28/08/2008 - 21:54

Đê biển ở Tiền Giang - Trà Vinh

Mong manh giữa mùa mưa lũ

Trong khi mùa mưa lũ đang về, hiện nay, nhiều tuyến đê biển xung yếu ở ĐBSCL đang trong tình trạng xuống cấp và bị sạt lở nghiêm trọng đe dọa đến sự an toàn tính mạng, tài sản và vùng sản xuất của nhân dân. Tháng 8-2008, chúng tôi có mặt tại tuyến đê biển Tiền Giang và Trà Vinh.

Dân ven đê biển thấp thỏm ngày đêm

Tháng 8-2008, chúng tôi có mặt tại đê biển Hiệp Thạnh (xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Sóng biển “ngoạm vào bờ đất” làm xói lở hàng chục mét. Nước biển tràn vào tàn phá rất dữ dội khiến hàng chục cây dương bị cuốn bật gốc, nằm trơ trọi. Hàng rọ đá được gia cố chân thân đê bị sóng biển xé rách toạc, quăng những hòn đá to đi xa hơn chục mét. Con đê trở nên rất mong manh, nhiều đoạn mặt đê còn rộng chưa đầy 2m. Chú Tư Quân có phần đất ngay tại đoạn đê sạt lở hoàn toàn, nói: “Mùa chướng năm ngoái, chỉ trong một con nước lớn, đã cuốn trôi đoạn đê 30m này, nước tràn vào rẫy hoa màu của dân. Thấy vậy, huyện cho xe cạp đất gia cố. Một đống đất cao ngồn ngộn vậy mà đêm sau sóng đánh không tìm ra dấu tích...”.

Không chỉ đến bây giờ mới xảy ra cảnh sạt lở, mà từ trước Tết Nguyên đán Mậu Tý, tuyến đê biển Hiệp Thạnh đã bị sạt lở một đoạn dài 120m, lấn sâu vào thân đê khoảng 4-5m và làm gãy ngã hơn 200 cây phi lao 10 năm tuổi... Nguyên nhân do ảnh hưởng gió chướng, triều cường dâng cao. Ngay sau đó, huyện Duyên Hải đã đầu tư 30 triệu đồng duy tu lại tuyến đê. Nhưng, từ ngày 5 đến 10-3-2008, sóng to kết hợp với triều cường dâng cao đã làm đoạn đê dài khoảng 500m tại ấp Bào, xã Hiệp Thạnh bị sạt lở nhiều đoạn, trong đó có đoạn dài 100m bị sạt lở hoàn toàn... nước biển lấn sâu vào đất canh tác của dân.

Đoạn đê xung yếu với chiều dài gần 3 km (nằm giữa xã Tân Thành và Tân Điền, thuộc hệ thống đê biển Gò Công) không còn dải rừng phòng hộ che chắn, rất nguy hiểm khi mưa bão. 

Theo lời kể những người dân cố cựu, trước đây, rừng Hiệp Thạnh có diện tích khá lớn nên tạo ra “tấm lá chắn” bảo vệ đê biển, nhưng từ khi rừng bị tàn phá đê biển càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết... Cứ mỗi mùa chướng, mùa mưa lũ là nguy cơ vỡ đê lại “treo” trên đầu ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Trước đây, tỉnh Trà Vinh xuất ngân sách 1,5 tỉ đồng thi công, gia cố khẩn cấp 500m tuyến đê xung yếu (trong 1,2km tuyến đê biển có nguy cơ sạt lở) bằng hàng trăm tấn đá với rọ lưới bao bọc. Thế nhưng, chỉ mới 2 mùa gió chướng, triều cường sóng biển đã cuốn trôi tất cả. Chị Nguyễn Thị The sống mấy chục năm ở đây cho biết: “Trước năm 1997, ngoài thân đê là hàng dương dài ra biển 100-200m, người dân còn cất nhà ở. Xa hơn là 3-4 động cát dài 400-500m mới tới nước biển. Nhưng nay nước đã cuốn gần đứt con đê, sát vách nhà tôi. Mấy hôm nước lớn, trời mưa gió là gia đình, con cháu không dám ngủ vì sợ nhà trôi. Nếu Nhà nước không gia cố đê bao kịp trước mùa chướng thì chúng tôi phải tự dời nhà...”.

Ông Lê Văn Nhớ, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, cho biết: “Tình hình sạt lở đê biển Hiệp Thạnh đang nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Tuyến đê dài 2 km, mặt đê rộng hơn 5m, được xây dựng từ năm 1997, bảo vệ gần 1.000 hộ dân và 2.200 ha đất sản xuất nhưng giờ đang bị nước biển tàn phá trơ trọi. Năm 2005 và 2007 trước tình hình sạt lở ngày một nhiều, tỉnh Trà Vinh đã 2 lần cho gia cố đê bằng rọ đá, bảo vệ phía ngoài nhưng đến nay, sóng biển đã phá vỡ các rọ đá, gây xói lở thân đê. Trước tình hình này, người dân địa phương rất lo lắng và không dám đầu tư làm ăn, sản xuất quy mô lớn.

Để tìm giải pháp căn cơ cho tuyến đê biển Hiệp Thạnh, UBND tỉnh Trà Vinh đã xây dựng dự án kiên cố tuyến đê biển phòng hộ với kinh phí hàng chục tỉ đồng, nhưng đến nay việc dự án chừng nào mới bắt tay vào thi công thì vẫn chưa có câu trả lời chính thức. Trong khi đó, người dân ở Hiệp Thạnh bày tỏ tâm trạng lo lắng việc sửa chữa chậm thì chỉ cần một trận bão hoặc triều cường bất thường thì toàn bộ diện tích tự nhiên của xã sẽ chìm trong biển nước. Còn không thì vào mùa gió chướng sắp tới nhiều khả năng nước biển sẽ tràn vào đồng ruộng và nhà của dân gây thiệt hại rất lớn.

Khôi phục rừng phòng hộ che đê

Tại Tiền Giang, tuyến đê biển của tỉnh chủ yếu thuộc địa bàn huyện Gò Công Đông. Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, Gò Công Đông có 43.612km đê cửa sông và đê biển với dải rừng phòng hộ dày mỏng khác nhau và biến động mạnh theo thời gian. Trong đó 21km đê biển trực tiếp với biển Đông kéo dài từ cửa Tiểu đến cửa Soài Rạp (qua địa phận các xã Tân Thành, Tân Điền, Kiểng Phước đến Vàm Láng). Tuyến đê biển này từ hàng chục năm nay là tuyến xung yếu nhất của tỉnh, buộc phải lăn đê nhiều lần, bờ biển bị xâm thực hàng trăm mét. Sau cơn bão số 5 (Linda tháng 11-1997), Nhà nước đã đầu tư hoàn chỉnh 43.612km đê cửa sông, đê biển nhằm đạt tiêu chuẩn đê đồng bằng cấp III về cao trình, mặt cắt đê và gia cố các đoạn xung yếu.

Ông Phạm Tấn Dũng, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, cho biết: Trong tổng số 21 km đê biển, thì hiện đoạn đê xung yếu nhất hiện nay là từ k28+070 đến k30+930 với chiều dài gần 3km, nằm giữa Tân Thành và Tân Điền. Đoạn đê này tuy được lát mái bằng các cục bê-tông tự chèn TSC với các giếng (ống cống bê-tông lèn chặt đá hộc) bảo vệ chân, nhưng do không còn đai rừng bảo vệ nên sóng vỗ trực tiếp vào chân đê gây sạt lở nhiều lần nhất là các dịp triều cường và tác động của bão (cơn bão số 5 “Linda” tháng 11-1997 và cơn bão số 9 “Durian” tháng 12-2006). Cũng theo ông Dũng, đoạn đê xung yếu nói trên là nơi rất nguy cấp vì rừng phòng hộ hầu như không còn, những cố gắng trồng lại rừng vẫn chưa thành công.

Một vấn đề gây bức xúc trong việc bảo vệ hệ thống đê biển là việc diện tích rừng phòng hộ đê biển Gò Công bị thu hẹp bởi các nguyên nhân: khai thác quá mức, phá rừng làm ao cá vuông tôm hoặc ruộng muối, một thời gian dài buông lỏng quản lý, thiếu quy hoạch và đầu tư tu bổ, trồng mới và mở rộng rừng. Cách nay khoảng 31 năm, dải rừng phòng hộ có chiều dày trung bình gần 500m, nhưng nay chỉ còn chưa đầy 150m, thậm chí gần 3 km thuộc phạm vi phía ngoài đoạn đê xung yếu, rừng đã mất trắng! Rừng phòng hộ ven biển Gò Công hiện còn trên 1.600 ha, chủ yếu các loại cây đước, mắm, bần, dừa nước... Trong đó, có 350 ha giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ an toàn cho 21 km đê biển đảm bảo ngăn chặn xâm nhập mặn, lấy ngọt tiêu úng, phòng chống thiên tai, chống biển lấn do ảnh hưởng bão, nước biển dâng, lũ, triều cường nhằm bảo vệ, phát triển đời sống, sản xuất cho khu vực ngọt hóa.

Theo báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, bờ biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang dài 1.590km, nhiều đê biển chưa đủ khả năng phòng chống thiên tai, khi chịu triều cường và bão thường gây thiệt hại lớn. Số liệu thống kê các năm qua cho thấy, dải ven biển Đông từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến mũi Cà Mau khá ổn định, nhưng nhiều nơi cũng bị xói lở làm thảm rừng ngập mặn nhiều nơi bị thu hẹp dần.
Bộ NN&PTNT đang hoàn tất dự án nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang bao gồm 15 tỉnh, thành phố, với thời gian thực hiện được chia làm 2 giai đoạn (từ nay đến 2015 và từ 2015 đến 2020) với tổng kinh phí gần 11.000 tỉ đồng. Dự án nhằm củng cố, chống sự xuống cấp, chống vỡ của các tuyến đê hiện hữu và nâng cấp các công trình phụ trợ (trồng rừng ngập mặn trước đê, lắp cống…), xây dựng đường giao thông nối đê biển để phục vụ việc đi lại và có thể cứu hộ kịp thời.

Theo đánh giá của ngành chức năng Tiền Giang, rừng phòng hộ đã xuống cấp dưới mức rừng có thể tự phát triển, giữ được bản sắc tự nhiên và việc tự phục hồi không còn khả năng. Do đó, cần đầu tư xây dựng trồng mới để hồi phục đai rừng bảo vệ cho hệ thống đê, tài sản và tính mạng của nhân dân trong khu vực.

Tháng 3-2008, Hội Thủy lợi TP Hồ Chí Minh và các ngành chức năng của Tiền Giang đã hoàn tất đề tài nghiên cứu “Bảo vệ đê biển và khôi phục rừng ngập mặn Gò Công” sau gần 2 năm triển khai. Đây là đề tài nhằm làm rõ những cơ sở ban đầu để khôi phục và phát triển dải rừng phòng hộ cùng bảo vệ tuyến đê biển và lấn biển ở những chỗ có điều kiện. Tuy nhiên, đấy là công việc đòi hỏi tính lâu dài, cần thời gian, còn trước mắt, trong năm 2008, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông đã chủ trì lập báo cáo kinh tế kỹ thuật để tỉnh phê duyệt công trình “Trồng rừng phòng hộ ven biển huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông” với mục tiêu trồng mới mở rộng đai rừng phòng hộ ven bãi bồi, khôi phục lại đai rừng đã suy thoái... với tổng diện tích 144 ha. Qua đó nâng cao khả năng, chống sự xâm thực của sóng biển, nước biển dâng do bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng vào các tuyến đê trên địa bàn huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Ngoài ra, còn có 1.059 ha rừng phòng hộ được tiến hành giao khoán kinh phí quản lý bảo vệ rừng và 27 ha rừng trồng năm 2006 tại xã Kiểng Phước. Tổng chi phí cho các hạng mục nói trên vào khoảng 1,72 tỉ đồng.

Bài, ảnh: PHƯƠNG TỬ NGHI

Chia sẻ bài viết