11/09/2024 - 10:43

Mô hình làm giàu từ cây dừa sáp 

Cách đây 20 năm, ông Thạch Chanh (ngụ huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) đã chuyển từ trồng lúa sang trồng dừa sáp trên diện tích 4 công (4.000m2). Ðến nay, diện tích này tăng lên 70 công đất chuyên canh dừa sáp. Ðược vậy, không chỉ nhờ vào sự chăm chỉ trong canh tác mà còn do trái dừa sáp mang lại giá trị kinh tế cao…

Ông Thạch Cộng lúc nào cũng cười tươi bởi thu nhập từ vườn dừa mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng.

Một trái dừa sáp bằng chục dừa khô

Huyện Cầu Kè được xem là thủ phủ của cây dừa sáp, với diện tích 1.145ha, sản lượng trung bình hằng năm của huyện trên 3 triệu trái. Với giá bán cao hơn nhiều lần so với dừa thường nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân, cải thiện đáng kể thu nhập của hơn 2.000 hộ trồng dừa sáp huyện Cầu Kè, trong đó hộ đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 70%.

Ông Thạch Chanh (ấp Chông Nô 2, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè) là một trong nhiều lão nông vươn lên khá giàu nhờ vào cây dừa sáp, cho biết: Trước đây, với 4 công đất trồng lúa nhưng làm mãi vẫn thiếu cái ăn, cái mặc, có lúc chạy sang hàng xóm mượn gạo để ăn. Tuy nhiên, sau 3 năm chuyển từ đất lúa sang trồng dừa sáp, đợt trái đầu tiên bán được giá 35.000-45.000 đồng/trái, thu về trên 100 triệu đồng.

Ông Thạch Chanh chia sẻ và nói trong vui sướng “thấy vậy nên tôi bắt đầu sang nhượng thêm 1 công đất để mở rộng diện tích. Nhờ giá trị kinh tế cao từ trái dừa sáp nên vài năm tôi lại sang thêm vài công đất. Ðến nay cũng trên 70 công đất chuyên canh dừa sáp”.

Thấy anh trai Thạch Chanh canh tác hiệu quả, ông Thạch Cộng cũng chuyển sang trồng dừa sáp, hiện diện tích đất canh tác của ông cũng đã tăng đến 7ha diện tích. Tuy thành công như hôm nay ông cũng không ít lần băn khoăn trong những ngày đầu xuống giống dừa sáp nguyên bản, bởi “nhận không ít lời bàn tán ra vào về sự dại dột của mình, vì chưa có nhiều người trồng loại dừa này.

Có người khuyên ông nên chặt dừa sáp để trồng dừa thường vì thương lái ít thu mua, nhưng ông kiên quyết giữ vườn dừa sáp”. Theo thời gian, ông đã chứng minh cho mọi người thấy được rằng “Một trái dừa sáp bằng chục trái dừa khô. Khi giá trị trái dừa sáp vừa được biết rộng rãi, giá bán đã vọt lên gấp 10 lần dừa thường. Nhờ vậy năm nào tôi cũng thu lãi lớn”, ông Cộng cho hay và chỉ cho chúng tôi căn nhà khang trang, cho đến những vật dụng trong nhà cũng đều nhờ vào vườn dừa sáp.

Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dừa sáp Hòa Tân (huyện Cầu Kè) Phó Thục Hân hay trêu rằng: “Tuy chú Thạch Cộng đã 67 tuổi, nhưng thoạt nhìn trẻ hơn 10 tuổi. Bởi lúc nào cũng cười thật tươi, tháng nào thu nhập cũng trên 20 triệu đồng từ vườn dừa sáp”.

Theo bà Hân, trái dừa sáp có giá trị đặc biệt cao và ổn định. Nếu giá dừa thường có lúc xuống còn 3.000 đồng mỗi trái và rất khó bán, nhưng giá dừa sáp loại 1 luôn dao động ở mức 100.000 đồng/trái và hút hàng. Hiện HTX thực hiện thu mua dừa sáp của người dân trên địa bàn, qua đó giúp nông dân tiêu thụ trên 2 triệu trái dừa sáp mỗi năm, giúp bà con nâng cao thu nhập, vươn lên khá giàu, bà Hân cho hay.

Bà Hân thông tin thêm: “Trong khi năm 2005 diện tích chỉ 43ha diện tích toàn tỉnh thì nay tăng lên đáng kể 1.277ha diện tích toàn tỉnh, trong đó tập trung nhiều nhất tại huyện Cầu Kè, còn lại rải rác ở các huyện Trà Cú, Càng Long, Tiểu Cần, TP Trà Vinh”.

Mở rộng vùng trồng, nâng cao chuỗi giá trị

Theo bà Hân, cách đây 100 năm, cây dừa sáp đầu tiên được hoà thượng Thạch Sô mang từ Campuchia về trồng trên vùng đất Cầu Kè. Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù của địa phương nên cây dừa cho trái sáp và đã trở thành một đặc sản chỉ có riêng ở Cầu Kè và các huyện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Về hình thức, không khác gì trái dừa bình thường nhưng bên trong lớp cơm dừa sáp dày, mềm, dẻo chiếm gần hết trái với một ít nước dừa đặc.

Tuy nhiên, để dừa sáp và các sản phẩm chế biến từ dừa sáp được nâng cao giá trị, có thị trường tiêu thụ bền vững trong nước và quốc tế, Phó Giám đốc Vicosap (tỉnh Trà Vinh) Lâm Ngọc Tú đề nghị cần có thêm các chính sách thiết thực hơn trong thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, tạo liên kết để phát triển bền vững chuỗi sản phẩm dừa và dừa sáp; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dừa; đặc biệt là phát triển vùng nguyên liệu dừa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ gắn với nhà máy chế biến của các doanh nghiệp và thị trường mục tiêu.

Thương lái đến tận vườn thu hoạch dừa sáp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng cho biết, chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022-2025, tỉnh sẽ phát triển thêm khoảng 550ha dừa sáp đặc sản. Tỉnh đề ra những định hướng để xây dựng thương hiệu dừa sáp Trà Vinh, trong đó áp dụng công nghệ giống tiên tiến, đặc biệt là giống dừa cấy phôi, cấy mô có tỷ lệ sáp cao, nhằm cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm. Ðặc biệt là mở rộng diện tích trồng dừa sáp để tạo ra nguồn nguyên liệu phong phú, đủ sức cung cấp cho nhiều thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, quy hoạch, đầu tư hạ tầng vùng trồng, mở rộng canh tác, sản xuất theo hướng hữu cơ, cũng như hỗ trợ xây dựng các cơ sở thu mua và chế biến tại địa phương để giảm chi phí vận chuyển và nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết: Tháng 8-2012, dừa sáp Cầu Kè chính thức được đưa vào danh sách 1 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam (theo Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam). Cục Sở hữu trí tuệ vừa cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, sản phẩm dừa sáp Trà Vinh. Từ dừa sáp, tỉnh có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao; 7 sản phẩm đạt OCOP 4 sao; 3 sản phẩm đạt OCOP tiềm năng 5 sao gồm: kẹo dừa sáp nguyên chất, kẹo dừa sáp lá dứa, kẹo dừa sáp ca cao và 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao là dừa sáp sợi.

Bài, ảnh: ÐẠI DƯƠNG

Chia sẻ bài viết