22/11/2008 - 09:02

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Năm 2009, không để lạm phát quay trở lại, chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội

* Phải bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước

Ngày 21-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư triển nhiệm vụ năm 2009.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Năm 2008, Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh khó khăn, duy trì được mức tăng trưởng khá cao ở mức hợp lý trong điều kiện lạm phát cao, kinh tế khó khăn. Mục tiêu an sinh xã hội vẫn thực hiện được, ổn định được kinh tế- xã hội. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, sự suy giảm của nền kinh tế thế giới đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế nước ta, trước hết là là gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, du lịch. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN) năm 2008 thu hút rất cao nhưng trong bối cảnh này, nhà đầu tư khó thu xếp vốn và khả năng thực hiện dự án sẽ chậm lại; đầu tư gián tiếp và lượng kiều hối cũng giảm..., những khó khăn đó tác động trực tiếp đến nước ta.

Thủ tướng nhấn mạnh: Mục tiêu tổng quát năm 2009 là không để lạm phát quay trở lại. Hiện nay, nước ta bước đầu thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng bền vững; nhưng không vì thế mà chủ quan. Ngành Kế hoạch và Đầu tư phải là cơ quan tham mưu cân đối và kiểm soát cung cầu, tiền hàng... để ổn định kinh tế vĩ mô; cần chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý, không để suy giảm của nền kinh tế thế giới kéo nền kinh tế nước ta giảm quá mức. Ngành Kế hoạch và Đầu tư phải tham mưu cho các địa phương giải quyết tận gốc khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường kích thích đầu tư. Mục tiêu của năm 2009 còn là duy trì tăng trưởng GDP ở mức hợp lý khoảng 6,5%. Mục tiêu này là hết sức khó khăn nhưng có khả năng thực hiện được bởi nước ta có nhiều thuận lợi. Nhu cầu đầu tư lớn, cần phải tạo mọi điều kiện để huy động mọi nguồn vốn đầu tư vào các dự án có hiệu quả. Đây là lúc cần tranh thủ đầu tư và cần chú ý đầu tư vào các dự án có hiệu quả.

Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng nhấn mạnh: Cần thực hiện chính sách nới lỏng có kiểm soát. Lãi suất hiện nay đã giảm xuống gần mức trước khi lạm phát tăng cao. Đi liền với giảm lãi suất là kích thích đầu tư, tăng tính thanh khoản và an toàn của hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng quốc doanh phải là nòng cốt trong việc giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ để hỗ trợ doanh nghiệp trong tình cảnh khó khăn hiện nay, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cứu doanh nghiệp cũng là cứu ngân hàng.

Bên cạnh giảm lãi suất cho vay cũng phải chú ý thực hiện việc miễn, giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, tăng cường xuất khẩu. Theo Thủ tướng, cần có chính sách bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia xuất khẩu và nên giao cho Ngân hàng Phát triển làm việc này. Bên cạnh đó, phải tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Chúng ta cũng phải tạo điều kiện, hỗ trợ để các doanh nghiệp nhà nước phát triển, trở thành trụ cột cho nền kinh tế và có khả năng điều tiết được thị trường và nền kinh tế trong lúc khó khăn. Tình hình thực tế hiện nay cho thấy kinh tế thị trường cũng cần có quản lý nhà nước.

Thủ tướng lưu ý: An sinh xã hội cũng phải được bảo đảm vì đây là bản chất của xã hội ta. Vì vậy, bên cạnh việc thực hiện tốt chính sách đã có, Chính phủ sẽ đưa ra bảo hiểm thất nghiệp, các địa phương phải tính toán không để hộ nào bị đói. Các địa phương phải bố trí đủ vốn và thực hiện tốt, phải thường xuyên kiểm tra; phải thấy trách nhiệm với dân; bởi hiện nay vẫn còn tình trạng có tiền nhưng không làm tốt, người dân không được thụ hưởng trong khi vốn vẫn tồn lại. Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị quyết về định hướng chính sách và cơ chế đặc thù hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại 61 huyện nghèo. Thông qua chính sách hỗ trợ nghề rừng, trồng trọt, chăn nuôi,... cả nước cố gắng giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn hiện hành từ 50% hiện nay xuống khoảng 40% vào 2010.

* Ngày 20-11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số: 33/2008/CT-TTg yêu cầu thực hiện nghiêm các chính sách tài khóa và các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra.

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: Phải bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước theo quy định. Khẩn trương xử lý, nộp và phản ánh đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước theo chế độ quy định các khoản tạm thu, tạm giữ, các khoản vay nợ, viện trợ; các khoản thuế đã được kê khai, thông báo nhưng chậm nộp; các khoản thuế ẩn lậu được thanh tra, kiểm toán phát hiện, kiến nghị. Nghiêm cấm việc để các khoản thu ngoài ngân sách nhà nước trái với quy định. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác chống gian lận thương mại, chống thất thu và kiểm soát chặt chẽ nguồn thu ngân sách nhà nước, kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động…

NHÓM PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết