27/02/2021 - 20:56

Một góc nhìn khác về Ấn Độ 

“The White Tiger” đang được chiếu trên Netflix, thu hút sự chú ý của giới phê bình và người yêu điện ảnh Ấn Ðộ, vì tác phẩm mang đến một cái nhìn khác về xã hội Ấn Ðộ và ngành công nghiệp điện ảnh Bollywood. Phim góp phần cho thấy Bollywood đang có những chuyển đổi mạnh mẽ...

Cảnh phim “The White Tiger”.

“The White Tiger” dựa trên cuốn sách cùng tên của tác giả người Ấn Ðộ Aravind Adiga, từng chiến thắng giải thưởng văn học Man Booker năm 2008. Ðó là một câu chuyện được viết từ những chất liệu đời thường của nhiều tầng lớp trong xã hội Ấn Ðộ đương đại. “The White Tiger” đặc biệt vì không giống bất kỳ phim nào trước đó của Bollywood phát trên Netflix, vốn có nhiều phim nổi tiếng như “The Party”, “A Passage to India”… đều có sự can thiệp của Hollywood, hay điện ảnh Anh quốc. Những phim trước đây có cốt truyện mang màu sắc về Ấn Ðộ, nhưng diễn viên lại đến từ Mỹ, Anh. Còn “The White Tiger” có sự thay đổi đáng ghi nhận khi dàn diễn viên và hầu hết người trong đoàn phim đều là người Ấn Ðộ. Ramin Bahrani, đạo diễn của “The White Tiger”, cho biết: “Lần đầu tiên trên trường quay, tất cả mọi người xung quanh đều giống tôi, cùng màu da và tiếng nói. Ðây là điều trước giờ chưa từng xảy ra”. Ramin Bahrani cho rằng có nhiều phim phát trên các nền tảng toàn cầu khai thác về văn hóa, con người Ấn Ðộ, nhưng thông thường các diễn viên không hoàn toàn là người bản địa. “The White Tiger” thì khác, không chỉ sử dụng diễn viên bản địa mà còn được quay và sản xuất ở Mumbai.

Có không ít ngôi sao, diễn viên tài năng người Ấn Ðộ từng được điện ảnh Hollywood hay Anh quốc trọng dụng, trong đó có thể kể đến Chopra Jonas, Irffan Khan, Deepika Padukone, Anil Kapoor, Aishwarya Rai Bachchan, Amitabh Bachchan… Họ từng góp mặt trong các tác phẩm danh tiếng: “Life of Pi”, “Slumdog Millionaire”, “The Great Gatsby”… Tuy nhiên, không phải lúc nào nhân vật họ thể hiện cũng là người Ấn Ðộ và có khi đó chỉ là vai diễn thoáng qua vài giây. Nhà phê bình Baradwaj Rangan cho rằng: “Gandhi là phim duy nhất trước đây sử dụng nhiều diễn viên và kỹ thuật viên Ấn Ðộ dù đó là tác phẩm của Anh quốc. Tuy nhiên, điều đó cho thấy đã có một sự thay đổi”.

Giáo sư nghiên cứu truyền thông Aswin Punathambekar nói rằng Anh luôn đi trước Mỹ trong việc sử dụng, lựa chọn diễn viên Ấn Ðộ. Cụ thể, Giáo sư chỉ ra rằng trong chương trình truyền hình nổi tiếng của Anh là “The Great British Bake Off” đều có những thí sinh là người Ấn Ðộ và họ còn là những người chiến thắng; hay những diễn viên Archie Panjabi, Sanjeev Bhaskar đều đóng những vai là nhân vật người Ấn Ðộ. Thực tế, điện ảnh Anh cũng đã có sự hợp tác cùng Ấn Ðộ, với những thành công của “The Householder”, “Shakespeare Wallah”... Hiện nay, những ngôi sao gốc Ấn như: Padma Lakshmi, Mindy Kaling đều có sức ảnh hưởng nhất định với những thế hệ diễn viên tài năng. Họ đã góp phần vào sự phát triển của điện ảnh quốc tế nói chung và ngành điện ảnh Ấn Ðộ nói riêng.

Sự thay đổi cũng làm các nền điện ảnh khác có cái nhìn khác về Bollywood, mà đi đầu là Hollywood. Tuy nhiên, nhà phê bình Baradwaj Rangan cho rằng điều này không hẳn có tác động tốt, bởi: “Hollywood luôn tiếp nhận thế giới bên ngoài họ một cách kỳ lạ”, mà bằng chứng là những tác phẩm của Hollywood về Ấn Ðộ đều theo xu hướng rất kỳ lạ. Ví như “Indianna Jones and Temple of Doom” lấy bối cảnh ở Ấn Ðộ nhưng thực tế lại quay ở Sri Lanka, với cái nhìn phiến diện về văn hóa, về những người ăn rắn và não khỉ; hay như “Eat, Pray, Love”, “The Best Exotic Marigold Hotel” thể hiện những góc nhìn vô vị về văn hóa, con người Ấn Ðộ.

Tuy nhiên, “Slumdog Millionaire” lại là bước ngoặt, với một góc nhìn chân thực về xã hội Ấn Ðộ. Doanh thu kỷ lục và cả giải thưởng Oscar cho thấy sự thành công của “Slumdog Millionaire” với những chất liệu thực và chú trọng sử dụng nguồn tài nguyên Ấn Ðộ, mà cụ thể ở là dàn diễn viên bản địa. Với những nhân vật chính là người Ấn, “Slumdog Millionaire” đã mở ra một cánh cửa mới cho sự kết nối giữa Hollywood và Bollywood. Nó tạo điều kiện cho những câu chuyện Ấn Ðộ với những con người nói giọng Nam Á lên ngôi, cũng đồng thời tạo ra thế hệ ngôi sao: Kaling, Aziz Ansari, Hasan Minhaj.

Mặc dù có sự thay đổi và thành công, nhưng giáo sư Aswin Punathambekar vẫn cho rằng ngành điện ảnh Ấn Ðộ còn khoảng cách khá xa so với phương Tây. Bởi lẽ Hollywood chỉ đang xem Ấn Ðộ là nguồn cung cấp nội dung và diễn viên. Bước tiến của ngành điện ảnh Ấn Ðộ trong thời gian qua chính là trở thành địa điểm sản xuất và phân phối - một thị trường có giá trị lớn, chỉ đứng sau Trung Quốc. Tuy nhiên, Aswin Punathambekar cho rằng “Slumdog Millionaire”, “The White Tiger” được chú ý và tạo sức ảnh hưởng lớn bởi lẽ đó đều là những phim chuyển thể từ những sách viết bằng tiếng Anh tiếp cận được khán giả quốc tế. Cho nên để những câu chuyện của Ấn Ðộ đến được toàn cầu, phải có sự thay đổi cách thức tiếp cận. Trong đó, Netflix đang là phương thức để điện ảnh Ấn Ðộ tiếp cận được khán giả toàn cầu, bởi nền tảng này đang sử dụng nhiều nội dung bản địa hơn.

BẢO LAM (Tổng hợp từ BBC, Variety, Guardian)

Chia sẻ bài viết