09/03/2009 - 09:03

Năm 2009, đưa diện tích nuôi tôm sú lên 566.000 ha

* SÓC TRĂNG: Nông dân trông chờ có chính sách đầu tư về vốn, khoanh nợ, giãn nợ để nuôi tôm

* CÀ MAU: Hơn 2.000 ha tôm nuôi bị chết do thời tiết thất thường

Theo Cục Nuôi trồng Thủy sản (Bộ Nông nghiệp&PTNT), năm 2009, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đưa diện tích nuôi tôm sú lên 566.000 ha, tăng 27.000 ha so năm 2008, tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre.

Để bảo đảm thắng lợi, các tỉnh qui hoạch phát triển các vùng nuôi phù hợp với môi trường; hoàn thiện thêm một bước hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản nói chung và tôm sú nói riêng; tăng cường lành mạnh hóa môi trường nước bằng các biện pháp kiểm soát chất thải, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân gây ô nhiễm môi trường; siết chặt việc quản lý, kiểm soát con giống, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đưa tôm giống kém chất lượng vào nuôi; phổ biến rộng hơn kỹ thuật nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh đến tận cơ sở. Đặc biệt khuyến khích nông dân mở rộng áp dụng mô hình “nuôi tôm cộng đồng” (tất cả các thành viên trong tổ, nhóm nuôi cùng thả một loại tôm giống, ngày thả, vệ sinh ao nuôi... nên hạn chế được dịch bệnh) và mô hình “nuôi tôm sinh thái” (không thả tôm giống mật độ dày; sử dụng thức ăn tự nhiên; sử dụng ít phân hữu cơ để tạo màu trong nước nên không làm ô nhiễm môi trường...).

Thời gian qua, nuôi tôm sú trở thành một trong những ngành chủ lực, góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ĐBSCL nhưng cũng đã gây ô nhiễm môi trường cục bộ tại các vùng nuôi, gây bất lợi cho hệ sinh thái nước lợ. Tình trạng buông lỏng quản lý con giống tại ĐBSCL dẫn đến nhiều đàn tôm sú giống kém chất lượng, thậm chí nhiễm bệnh đã được nhập vào đây, dẫn đến hàng trăm ngàn ha nuôi không hiệu quả. Trong năm 2008 có 148.000 ha tôm tại đây bị chết, tập trung tại Cà Mau với 57.789 ha, Kiên Giang 40.000 ha, Sóc Trăng 28.000 ha, Bạc Liêu 19.000 ha. Tỷ lệ tôm chết từ 20 - 75% làm người nuôi thiệt hại 165 tỉ đồng. Chỉ có khoảng 45% số hộ nuôi tôm sú ở ĐBSCL có lãi, số còn lại hòa vốn hoặc lỗ.

* Vụ tôm sú mới ở Sóc Trăng đã bắt đầu. Song, sau hơn 1 tuần được phép thả nuôi, diện tích tôm sú của bà con vẫn còn rất nhỏ, chỉ khoảng trên 300 ha, trong khi cùng kỳ năm trước, toàn tỉnh đã thả nuôi được trên 8.000 ha tôm sú. Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Sóc Trăng, cho biết: dù điều đáng mừng là bà con đã tuân thủ nghiêm theo lịch thời vụ do ngành chuyên môn khuyến cáo nhưng không ít hộ trong số này chưa thả nuôi vì gặp khó khăn về vốn.

Ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã khuyến cáo bà con nuôi tôm cần bám sát mùa vụ, theo dõi môi trường nước để thả nuôi cho phù hợp, chọn con giống tốt, sạch bệnh... Với những hộ thiếu vốn, ngành sẽ phối hợp với địa phương ưu tiên vay vốn, trợ vốn để bà con tiếp tục thả nuôi, tuy nhiên, bà con cũng nên thả nuôi với mật số thưa hơn những vụ tôm trước để hạn chế đầu tư, giảm chi phí và dễ thành công hơn so với thả tôm mật số dày như những năm trước...

* Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 2.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản có tôm nuôi bị chết, chủ yếu tập trung ở các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân. Nhiều ao đầm mới thả tôm giống hai tuần thì tôm chết sạch.

Nguyên nhân, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp thì chủ yếu là do thời tiết diễn biến thất thường. Từ trước đến nay, cứ vào mùa khô như thế này thì bà con nông dân bơm nước cho sạch các ao, đầm, phơi khô đáy ao đầm rồi xử lý vôi bột, xong thì sau đó đưa nước vào thả tôm nuôi. Thế nhưng năm nay đã xuất hiện liên tục những trận mưa trái mùa, sau những cơn mưa là trời nắng nóng gay gắt làm cho nước bị xì phèn dẫn tới tôm bị chết.

Nhĩm PV TTXVN

Chia sẻ bài viết