17/12/2018 - 14:49

Mối quan hệ và sự chuyển hóa giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống

Phân biệt an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống trong từng trường hợp cụ thể nhiều khi cũng chỉ mang tính tương đối. Trong từng vấn đề cụ thể chúng có thể đan cài và chuyển hóa lẫn nhau.

Chunh quanh vấn đề an ninh phi truyền thống

An ninh phi truyền thống là khái niệm xuất hiện khá lâu sau an ninh truyền thống. Cùng với sự phát triển của thời đại, sự uy hiếp an ninh không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực quân sự, chính trị mà ngày càng mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là một khái niệm về một trạng thái an ninh khác với an ninh truyền thống, nó phản ánh sự thay đổi nhận thức của con người về an ninh và sự mở rộng nội hàm khái niệm an ninh truyền thống. An ninh phi truyền thống không chỉ bó hẹp trong bảo vệ chủ quyền quốc gia mà còn bao gồm bảo vệ con người, môi trường sống, kinh tế, văn hóa… Từ đó có thể thấy, an ninh phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia do những mối uy hiếp, đe dọa của các nhân tố bên trong và bên ngoài đối với môi trường sinh tồn và phát triển của cộng đồng xã hội mỗi quốc gia trong mối quan hệ chặt chẽ với khu vực và thế giới.

Tại Mỹ và các nước phương Tây, từ sau Chiến tranh lạnh với sự phát triển của các lý thuyết triết học cùng với hoàn cảnh cụ thể về sự chuyển biến của khu vực cũng như thế giới như học thuyết về quyền lực mềm, quyền lực cứng, quyền lực thông minh được vận dụng để phát triển chính thức thành học thuyết cho an ninh quốc gia. Trong bối cảnh tranh chấp quốc tế, chủ nghĩa khủng bố diễn biến phức tạp, thiên tai và các sự kiện gây thiệt hại môi trường nghiêm trọng diễn ra trên phạm vi toàn cầu, từ đó các nhà nghiên cứu cho rằng khái niệm an ninh truyền thống trước đây còn bó hẹp. Năm 1983, giới nghiên cứu Mỹ và phương Tây bắt đầu thảo luận về an ninh phi truyền thống, an ninh phi quân sự. Học giả Mỹ Richard H. Ullman, thành viên Ban Biên tập tờ New York Time, Giáo sư ngành quan hệ quốc tế được xem là người đầu tiên đưa ra khái niệm về an ninh phi truyền thống một cách ngắn gọn, ông đã đề cập tới tầm quan trọng của uy hiếp phi quân sự trên cơ sở đó, đưa các vấn đề đói nghèo, dịch bệnh, thiên tai, suy thoái môi trường vào phạm trù an ninh(1). Tuy nhiên, trước đó, từ những năm 60 của thế kỷ XX, Hedley Bull trong một nghiên cứu về an ninh đã chỉ ra chiến lược và an ninh là 2 vấn đề mang tính cốt lõi, ông cũng chỉ ra rằng các quốc gia cần hợp tác với nhau trong việc đối phó với các vấn đề an ninh, từ đó làm sáng tỏ những ràng buộc mang tính quy phạm của trật tự quốc tế và việc hoạch định chính sách(2). Còn Barry Buzan lại có cách tiếp cận an ninh phi truyền thống dựa trên việc phân tích các đặc trưng, tính chất của an ninh truyền thống. Trong bài viết: “Luận bàn về an ninh phi truyền thống”của mình tại hội nghị quốc tế về an ninh phi truyền thống do Đại học Triết Giang Trung Quốc tổ chức từ ngày 18 đến 20-9-2009, Barry Buzan chỉ ra 5 vấn đề cơ bản của an ninh truyền thống từ đó tách biệt và khẳng định an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống hoàn toàn không có sự trùng lắp với nhau.

Tại Liên hợp quốc, trước năm 1970, các văn kiện của Liên hợp quốc chủ yếu tập trung vào các vấn đề an ninh truyền thống nhưng từ sau những năm 1970 đã bắt đầu nhấn mạnh đến những vấn đề mới xuất hiện có ảnh hưởng tới an ninh. Đến những năm 80 của thế kỷ XX, Liên hợp quốc bắt đầu nhìn nhận các vấn đề môi trường, lương thực, nhân quyền, kinh tế… dưới góc độ an ninh và đưa ra các thuật ngữ như an ninh môi trường, an ninh kinh tế… Bước sang những năm 90 của thế kỷ XX, Liên hợp quốc tiếp tục chỉ ra, an ninh quốc tế không chỉ giới hạn trong ý nghĩa truyền thống của nó mà còn bao gồm những hàm nghĩa an ninh mới xuất hiện. Cách hiểu này dựa trên cơ sở phát triển và mở rộng phạm vi, sức ảnh hưởng, đối tượng tác động của an ninh truyền thống. Năm 1994, trong Báo cáo “Phát triển con người” Liên hợp quốc đã định nghĩa an ninh con người là “sự an toàn của con người trước những mối đe dọa kinh niên như nghèo đói, bệnh tật và đàn áp, và những sự cố bất ngờ, bất lợi trong đời sống hằng ngày”. Báo cáo cũng đưa ra 7 nội dung chủ yếu của an ninh con người gồm: an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị. Mặc dù đã chỉ ra được những vấn đề thuộc về an ninh phi truyền thống nhưng Liên hợp quốc vẫn chưa đưa ra được một khái niệm chung nhất về an ninh phi truyền thống.

Tại Trung Quốc, từ sau sự kiện ngày 11-9-2001, giới nghiên cứu Trung Quốc bắt đầu dành nhiều quan tâm tới các vấn đề an ninh phi truyền thống đang diễn ra trong chính nội tại Trung Quốc và trên thế giới. Giới học giả Trung Quốc đã đưa ra nhiều khái niệm về an ninh phi truyền thống dựa trên các cách tiếp cận khác nhau, tuy nhiên vẫn chưa hình thành được một khái niệm được công nhận phổ biến. Có thể quy các khái niệm an ninh phi truyền thống thành 4 loại chủ yếu sau: Thứ nhất, tiếp cận theo phương pháp mang tính loại trừ, tức là coi những vấn đề nằm ngoài an ninh truyền thống là vấn đề an ninh phi truyền thống. Đây là cách tiếp cận đơn giản nhất. Thứ hai, tiếp cận theo phương pháp liệt kê. Một số học giả như Trương Quân Xã đã khái quát vấn đề thuộc về an ninh phi truyền thống bao gồm: “Chủ nghĩa khủng bố, cướp biển, buôn bán ma túy, di dân phi pháp, dịch bệnh, rửa tiền, xung đột dân tộc và tôn giáo, cạn kiệt tài nguyên”(3)… Thứ ba, tiếp cận theo phương pháp phân loại yếu tố như hành vi và lĩnh vực. Theo đó, có thể chia an ninh phi truyền thống thành 3 loại là: 1) các vấn đề an ninh khác ngoài lĩnh vực chính trị, quân sự xảy ra giữa chủ thể hành vi là quốc gia như vấn đề chế tài kinh tế, xuất khẩu vũ khí phi pháp; 2) vấn đề xảy ra giữa chủ thể hành vi quốc gia và chủ thể hành vi phi quốc gia như chủ nghĩa khủng bố, ly khai dân tộc; 3) vấn đề xảy ra giữa chủ thể hành vi quốc gia với giới tự nhiên như vấn đề môi trường, suy thoái, bệnh truyền nhiễm(4). Thứ tư, là định nghĩa theo cách gián tiếp. Một số học giả như Chu Phong lại không trực tiếp định nghĩa an ninh phi truyền thống mà chỉ chỉ ra một số đặc tính khi cho rằng trong lý luận và thực tiễn an ninh phi truyền thống không nhất thiết loại trừ an ninh truyền thống, cũng không thể thay thế an ninh truyền thống. Mặt khác, ông cho rằng “xác định khái niệm an ninh phi truyền thống là bởi vì nó đã đề ra và xây dựng lĩnh vực vấn đề khác với nghiên cứu an ninh trước đây và đã phát triển thành phương pháp nghiên cứu và lý luận mang tính giải thích khác. Bản thân khái niệm an ninh truyền thống ra đời do đã có an ninh phi truyền thống”(5).

Tại Việt Nam, các học giả cũng đưa ra một số cách tiếp cận đối với vấn đề an ninh phi truyền thống nhưng tựu chung có thể chia thành hai trường phái. Trường phái thứ nhất, quan niệm an ninh phi truyền thống là an ninh tổng hợp bao gồm an ninh quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường. Theo các học giả, an ninh phi truyền thống không đối lập với an ninh truyền thống mà là mở rộng nội hàm của khái niệm an ninh truyền thống. Còn trường phái thứ hai, quan niệm an ninh phi truyền thống đối lập với an ninh truyền thống, không bao hàm an ninh quân sự. Quan niệm này xuất phát từ mối tương quan, so sánh với an ninh truyền thống. “Trường phái thứ hai rõ ràng hơn về mặt ngữ nghĩa, nhưng cũng thừa nhận, các vấn đề an ninh phi truyền thống có thể dẫn tới xung đột, chiến tranh. Ở Việt Nam, quan điểm chính thống và quan niệm của hầu hết các học giả theo cách tiếp cận của trường phái thứ hai, tức quan niệm an ninh phi truyền thống là đối lập với an ninh truyền thống, bao gồm các lĩnh vực an ninh ngoài quân sự, phi vũ trang”(6). 

Có thể thấy dù ở cấp độ các tổ chức quốc tế, khu vực hay quốc gia thì khái niệm về an ninh phi truyền thống vẫn chưa có được sự thống nhất chung trên thế giới, khu vực hay chính nội tại mỗi quốc gia. Thậm chí việc chỉ ra những vấn đề, nhóm vấn đề nào thuộc về an ninh phi truyền thống cũng có sự khác biệt và chưa đồng nhất giữa các tổ chức, quốc gia. Nguyên nhân có thể chỉ ra ở đây là do việc khu biệt các vấn đề an ninh phi truyền thống ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ có liên quan tới lợi ích, nhu cầu của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ. Các quốc gia và khu vực thường từ quan niệm lợi ích của mình để đưa ra các khái niệm nhằm tạo lợi thế cạch tranh, đem lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc. 

Mối quan hệ và sự chuyển hóa giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống

An ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống là hai mặt của khái niệm an ninh toàn diện, chính vì vậy để chỉ ra sự chuyển hóa mối quan hệ giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống cần dựa vào tính chất của an ninh phi truyền thống, mà ở đây bao gồm 4 tính chất cụ thể sau:

Tính toàn cầu

Nếu như các vấn đề an ninh truyền thống được nhìn nhận dưới góc độ cấp quốc gia hoặc nhóm các quốc gia thì các vấn đề an ninh phi truyền thống lại được nhìn nhận không chỉ ở riêng một hay một nhóm các quốc gia mà nó liên quan tới lợi ích của toàn cầu. 

Đầu tiên, có thể thấy các vấn đề thuộc về an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, khủng hoảng tài chính, chủ nghĩa khủng bổ… đều là những vấn đề có tầm ảnh hưởng rộng, tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt và không có quốc gia nào được loại trừ. Thứ hai, các vấn đề an ninh phi truyền thống có tính khuếch tán rộng, ví dụ như khủng hoảng tài chính năm 2007 mới đầu diễn ra tại Mỹ với sự sụp đổ của hàng loạt hệ thống ngân hàng, tuy nhiên sau đó đã lan ra toàn thế giới và hậu quả của nó rất khó để kiểm soát. Thứ ba, những nhân tố, yếu tố, chủ thể của an ninh phi truyền thống như tổ chức khủng bố, an ninh mạng… nằm rải khắp và có mạng lưới trên toàn thế giới.

Tính đa dạng

Cùng với sự phát triển và toàn cầu hóa, các vấn đề an ninh phi truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều. Trong Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống năm 2002 đã liệt kê các vấn đề an ninh phi truyền thống gồm: buôn lậu, ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, cướp biển, khủng bố, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm, kinh tế quốc tế và tội phạm công nghệ cao.
Từ góc độ an ninh quốc gia, có thể chia an ninh phi truyền thống thành các nhóm vấn đề sau: an ninh chính trị, an ninh quân sự, an ninh xã hội, an ninh kinh tế, an ninh tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh sinh thái.

Từ tính chất đe dọa và đối tượng bị đe dọa, an ninh phi truyền thống được chia thành 5 loại chính gồm: vấn đề an ninh liên quan đến sự phát triển bền vững; mối đe dọa, uy hiếp đến từ sự ổn định an ninh khu vực và quốc tế; tổ chức tội phạm xuyên quốc gia; tổ chức tồn tại ngoài nhà nước thách thức trật tự an ninh quốc tế; vấn đề an ninh gây ra bởi sự phát triển công nghệ và toàn cầu hóa.

Tính bộc phát

Các mối đe dọa đến từ an ninh truyền thống chủ yếu thông qua các mâu thuẫn lợi ích dẫn tới chiến tranh vũ trang. Những mối đe dọa này hoàn toàn có thể được kiểm soát và hạn chế mức độ nghiêm trọng với sự chủ động từ cả hai phía. Thời gian và cách thức diễn ra của các mối đe dọa đến từ an ninh truyền thống cũng có diễn biến tuần tự và thường không diễn ra một cách chớp nhoáng. Tuy nhiên các mối đe dọa đến từ an ninh phi truyền thống lại bùng nổ nhanh chóng, diễn ra đột ngột, khó kiểm soát, thiếu dấu hiệu rõ ràng. Ví dụ như các vụ khủng bố diễn ra trên toàn cầu đều xảy ra và không hề được phòng bị. Hoặc như đại dịch AIDS những năm 1980, bệnh bò điên, lở mồm long móng hay gần đây là bệnh SARS đều diễn biến rất nhanh và khi được nhận thức thì nó đã gây hậu quả nghiêm trọng. 

Tính chuyển hóa

Mặc dù an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống là hai mặt của khái niệm an ninh nhưng chúng lại có quan hệ đan xen với nhau, trong một số điều kiện chúng ta không thể phủ định khả năng chuyển hóa giữa mối quan hệ an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống được đan xen, tương tác và có thể biến đổi lẫn nhau trong những điều kiện nhất định. Thứ nhất, nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống là hậu quả trực tiếp của các vấn đề an ninh truyền thống. Chẳng hạn như vấn đề người tị nạn do chiến tranh, thiệt hại về môi trường và các vấn đề ô nhiễm. Thứ hai, một số vấn đề an ninh truyền thống có thể phát triển thành các vấn đề an ninh phi truyền thống. Ví dụ, sự hình thành của chủ nghĩa khủng bố liên quan chặt chẽ đến các vấn đề an ninh truyền thống như tâm lý đấu tranh gây ra bởi chủ nghĩa bá quyền, xung đột và bởi các vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, và những vấn đề lịch sử hình thành bởi mâu thuẫn dân tộc và tôn giáo. Thứ ba, một số vấn đề an ninh phi truyền thống cũng có thể gây ra mâu thuẫn và xung đột trong an ninh truyền thống. Nếu các tổ chức khủng bố tìm kiếm các phương tiện công nghệ cao như hạt nhân và hóa sinh, nó sẽ liên quan đến sự gia tăng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Sự tương tác giữa các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống tưởng như biệt lập, nhưng khi xét tới nguyên nhân, sự hình thành, thì chúng lại có quan hệ tương hỗ lẫn nhau, bởi có cái này mà có cái kia và ngược lại.

Bản thân trong chính các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng có sự chuyển hóa. Chẳng hạn, như bệnh AIDS vốn là đại dịch thế kỷ, là một trong những sự uy hiếp của an ninh phi truyền thống thế nhưng khi y học phát triển và tìm được cách điều trị thì nó lại không còn là mối đe dọa tới sự sinh tồn và phát triển của con người nữa.

An ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đều nằm trong nhóm các vấn đề an ninh, là hai mặt của khái niệm an ninh toàn diện. Vì vậy, an ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống cùng tác động đến xây dựng chiến lược an ninh quốc gia,... bảo đảm ổn định và phát triển của quốc gia. Tuy nhiên, “an ninh truyền thống nhấn mạnh tới việc sử dụng các biện pháp quân sự để chống lại sự tấn công bằng quân sự nhằm uy hiếp, xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”(7). An ninh phi truyền thống sử dụng các biện pháp phi vũ lực để phòng chống những uy hiếp có nguồn gốc phi quân sự liên quan đến sự phát triển của con người và môi trường sống. 

Về chủ thể, an ninh truyền thống có thể xác định được rõ ràng nhưng an ninh phi truyền thống thì có vấn đề xác định được nhưng có vấn đề lại không xác định được. An ninh truyền thống là sự xung đột giữa quân đội các nhà nước còn các mối đe dọa an ninh phi truyền thống thường do các tác nhân tự nhiên hoặc do các tổ chức ngoài nhà nước, nhóm người hoặc cá nhân tiến hành.

Về đối tượng đe dọa xâm phạm, với an ninh truyền thống đó chính là chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc còn với an ninh phi truyền thống là sự tồn tại, phát triển bền vững của con người, xã hội, môi trường sống… Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống uy hiếp trực tiếp đến cá nhân con người hoặc cộng đồng, quốc gia - dân tộc; còn an ninh truyền thống uy hiếp trực tiếp đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia - dân tộc, uy hiếp an ninh quốc gia.

Về không gian và phạm vi của mối đe dọa, an ninh truyền thống chủ yếu diễn ra giữa hai quốc gia, nhóm liên minh các quốc gia còn an ninh phi truyền thống có thể xuất phát từ nội tại một hoặc nhiều quốc gia sau đó có thể lan tỏa ảnh hưởng tới cả khu vực và thậm chí toàn thế giới./.
---------------------------------------------------------

(1) Richard H. Ullman, “Redefining Security”, International Security, Vol. 8, No. 1, 1983, pp. 129-153
(2) Strategic Studies and its Critics, World Politics, Vol. 20, No. 4 (July 1968), p. 605
(3) Trương Quân Xã: Hợp tác ứng phó với uy hiếp an ninh phi truyền thống, trích từ phân hội quân sự quốc tế, Hội khoa học quân sự Trung Quốc, Hợp tác an ninh quốc tế và an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nxb. Khoa học quân sự, năm 2010, tr.416
(4) Lý Thiểu Quân: Bàn về chính trị học quốc tế, Nxb. Nhân dân Thượng hải, năm 2009, tr. 182
(5) Chu Phong: Luận giải về an ninh phi truyền thống, Tạp chí Khoa học xã hội Trung Quốc, số 4-2004, tr.146
(6) GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, PGS, TS. Phạm Thành Dung, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn: An ninh phi truyền thống những vấn đề lý thuyết và thực tiễn, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, năm 2018, tr. 45
(7) Nguyễn Thị Phương Hoa: Một số vấn đề an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới Việt - Trung, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2018, tr.30

Theo Tạp chí Cộng sản

Chia sẻ bài viết