Theo giới phân tích, các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ đang thiếu định hướng và quyết tâm chiến lược rõ ràng đối với cam kết về một trật tự dựa trên quy tắc “tự do, cởi mở và bao trùm” ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bối cảnh này khiến nhiều người lo ngại về rủi ro mới trong khu vực, đặc biệt khi Mỹ tìm cách xoa dịu căng thẳng nhằm kiểm soát “một cách có trách nhiệm” quan hệ với Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: AP
Khi nhậm chức vào tháng 1-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủng hộ nhiệt tình sáng kiến Đối thoại An ninh Bốn bên (QUAD hay còn gọi là Bộ tứ). Thái độ này được thể hiện qua việc Washington nâng các cuộc họp từ quy mô thảo luận cấp Ngoại trưởng 4 nước thành viên (Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ) lên cấp độ hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo. Cụ thể hóa bằng hành động, Nhà Trắng vào tháng 3-2021 tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm QUAD dưới hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đến tháng 9-2021, cuộc họp trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo chính thức diễn ra tại Washington. Với tư cách cơ chế tương tác trong khu vực, các hội nghị tương tự của QUAD lần lượt được tiến hành, bao gồm cuộc gặp không chính thức bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở Nhật Bản vào tháng 5-2023.
Tại sự kiện trên, các nhà lãnh đạo đã cam kết cùng nhau đối phó những thách thức mà khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang phải đối mặt. Nhưng từ thời điểm đó, các bên chưa có kế hoạch rõ ràng cho hội nghị thượng đỉnh tiếp theo. Dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Eric Garcetti, trang tin Nikkei cho biết nhiều khả năng phải đợi đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Như vậy, cuộc họp của nhóm Bộ tứ có thể không diễn ra trước đầu năm 2025 dù các thách thức an ninh khu vực ngày càng gia tăng.
Theo các nhà bình luận, chương trình nghị sự cốt lõi của QUAD tập trung vào nhiệm vụ hiện thực hóa tầm nhìn của các nước thành viên về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Điều này có nghĩa nhóm phải hành động một cách hiệu quả trong vai trò “tường thành” chống lại chủ nghĩa bành trướng, phản đối các chính sách và thực tiễn kinh tế mang tính cưỡng chế; và đảm bảo sự cân bằng quyền lực ổn định trong một khu vực gắn kết. Nhưng chỉ với 4 nền dân chủ, giới chuyên môn đánh giá QUAD có rất ít khả năng giải quyết những thách thức phổ quát. Kết quả là nhiều mục tiêu an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nhóm đôi khi bị lùi lại trước các thách thức toàn cầu. Đơn cử như cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông, hai sự kiện này đang thu hút chú ý và tiêu tốn nguồn lực của Mỹ. Trong bối cảnh đó, kịch bản xung đột với Trung Quốc chắc chắn không nằm trong tính toán của Nhà Trắng. Điều này giải thích cho các chính sách can dự của chính quyền Tổng thống Biden nhằm xoa dịu Bắc Kinh, bất chấp bối cảnh địa chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang thay đổi. Kết quả của nỗ lực ổn định quan hệ song phương là những bước đi mềm mỏng hơn của Nhà Trắng trong nhóm Bộ tứ.
Câu hỏi đặt ra là liệu chính sách “hợp tác và cùng tồn tại” như trên có mang lại lợi ích hay không. Thực tế cho thấy, tuy sẵn sàng đàm phán với Washington nhưng với kho vũ khí hạt nhân được tăng cường, Bắc Kinh tự tin họ đang có “đòn bẩy” chiến lược dựa trên vị thế sức mạnh. Trong bối cảnh này, giới quan sát cảnh báo sẽ là sai lầm nếu QUAD bị loại ra bên lề hoặc chỉ hoạt động với hình thức tượng trưng. Thay vào đó, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc nhóm Bộ tứ tập trung chú ý vào các thách thức ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tái khẳng định sứ mệnh chiến lược trong việc duy trì trật tự khu vực bởi nơi đây vẫn đóng vai trò quan trọng đối với cán cân quyền lực toàn cầu và hòa bình thế giới.
MAI QUYÊN (Tổng hợp)