: Khuê Việt Trường

Quán cà phê tôi ghé uống buổi sáng có một cây bàng rất nhiều lá, bên dưới bà chủ để những chiếc ghế nhỏ, khách ngồi uống cà phê ngắm phố. Phố là con đường rất quen, những con người lướt qua đôi khi cũng rất quen và đôi khi cũng khác biệt. Nhưng hầu hết hướng đến cái chợ ở góc phố ồn ã từ sáng sớm. Có người lái những chiếc xe chở hàng để luôn trên xe bày bán, mấy bà bán cá thì cắp rổ cá để dưới đất, đã chia phần cho dễ bán. 8 giờ sáng, chợ tan.

Phố ẩn giấu những phận người khác nhau, trong đó có chị Quỳnh và đứa cháu nhỏ. Sáng sớm, chị Quỳnh dắt thằng Tí đi trên phố, đi thong dong như còn ngắm những cây hoa giấy đang nở đỏ, đi nhẹ nhàng như còn bận ngắm những con chim sẻ đang chuyền cành. Chị gửi Tí cho một nhà quen giữ trẻ giá cũng rẻ để có thể đi làm. Thằng Tí đeo chiếc ba lô nhỏ đã bạc màu, nó nắm chặt bàn tay bà ngoại, đôi khi lý lắc bung người về phía trước hay dừng lại cúi nhặt một thứ gì đó dưới đất. Hai bà cháu cứ đi trong mênh mông đất trời.

Thằng bé chừng năm tuổi, cái tuổi còn ham vui, vô tư và chưa biết gì. Hỏi nó tên gì, nó nói trống không "Quẹt", rõ ràng là cái tên lạ, không đụng hàng. Chẳng thể hỏi cặn kẽ là tại sao nó tên Quẹt, còn bà ngoại nó thì kêu gọn lỏn "Thằng Tí". Ở thành phố bây giờ ngoài chuyện đặt tên con rất bay bổng, ngay cả tên ở nhà, cũng rất dễ thương, bởi tên ở nhà sẽ theo suốt cuộc đời đứa nhỏ. Có người đặt tên là Cà Phê, Cà Rốt hoặc Mi Sa, Ju Li, Ðô Ri… Nhưng cái tên Tí thì là hồi xửa hồi xưa chứ bây giờ chẳng ai đặt. Tôi nhớ hồi đi học, trong lớp có một anh bạn học chung tên là Nguyễn Văn Cu, sau đó phải lên hộ tịch xin thêm cái móc thành Nguyễn Văn Cư cho đẹp, chứ cái tên nó ảnh hưởng rõ ràng đến cuộc sống.

Trở lại chuyện thằng Tí. Bà ngoại là chị Quỳnh năm nay chừng 55 tuổi, làm công cho tiệm làm móng ở ngã tư đường. Chị có chút nghề làm móng, gội đầu, ngoài tiền ăn chia với chủ còn thêm được chút tiền tip của khách nên đắp đổi qua ngày, một phần để nuôi cháu. Thằng Tí trước ở với mẹ, nghe nói mẹ nó nhà bên kia cầu. Tí được sinh ra giống như là một điều bất đắc dĩ của một cuộc tình con trẻ. Mẹ Tí tên Bình, chừng ngoài 20, cũng có nghề làm tóc. Mẹ nó yêu một anh chàng được giới thiệu là chủ đìa tôm. Phàm cứ ông chủ là giàu, mà những cô gái vất vả trong cuộc mưu sinh như Bình lại dễ động lòng với những ông chủ. Kết cục là Bình mang thai thằng Tí, nhưng anh chàng xưng ông chủ đìa tôm kia thì đã biến mất khỏi cuộc đời của Bình như sương sớm mai. Bình về nhà mẹ sinh nở, nói đúng hơn là căn nhà mẹ mình thuê.

Chị Quỳnh cũng đã một đời chồng, không biết tại sao lại chia tay, chỉ biết là cuộc hôn nhân dang dở ấy để lại cho chị đứa con gái tên Bình. Hai mẹ con chẳng có ai hạnh phúc trong cuộc sống mênh mông này, đều có con và không có người đàn ông nào để nương tựa.

Chị thuê căn phòng sát nhà tôi, cách nhau con hẻm, chị gá nghĩa với Hà, một anh thợ hồ chất phác, hiền lành. Nói chung là dẫu chỉ gá nghĩa nhưng hai người sống hạnh phúc, chẳng bao giờ nghe tiếng cãi cọ với nhau. Chiều chiều họ còn mua ly cà phê, chở nhau ra bờ sông đón gió.

Thằng Tí được Bình gởi cho chị Quỳnh để theo chồng về một tỉnh miền Trung. Hôm mẹ Tí dắt nó về nhờ chị Quỳnh nuôi, nhìn Tí đứng nhìn mẹ leo lên chiếc taxi, đôi mắt ngơ ngác giữa con đường nhiều gió, lòng tôi cảm thấy có gì đó nao nao. Rồi một ngày nào đó mẹ Tí có đón thằng nhỏ về không? Hay là đã có những đứa con mới, và muôn vàn lý do cuộc sống, đành bứt lìa đứa con lầm lỡ của mình, kệ Tí như nhánh rong trôi dạt giữa dòng nước mênh mông, chẳng biết sẽ tấp vào bờ bãi nào.

Có khi chị Quỳnh rảnh rỗi, ghé quán cà phê kêu ly đen, ngồi uống mà kể câu chuyện về con gái mình. Chị bảo Bình theo chồng rồi đi biệt, mấy tháng đầu còn gởi về ít tiền nuôi con, sau đó thì cứ mặc kệ, bởi bề gì thì chị cũng phải nuôi cháu thôi, chứ không thể đành đoạn dứt bỏ tình ruột thịt. Rồi chị Quỳnh chép miệng: "Mà tui có giàu gì cho cam. Nhà ở tận quê, mảnh đất cát trắng lóa đi vào buổi trưa phỏng cả chân. Trồng chỉ lên nổi cây mì mà củ nó cũng bé teo, đành về phố mà kiếm sống…". Chị Quỳnh không giàu có là chắc chắn, bởi giàu có chắc chị không thuê cái căn phòng nhỏ mà tiền điện tính quá cao cho nên dù có cái tủ lạnh nhỏ xíu, chị Quỳnh cũng không dám xài, hằng ngày đi mua từng ngàn đồng nước đá về uống trong cái mùa hè nóng nực.

Chị Quỳnh vẫn nắm tay cháu đi trên con đường qua nhà tôi như thế. Vẫn là chân nhảy sáo và líu lo kể chuyện của thằng Tí, đứa trẻ nào cũng vậy, luôn hồn nhiên dẫu cuộc đời của mình chênh vênh như chiếc lá nghiêng. May mà chị có anh Hà tốt bụng, anh rất thương yêu thằng Tí. Anh Hà đã góa vợ, hình như cũng có một ngôi nhà riêng, ở chung với con cái. Anh không ở hẳn lại nhà chị Quỳnh mà chỉ ghé qua, có khi mua cho thằng Tí gói bim bim, cái bánh bông lan, ổ bánh mì. Chị bảo, nhờ anh Hà mà đôi lúc chị thoát ra khỏi cảnh khó khăn, còn mai sau như thế nào không biết được. Chị tặc lưỡi: "Ðàn ông đẹp - xấu, không quan trọng, quan trọng là biết che chở".

Rồi sau đợt dịch COVID, các công trường thưa vắng, anh Hà thất nghiệp và cũng không ghé nhà thường xuyên. Chị Quỳnh cũng chẳng có việc làm vì tiệm làm tóc cũng đóng cửa, mấy quán ăn chị hay phụ rửa chén cũng ế ẩm, ngay cả mấy nhà kêu giúp việc theo giờ cũng tiết kiệm thắt chặt chi tiêu. Chị Quỳnh không còn tiền. Chị trông ngóng mấy đoàn phát cứu trợ, họ len vào tận nơi cho gạo, mắm muối.

Buổi sáng chị Quỳnh không dắt thằng Tí đi ra đường, mà có dắt ra đường cũng chẳng biết đi đâu. Gặp tôi ngoài ngõ, chị nói: "Chị phải về thôi, bề gì về nhà cọng rau cũng có để ăn". Rồi chị chất chiếc va li phía sau xe, thằng Tí ngồi phía trước, chiếc khẩu trang che kín mặt thằng nhỏ. Xe chị Quỳnh lao ra lộ, chị về nhà.

Chia sẻ bài viết