25/11/2008 - 20:25

Thị trường điện máy cuối năm 2008

Mùa kinh doanh đầy khó khăn

Những năm trước, từ tháng 10 dương lịch trở đi là thời điểm chính thức khởi động mùa kinh doanh điện máy cuối năm với hàng loạt chương trình bán hàng, khuyến mãi kèm theo chiến dịch quảng cáo rầm rộ của nhà bán lẻ và các hãng sản xuất. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục biến động theo chiều hướng tăng, người tiêu dùng có tâm lý tiết kiệm các khoản chi tiêu, nên thị trường điện máy cuối năm 2008 được dự báo là kém sôi động hơn trước. Ngoài ra, tất cả nhà sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng… dường như đang thăm dò, chờ đợi một cuộc thay đổi lớn có thể diễn ra đối với thị trường bán lẻ trong nước kể từ đầu năm 2009.

* THỊ TRƯỜNG TRẦM LẮNG

Theo nhận định của giới kinh doanh điện máy ở TP Cần Thơ, hàng năm, mùa kinh doanh điện máy cuối năm bắt đầu sôi động từ tháng 10 trở đi. Thông thường, mùa Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán là 3 thời điểm sức tiêu thụ mặt hàng điện máy tăng mạnh. Doanh số bán hàng có thể gấp 4-5 lần so với những tháng kinh doanh thấp điểm. Trong đó, nhóm sản phẩm được tiêu thụ mạnh nhất là máy quay phim, chụp ảnh kỹ thuật số phục vụ cho nhu cầu tham quan du lịch cuối năm và nhóm ti-vi, dàn karaoke cho nhu cầu giải trí trong gia đình. Trong năm, giá bán các mặt hàng này liên tục giảm mạnh, nhiều chương trình khuyến mãi của các nhà bán lẻ cũng được tung ra dồn dập, nhất là máy quay phim, chụp hình kỹ thuật số và tivi màn hình tinh thể lỏng (LCD) để “hâm nóng” thị trường. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mùa Noel đang đến gần và chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng thị trường điện máy ở TP Cần Thơ lại khá trầm lắng, trái với quy luật hàng năm.

Khách hàng chọn mua máy ảnh kỹ thuật số tại Trung tâm Điện máy Best Carings Cần Thơ. 

Một trong những nguyên nhân tác động đến sức tiêu thụ của mặt hàng điện tử, điện máy cuối năm là do trong năm, chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng cao, thu nhập bị giảm sút, nên người tiêu dùng đang có xu hướng tiết kiệm chi tiêu ở những khoản chi chưa thực sự cần thiết. Ngoài ra, đến thời điểm này, nhiều hãng sản xuất cũng chưa đưa ra được kế hoạch cụ thể cho mùa kinh doanh cao điểm cuối năm khi Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2009 đang đến gần. Năm nay, thị trường có nhiều tác động từ phía khó khăn của người tiêu dùng và chính sách mở cửa thị trường bán lẻ, nên dường như không chỉ có nhà sản xuất, lắp ráp điện tử mà ngay cả các nhà bán lẻ trong nước đang tỏ ra thận trọng để thăm dò thị trường trước dự báo về áp lực cạnh tranh thị phần trong thời gian tới sẽ gay gắt hơn.

Hiện tại, thị trường tivi bóng đèn chiếu, đầu đĩa, loa, ampli... đang bão hòa. Giá tivi LCD mặc dù đã giảm mạnh nhưng giá bán vẫn còn cao, nên lượng khách hàng đổ dồn đến các siêu thị, trung tâm điện máy ở nội ô thành phố mua hàng những ngày cuối tuần chưa nhiều, chủ yếu là để xem, khảo sát giá. Ngoài ra, một trong những lý do được các cửa hàng điện máy cho biết là hầu hết các hãng, nhà phân phối chưa đưa ra chính sách khuyến mãi dành cho khách hàng, tỷ lệ chiết khấu hoa hồng cụ thể cho các đại lý. Một số hãng điện tử lớn đã ngừng sản xuất, lắp ráp tivi bóng đèn chiếu, tập trung chạy đua mở rộng thị phần nhóm mặt hàng tivi LCD, nên đang cân nhắc lại kế hoạch kinh doanh cụ thể cho những tháng cuối năm.

Theo ông Đoàn Anh Dũng, Bộ phận Bán hàng và Tiếp thị Công ty Sony Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, Công ty Sony Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho kế hoạch chuyển đổi sang công ty 100% vốn nước ngoài là Công ty TNHH Sony Electronics Việt Nam chính thức từ đầu tháng 12. Do đó, dự kiến từ đầu tháng tới công ty này mới công bố chương trình bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2009 và chính sách bán hàng dành cho các đại lý. Ngay từ đầu tháng 10-2008, Sony Việt Nam đã ngừng sản xuất tivi bóng đèn chiếu và chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc mặt hàng chủ lực là tivi LCD. Tại thị trường miền Tây, giá bán các dòng tivi của các thương hiệu có tiếng trên thị trường liên tục giảm mạnh nhưng sức tiêu thụ dòng sản phẩm này cũng chưa nhiều. Khi thị trường chính thức mở cửa hoàn toàn từ đầu năm 2009, giá tivi LCD có thể sẽ còn giảm mạnh. Do đó, hầu hết các đại lý đang có xu hướng hạn chế dự trữ hàng để chờ đợi diễn biến mới nhất của thị trường trong thời gian tới. Để chuẩn bị cho mùa kinh doanh cuối năm, Sony Electronics Việt Nam sắp tung ra thị trường 22 mẫu tivi LCD thế hệ mới. Trong đó, 9 mẫu có giá bán chỉ dao động từ 6,9-15,9 triệu đồng/cái.

* CHỜ ĐỢI THỊ TRƯỜNG “MỞ CỬA”

Theo ông Lê Hồng Xuân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tiếp thị Bến Thành, hiện nay, nhiều cửa hàng điện máy trong cả nước đã bắt đầu khởi động mùa mua sắm cuối năm. Các chương trình khuyến mãi, giảm giá được áp dụng cho nhiều sản phẩm khác nhau. Trong đó, nhóm mặt hàng điện tử như tivi LCD, máy quay phim, chụp hình kỹ thuật số... được dự báo sẽ có giá bán giảm nhiều nhất. Sở dĩ các trung tâm điện máy có thể bán hàng với mức giá giảm mạnh như vậy một phần là nhờ sự hỗ trợ của chính các nhà sản xuất khi bản thân họ cũng có nhu cầu “dọn kho”, bán hết các mặt hàng bỏ mẫu để chuẩn bị kế hoạch sản xuất cho những dòng sản phẩm mới nhất. Mặt hàng tivi LCD do tốc độ giảm giá linh kiện lắp ráp quá nhanh (giá thành bộ linh kiện giảm xuống chỉ còn chưa đến 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái), nên giá tivi LCD cũng giảm mạnh. Tivi LCD thuộc dòng sản phẩm công nghệ mới đương nhiên phải giảm giá nhanh khi nhà sản xuất, lắp ráp đã thu hồi đủ vốn và các khoản chi phí nghiên cứu ban đầu. Mặc dù đang chiếm được thị hiếu của người tiêu dùng (năm 2007, sức tiêu thụ của nhóm sản phẩm này tăng đến 300%) nhưng giá tivi LCD trong nước thời gian tới sẽ có xu hướng tiếp tục giảm giá.

Người tiêu dùng ngày càng có nhiều yêu cầu, đòi hỏi khắt khe, có nhiều sự lựa chọn hơn khi mua bất kỳ sản phẩm điện tử điện máy nào trong khi có thêm nhiều nhà bán lẻ chen chân vào thị trường thì việc giảm giá cũng là một cách để giữ chân khách hàng. Khi đời sống không ngừng được nâng cao thì nhu cầu tiêu dùng của người dân theo đó cũng gia tăng. Các sản phẩm tivi LCD với mẫu mã đa dạng, chất lượng cao và giá cả hợp lý sẽ là ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng, nhất là khi giá thành mặt hàng này không chênh lệch nhiều so với loại tivi truyền thống. Đặc biệt, ở các đô thị lớn, mỗi gia đình không chỉ sử dụng 1 tivi như trước đây mà còn có xu hướng gia tăng để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của mọi thành viên trong gia đình. Chính vì thế, trong một tương lai không xa, tivi LCD sẽ chiếm thị phần ngày càng lớn.

Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mức thuế nhập khẩu các sản phẩm điện tử cũng giảm đi đáng kể, nên hàng nhập khẩu đã có cơ hội tràn vào Việt Nam. Thuế nhập khẩu giờ đây không còn là rào cản lớn thì đương nhiên giá bán của hầu hết các mặt hàng điện tử tại Việt Nam sẽ nhanh chóng tiếp cận được với thế giới. Đặc biệt, khi thị trường bán lẻ được mở cửa hoàn toàn từ đầu năm 2009, hàng hóa sẽ “theo chân” các đại gia nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam với tốc độ rất nhanh. Khi các tập đoàn bán lẻ lớn vào Việt Nam, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi rất nhiều bởi giá bán rẻ, dịch vụ chuyên nghiệp và hàng hóa luôn luôn cập nhật, phong phú từ khắp mọi nơi trên thế giới... Bên cạnh đó dịch vụ chăm sóc khách hàng của các siêu thị lớn cũng ngày càng tốt, chuyên nghiệp hơn và liên tục có các chương trình khuyến mãi, giảm giá mà các cửa hàng nhỏ lẻ không thể có được. Tuy nhiên, các tập đoàn bán lẻ lớn khi đầu tư 100% vốn vào Việt Nam muốn mở siêu thị phải xin cấp phép cho riêng siêu thị đó, nên cũng chưa thể hoạt động ngay trong khoảng thời gian ngắn. Nếu liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam thì không cần phải xin phép với từng siêu thị, nhưng chỉ được giữ tỷ lệ vốn góp nhất định. Chính vì vậy, các tập đoàn nước ngoài thâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam muốn phát triển nhanh cũng không phải là chuyện dễ dàng.

Bài, ảnh: TRIỀU DÂNG

Chia sẻ bài viết