23/05/2010 - 07:55

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Mở mũi du lịch ra biển

Theo các chuyên gia, tiềm năng ngành du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn rất lớn, nhưng thiếu liên kết trong phát triển du lịch và sản phẩm du lịch còn đơn điệu làm cho tiềm năng không được phát huy đúng mức. Với những lợi thế về sông, biển, du lịch sinh thái ở ĐBSCL sẽ có điều kiện phát triển từ những lợi thế này. Trong đó, du lịch hướng ra biển Tây là một lợi thế lớn cho ngành du lịch của vùng, không chỉ phát triển tuyến lữ hành nội địa, du lịch vùng này còn có thể mở rộng sang Campuchia và Thái Lan. Đây là cơ hội tốt để quảng bá và phát triển tất cả các loại hình du lịch phong phú của đồng bằng trên bản đồ du lịch thế giới...

TIỀM LỰC BIỂN TÂY

Biển Tây được đánh giá là vùng đất đầy triển vọng cho ngành du lịch. Thời gian qua, Thái Lan đã khai thác rất thành công, mà điển hình là Phuket trở thành điểm đến nổi tiếng thế giới. Du lịch biển trở thành một chiến lược phát triển quan trọng của ngành du lịch nhằm tận dụng các cảnh quan và sinh thái vùng ven biển để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân bản địa và nguồn thu cho ngân sách. Tỉnh Kiên Giang ở ven biển phía Tây Nam được biết đến với nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như: Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương... Đảo Phú Quốc sau nhiều năm phát triển hiện nay trở thành điểm đến trong lựa chọn của nhiều du khách quốc tế. Ngày 5-5-2010, website của hãng thông tấn CNN gọi Phú Quốc là Phuket của Việt Nam và đưa hòn đảo này vào danh sách 4 điểm du lịch đầy hứa hẹn của châu Á.

Cũng trong tháng 5-2010, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đến năm 2030 với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái biển chất lượng cao, hài hòa kinh tế và bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ môi trường... Theo quy hoạch này, Phú Quốc phát triển cấu trúc không gian theo trục Bắc-Nam, trục vòng quanh đảo... kết nối với hệ thống cảng quốc tế An Thới, Bãi Đất Đỏ và sân bay quốc tế Dương Tơ. Dự kiến, đến năm 2020, Phú Quốc đón khoảng 2-3 triệu lượt khách/năm và tăng lên 5-7 triệu lượt khách/năm vào năm 2030. Theo kết quả từ nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Cần Thơ, Phú Quốc là điểm đến rất hấp dẫn trong mắt du khách bởi tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, thích hợp cho các loại hình du lịch, gồm: nghỉ dưỡng, tham quan, giải trí, sinh thái, thể thao, mạo hiểm, nghiên cứu, khám phá... Hiện nay, tài nguyên thiên nhiên Phú Quốc được khai thác theo hướng bền vững, giữ nguyên giá trị tự nhiên. Ngoài ra, yếu tố thời tiết mát mẻ của vùng khí hậu nhiệt đới với thời gian hoạt động du lịch kéo dài 200-250 ngày/năm rất lý tưởng để thu hút khách quốc tế, nhất là khách đến từ vùng khí hậu ôn đới. Đây là những lợi thế lớn để Phú Quốc cạnh tranh với các điểm du lịch sinh thái khác trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, tạo sự lựa chọn phong phú cho du khách...

Phú Quốc trở  thành một trong 10 điểm đến lý tưởng nhất ở châu Á năm 2010 do trang du lịch TripAdvisor bình chọn. Ảnh chụp tại Bãi Sao, Phú Quốc. 

Kiên Giang đã và đang mở ra thế đột phá lấn biển, khai thác tiềm năng biển. Đồng thời, tận dụng lợi thế biên giới giáp với Campuchia, Thái Lan trên biển và đường bộ. Từ Kiên Giang có thể lưu thông dễ dàng bằng cả 2 tuyến đường thủy và bộ sang thành phố Kép và Cảng Kompongsom (Vương quốc Campuchia), Trat và Chanthaburi (Vương quốc Thái Lan)... Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch quốc tế. Đầu năm 2006, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo ngành du lịch và các ngành chức năng tổ chức khảo sát tuyến du lịch bằng tàu cao tốc từ tỉnh này đến các tỉnh ven biển của hai nước bạn, nhằm mở mũi phát triển du lịch cho khu vực. Cuối năm 2009, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cũng đã có chuyến khảo sát tương tự để nghiên cứu, phát triển tuyến du lịch này. Theo kế hoạch, năm 2012, sân bay Quốc tế Dương Tơ sẽ đưa vào hoạt động trở thành điểm tiếp nhận khách quốc tế cho khu vực. Với vị trí và điều kiện thuận lợi cả ba đường giao thông (hàng không, hàng hải và đường bộ), các chuyên gia nhận định Kiên Giang sẽ là điểm đến, trung chuyển, điểm kết nối du lịch giữa ĐBSCL đưa và đón du khách trong, ngoài nước, đặc biệt là du khách đến từ Thái Lan, Campuchia. Các chuyên gia đề xuất, giải pháp xây dựng khu tam giác du lịch tiểu vùng sông Mê-Kông giữa ba nước Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, tạo sức thu hút đối với các du khách đến từ vòng cung du lịch Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam...

LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN

Liên kết trong nước và quốc tế trở thành xu thế chung để cùng phát triển. Theo Tổng cục Du lịch, thời gian qua việc liên kết du lịch giữa ba nước còn nhiều bất cập, các nước chưa thành lập được ban quản lý chung về du lịch. Mỗi nước hiện vẫn hoạt động theo hình thức “tự quản” trên lãnh thổ của riêng mình chứ chưa có sự phối hợp thống nhất. Vấn đề liên kết du lịch biển Tây đã được đặt ra nhiều năm nay, nhưng chưa có những chuyển biến tích cực. Thống kê của ngành du lịch Kiên Giang cho thấy, 56% khách quốc tế đến tỉnh là Việt kiều, nhưng phần lớn lại đi theo nhóm gia đình, bạn bè. Trong khi Campuchia và Thái Lan lại có lượng khách quốc tế rất lớn, còn ĐBSCL lại không thu hút được lượng khách này. Hiện nay, Thái Lan đang có tham vọng trở thành “thủ phủ du lịch Châu Á” khi lượng khách quốc tế đến đây chiếm cao nhất so với các nước trong châu lục. Tham vọng này phù hợp với tiềm lực và lợi thế sẵn có của Thái Lan. Theo so sánh của các chuyên gia du lịch và doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, ĐBSCL có lợi thế để cạnh tranh với du lịch Thái Lan về điều kiện tự nhiên, địa hình sông nước... Đặc biệt là vùng biển Phú Quốc được xếp vào danh sách các vùng biển hiếm hoi còn giữ được nét hoang sơ trên thế giới. Theo đánh giá của du khách, Phú Quốc không thua gì Bali hay Phuket về thiên nhiên. Giới chuyên gia cho rằng, ĐBSCL nên phát triển du lịch theo hướng sinh thái, giữ nguyên vẻ hoang sơ vốn có của thiên nhiên. Mọi công trình hạ tầng đều phải được xây dựng hài hòa, tôn trọng cảnh quan, môi trường sinh thái. Đó là điều du khách cần trong xu hướng du lịch hiện nay so với phát triển nhà cao tầng với những kiến trúc hiện đại...

Việc liên kết du lịch ĐBSCL với Campuchia và Thái Lan được đánh giá là rất khả quan, mở hướng phát triển mới cho ngành du lịch vùng. Nếu có những chủ trương, chính sách và kế hoạch hỗ trợ kịp thời thì những thành quả đạt được từ tuyến du lịch này sẽ còn lớn hơn rất nhiều so với hiện nay. Để liên kết phát triển tam giác du lịch tiểu vùng sông Mê-Kông, ngành du lịch Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng, cần tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa và cùng thống nhất kế hoạch quảng bá, thỏa thuận giá để thu hút du khách. Ngành du lịch ba nước phối hợp tổ chức quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, thành lập website chung, thiết kế brochure chung để giảm chi phí tạo hiệu quả cao trong công tác tiếp thị. Du lịch ĐBSCL phải có đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp trong các lĩnh vực nghiệp vụ du thuyền, khách sạn, khu (nhà) nghỉ dưỡng, phục vụ, hướng dẫn bơi, lặn biển...

Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng, quan điểm chủ đạo xuyên suốt đối với phát triển du lịch vùng ĐBSCL là đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn có đóng góp thực sự quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước, góp phần tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đồng thời, nâng cao vị thế ngành du lịch trên cơ sở khai thác có hiệu quả, bền vững những lợi thế về vị trí, tài nguyên của vùng. Căn cứ vào tiềm năng, nguồn lực phát triển du lịch của ĐBSCL cũng như thực trạng các sản phẩm du lịch khác của nước ta, du lịch ĐBSCL có thể được phát triển dựa trên 3 định hướng chủ yếu là: Phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, cảnh quan sông nước; du lịch văn hóa, lễ hội - làng nghề truyền thống; du lịch biển đảo chất lượng cao.

Bài, ảnh: T.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết