06/04/2021 - 09:20

Mỹ hợp tác với Trung Quốc chống biến đổi khí hậu? 

Không một quốc gia nào có thể đơn độc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu và kế hoạch của Mỹ theo đuổi cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu hoàn toàn không phải để đối phó Trung Quốc, đặc phái viên của chính quyền Tổng thống Joe Biden về khí hậu tuyên bố.

Ông Kerry tham dự Ðối thoại Khí hậu Khu vực ở Abu Dhabi hôm 4-4. Ảnh: Internet

Cơ hội hợp tác?

Quan hệ Mỹ - Trung những năm gần đây liên tục trong trạng thái căng thẳng do mâu thuẫn về thương mại, nhân quyền, sở hữu trí tuệ, công nghệ và thị trường vốn. Màn “khẩu chiến” dữ dội của quan chức hai nước ngay tại cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên ở Alaska hồi hạ tuần tháng 3 đã phản ánh rõ bất đồng sâu sắc giữa hai đối thủ cạnh tranh chiến lược. Với tình hình này, nhiều người dự đoán biến đổi khí hậu có thể là “sàn đấu” tiếp theo trong cuộc đua quyền lực với người chiến thắng sẽ có ưu thế vượt trội trong lộ trình hướng tới sự thống trị toàn cầu.

Tuy nhiên, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry mới đây khẳng định chương trình chống biến đổi khí hậu đầy tham vọng của chính quyền Biden không được lập ra để cạnh tranh với Trung Quốc. Thay vào đó, vị cựu ngoại trưởng này hy vọng Washington có thể làm việc cùng Bắc Kinh để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Theo ông, đây là cơ hội phát triển kinh tế cho tất cả các quốc gia, đặc biệt những nước có lượng khí thải CO2 lớn nhất hiện nay là Trung Quốc và Mỹ.

Chiến lược của Mỹ

Quan điểm của Washington được đưa ra giữa lúc chính quyền Biden đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu, dự kiến diễn ra từ 22 đến 24-4 nhân Ngày Trái đất. Mỹ đã mời các nhà lãnh đạo của Diễn đàn các nền kinh tế lớn về năng lượng và khí hậu, trong đó có 17 quốc gia chịu trách nhiệm về 80% lượng khí thải và GDP toàn cầu, cũng như người đứng đầu các quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương bởi tác động khí hậu hoặc đang dẫn đầu trong việc chống lại biến đổi khí hậu.

Sự kiện này phản ánh nỗ lực của Tổng thống Biden, đặt tình trạng nóng lên toàn cầu vào trọng tâm chương trình nghị sự bên cạnh mục tiêu ứng phó COVID-19, khôi phục kinh tế và khắc phục bất bình đẳng sắc tộc. Theo thông báo từ Nhà Trắng, Washington sắp tới sẽ công bố mục tiêu cắt giảm lượng khí thải nhà kính từ 57-63% vào năm 2030 so với năm 2005 để hoàn thành nhiệm vụ “dài hơi” hơn là đưa lượng khí phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050. Ðây là một phần trong chính sách “Kinh tế xanh mới” của ông Biden, hỗ trợ sử dụng năng lượng bền vững để thúc đẩy tăng trưởng, phục vụ chiến lược tái cơ cấu kinh tế nhằm tăng năng lực cạnh với Trung Quốc. Nếu kế hoạch chi tiêu hơn 2.000 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng được thông qua, Washington dự kiến đầu tư 35 tỉ USD để tìm kiếm các giải pháp cho “những đột phá về công nghệ” nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và đưa Mỹ trở thành nước đi đầu trong lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch. Ngoài ra, chính quyền còn phân bổ 174 tỉ USD cho lĩnh vực xe điện với mục tiêu vượt lên trước Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong thị trường này.

Có thể nói, kế hoạch trên là một trong những bước đi lớn nhất của Mỹ về phát triển năng lượng tái tạo và hạn chế phát thải khí nhà kính. Nhưng nếu so với Trung Quốc những năm gần đây, Washington bị cho đang tụt lại trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch. Chiếm khoảng 30% lượng khí thải CO2 của thế giới (nhiều hơn gấp hai lần so với Mỹ), cường quốc châu Á đồng thời chi gần gấp đôi Mỹ trong đầu tư vào các hoạt động chuyển đổi năng lượng giai đoạn 2010-2020. Còn theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, ngân sách cho nghiên cứu và phát triển của nước này năm ngoái đã vượt xa Mỹ khi tăng 10,3% lên 378 tỉ USD.

MAI QUYÊN (Theo CNBC)

Chia sẻ bài viết