19/07/2020 - 07:30

Mượn con 

Truyện ngắn: Hoàng Khánh Duy

Chị Hường trở dạ hồi sáng sớm, tới xế trưa thì chị sinh con trai. Dì Là dặn con Mai coi nhà, còn dì xuống mé sông mở dây xuồng bơi qua nhà thăm chị. Dì Là ngồi trên giường ngó chị Hường rồi thằng nhỏ một lúc, chợt thấy buồn rười rượi. Chị Hường hỏi, dì Là cười như mếu, nói chị Hường muốn sinh mấy đứa cũng được, còn dì Là chỉ cần một đứa thôi cũng không được. Phải mà dì Là sinh được, chắc sinh cả đàn nuôi cho đã. Dì thèm cảm giác nằm than, cảm giác tay bồng tay bế…

Chị Hường cười nhẹ nhàng: “Dì cũng có con Mai mà, nói vậy nó nghe được, tội nó!”. Dì Là tự nhiên thấy thương thương tội tội, muốn rút lại câu nói vừa rồi, sợ làm con Mai tổn thương. Mai nó tưởng dì Là là mẹ ruột, cũng mang nó trong bụng chín tháng mười ngày rồi sinh nó ra như chị Hường sinh con. Hôm thấy chị Hường ôm cái bụng tròn ủm xuống mé sông múc nước, Mai đứng bên này sông hỏi hồi đó mẹ có bầu con, cái bụng mẹ có tròn vậy không. Nghe vậy, dì Là chạy ra sau nhà ôm mặt khóc. Câu hỏi thơ ngây của Mai đã khơi dậy trong dì nỗi đau sau bao nhiêu năm vẫn còn âm ỉ. Bên tai dì vẫn vang lên câu nói của mẹ chồng: “Ðàn bà lấy chồng có mỗi chuyện đẻ con cũng không xong thì còn làm được tích sự gì nữa?”.

*   *   *

Dì Là thường có cảm giác lạ lẫm mỗi khi ôm Mai vào lòng. Ðang ôm đó, tự dưng dì khựng lại khiến nó giật mình. Rồi dì Là lại xót xa. Mai ngây ngô nhìn mẹ. Ðôi mắt con bé thoáng buồn, nhưng Mai nào tưởng tượng được trăm mối cảm xúc trong lòng dì Là. Người ta, như chị Hường, có con thì vui, gương mặt rạng rỡ hẳn lên. Còn dì Là có con sao lòng thêm chất chồng nỗi niềm. Những lúc ngồi dưới mé sông nhìn cụm lục bình mẹ đeo cụm lục bình con một bên cùng trôi trên dòng sông quê nhà, dì Là thoáng nghĩ mình cũng như cụm lục bình mẹ, còn Mai là cụm lục bình con. Không biết chừng nào, nhưng nhất định hai cụm lục bình sẽ tách rời khỏi nhau khi gặp quãng sông dập dìu sóng.

Hàng xóm khen Mai càng lớn càng giống dì Là. Nghe vậy, dì còn buồn hơn. Chẳng thà người ta đừng khen, chứ khen chi để dì Là xốn xang hỏi lòng: Không biết người ta khen thật hay đùa. Mà thật hay đùa thì cũng làm dì đau như lúc dì ngồi chẻ tre vót đũa ngoài sau nhà, thanh tre ghim vô tay đau điếng, tươm máu. Tệ nhất là lúc ông xã dì về thăm nhà, kêu hai má con sửa soạn đẹp đẽ rồi chở đi tiệc tùng bằng ô tô, gặp ông nọ bà kia, váy áo xúng xính. Ông xã dì giới thiệu với đồng nghiệp này là bà xã, này là con gái rượu.

Mãi đến bây giờ dì Là cũng không hiểu tại sao hồi đó chồng dì yêu rồi lấy dì làm vợ, rất mực bảo vệ dì trước gia đình. Người ta nói dì Là lấy được chồng như chuột sa hũ nếp. Hồi đó mẹ chồng dì phản đối kịch liệt, vì dì là dân quê, cả mấy đời gắn bó ruộng vườn. Quãng thời gian dì Là làm dâu kể ra hệt như tiểu thuyết, cải lương. Mẹ chồng dì có chút của nên không coi ai ra gì, bắt dì làm việc nọ việc kia quần quật suốt ngày. Người ta nói làm dâu nhà giàu không sướng gì, quả không sai. Nhưng bao nhiêu chuyện bà mắng nhiếc cho đã cái miệng rồi sẽ quên, duy chỉ mỗi chuyện con cái là bà cứ nhắc từ ngày đến đêm, từ nhà trên xuống nhà bếp… mà bụng dì Là vẫn chưa chịu hoài thai.

Dì cũng muốn có con lắm chứ. Có con thì dì sẽ được mẹ chồng thương chút đỉnh. Chồng dì cũng thèm con lắm rồi, nhưng thấy vợ không mang thai được thì cũng không ép. Dì Là biết tình yêu mà chồng dành cho dì còn nhiều hơn chuyện con cái gấp bội phần. Chồng dì bàn đến chuyện xin con nuôi thì mẹ chồng gạt phắt. Dì Là cũng không đồng ý. Mẹ chồng làm khó dì, đưa ra hai điều kiện: một là sinh con, hai là cuốn gói ra khỏi nhà để bà cưới vợ khác cho con trai, để có cháu nối dõi. Dì Là khóc đến sưng mắt. Lúc đó chồng dì kề cận, nói dù giá nào cũng nắm tay dì bước qua mọi sóng gió. Cách nào cũng được, nhẫn tâm cũng được, miễn là được sống với dì. Chồng nói một câu mà dì Là nghe mát ruột: “Chỉ có vợ mới là người sống đời với mình, chia ngọt sẻ bùi cùng mình…”. Câu nói đó khiến dì Là đẩy túi quần áo đã xếp gọn xuống sàn, thôi không đi nữa. Dì không muốn phụ mất một tấm chân tình.

*   *   *

Một ngày chồng dì Là đi tỉnh về, háo hức báo với gia đình dì Là vừa đậu thai. Trong thời gian mang thai, chồng dì Là thường lấy ô tô đưa dì ra tỉnh thăm khám. Ðến khi sắp tới ngày trở dạ thì xin mẹ đưa dì Là ra tỉnh thuê khách sạn ở vài ngày trước khi sinh, để an tâm vững dạ mẹ tròn con vuông. Mẹ chồng dì đồng ý vì cháu.

Ngày dì Là xuất viện, mẹ chồng ra tận tỉnh đón cháu. Tuy dì Là không sinh được con trai, nhưng dẫu sao thì bà cũng có cháu. Ðứa đầu là con gái. Ðứa thứ hai sẽ là con trai. Ðứa thứ ba, thứ bốn… bà ngồi lẩm bẩm tính. Nhìn dì Là, bà cười. Chưa bao giờ dì Là thấy mẹ chồng cười hiền lành với mình như thế.

Nhưng giấy không gói được lửa. Cuối cùng cái hợp đồng sinh nở trong ngăn tủ cũng bị mẹ chồng phát hiện ra trong một buổi chiều dọn nhà. Chưa lần nào bà tức giận vậy. Trong hợp đồng ghi rành rành thời điểm mang thai và sinh nở, địa điểm giao con cùng mức chi phí mà chồng dì Là chi trả để nhận được con. Tất cả khớp với thời điểm dì Là mang thai, sinh ra Mai.

Mẹ chồng không đuổi dì Là ra khỏi nhà, nhưng dì tự biết mình sẽ phải rời khỏi nhà cùng Mai. Chồng dì mua đất ở một xóm nhỏ, phía trước có dòng sông đổ ra biển lớn. Dì Là ở đó với Mai, còn ông xã dì vẫn làm việc trên huyện, mỗi tuần bốn, năm lần về thăm dì Là với con. Lúc nào rảnh là chồng dì về, đậu xe bên kia sông rồi dì Là với Mai bơi xuồng qua rước.

Có lần nằm bên chồng, dì Là thủ thỉ, giọng buồn, nếu ông xã dì chuốt thêm mấy câu nữa chắc dì cũng khóc sướt mướt y như lúc dì xem tuồng cải lương: “Hay là vợ chồng mình trả con Mai cho người ta đi anh. Làm vậy em thấy tội quá”. Chồng nhìn dì, hôn lên trán dì một cái rõ kêu rồi nói: “Vợ chồng mình nuôi con lớn chừng này rồi, mến tay mến chưn, sao mà trả được? Không có công sinh cũng có công dưỡng”. Dì Là lặng im. Một nỗi hờn tủi len qua từng tế bào, từng mạch xúc cảm của người phụ nữ hiếm muộn.

Dì nhớ cái lần ngồi viết hợp đồng, nhìn người phụ nữ kia viết chữ không chạy, sai từa lưa, tóc tai bời bời… tự nhiên dì Là không kềm được nước mắt. Cực chẳng đã người ta mới bán con cho người khác. Ở cuối hợp đồng, có viết một câu mà mỗi lần dì Là đọc lại thì khóc, khóc thành tiếng, khóc đến ướt đầm cả gối: “Tôi xin hứa mãi mãi không gặp lại con, không để nó biết tôi là mẹ ruột của nó”. Viết câu đó đau lắm chớ. Không đau sao được, một người đã dứt ruột đẻ con ra mà không thể nuôi con lớn khôn thành người, không dám nhận mặt con, không thể ôm hôn hay chở che cho con. Cái cảnh sinh con ra mà nằm than một mình trên giường, không có con bên cạnh, cái bình sữa cạn ráo để trên đầu giường... nó đau thấu tâm can. Còn dì Là, không sinh đẻ vẫn nằm than cùng Mai, giả bộ nhét bông gòn vô lỗ tai… cũng đau không kém gì. Chồng dì Là đã đưa dì chạy chỗ này, chỗ kia chữa bệnh hiếm muộn vì bác sĩ bảo rành rành là do dì.

Một buổi chiều dì Là ôm Mai ngồi trước nhà tết tóc cho con, thi thoảng nhìn về phía sông. Dì Là bỗng thấy bóng chồng đang đứng phía bên kia bờ, cạnh bên là một người đàn bà dáng nhỏ xíu, khúm núm, đầu đội nón lá xùm xụp. Tay dì run run mà không hiểu vì sao. Hai mẹ con xuống xuồng bơi sang bờ bên kia như những lần trước, mà ruột gan dì Là nóng như lửa đốt. Khi xuồng cập bến, dì Là nhận ra ngay người đã bán con cho dì mấy năm về trước. Người đàn bà vì thương nhớ con nên tìm gặp chồng dì, xin được ở đợ để được gần con. Gặp dì Là, bỗng dưng người đàn bà quỳ sụp xuống đất trước mặt Mai. Dì Là biểu Mai xuống mũi xuồng để không nghe được câu chuyện mà người lớn sắp nói.

Những tiếng xin lỗi cứ được người đàn bà lặp đi lặp lại, đôi mắt sâu trũng ẩn chứa nhiều điều chỉ dì Là mới thấu. Cùng là phận đàn bà với nhau nên dì dễ mủi lòng. Dì Là đỡ người đàn bà đứng dậy. Dì không trách người ta thất hứa, bởi điều thiêng liêng nhất trên cuộc đời này là tình mẫu tử. Dì đã biết mình sẽ phải làm gì. Dì chỉ thiếu một đứa con máu mủ ruột rà chứ có thiếu thứ gì? Còn người đàn bà thiếu tất cả, ngay cả cái nón lá còn rách nham ở mép, chẳng lẽ có mỗi đứa con duy nhất, dì cũng nhẫn tâm cướp đi?

Ngoài sông, sóng bời bời sóng. Chiếc xuồng nhỏ đưa vợ chồng dì Là, Mai và người đàn bà xa lạ kia sang sông. Về nhà dì. Ngôi nhà ấy sẽ là chỗ dựa cho những phận đời mong manh, sẽ nối lại sợi dây mẫu tử đứt quãng mấy năm trời. Dì hiểu rằng để sống hạnh phúc thì chẳng những nghĩ cho mình mà còn nghĩ cho những người khác nữa…

Chia sẻ bài viết