17/12/2022 - 13:48

Mở cơ hội chuyển đổi số cho vùng ĐBSCL 

MINH HUYỀN

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chuyển đổi số (CÐS) trở thành đòi hỏi thiết yếu và bắt buộc, có tính chất sống còn đối với từng cá nhân, doanh nghiệp (DN) và cả xã hội. Trong khuôn khổ hội thảo khoa học “CÐS - Từ lý luận đến thực tiễn ở ÐBSCL” do Trường Ðại học Cần Thơ tổ chức, các nhà khoa học cho rằng vùng ÐBSCL cần tận dụng cơ hội, tìm kiếm giải pháp phù hợp để CÐS hiệu quả. Bởi CÐS không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới và những cơ hội mới.

MobiFone Cần Thơ giới thiệu các giải pháp CĐS đến DN, người dân trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: CTV

Nắm bắt thời cơ

CÐS hiện là mục tiêu quan trọng hàng đầu của các quốc gia nhằm tận dụng một cách có hiệu quả những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đưa nền kinh tế vươn lên đuổi kịp trình độ công nghệ thế giới. Theo Tiến sĩ Trần Văn Hiếu, Phó Trưởng khoa Khoa học Chính trị, Trường Ðại học Cần Thơ, để xây dựng được chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số vẫn còn một chặng đường rất dài, với nhiều vấn đề đặt ra. Trong đó, các DN, nhất là DN vừa và nhỏ vẫn chưa nhận thức đúng vai trò CÐS. Vấn đề thể chế chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho CÐS ở nước ta còn nhiều bất cập. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin cốt lõi tạo nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ số chậm được triển khai; các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã được triển khai thiếu sự kết nối, chia sẻ còn nhiều hạn chế. Vấn đề bảo mật thông tin, an ninh mạng trong quá trình CÐS đặt ra nhiều thách thức. Do đó, để đẩy mạnh CÐS, cần phải đổi mới tư duy và nhận thức của người đứng đầu DN, tổ chức và của người dân. Cần chủ động làm chủ hạ tầng số và nền tảng số. Hoàn thiện về thể chế, chính sách để phục vụ tốt cho quá trình CÐS gắn với tăng cường bảo mật thông tin trên môi trường số.

CÐS hiện là xu thế tất yếu, DN muốn tồn tại, cạnh tranh và phát triển buộc phải có sự thay đổi, ứng dụng tiến bộ của kỹ thuật số. Theo Thạc sĩ Ðinh Thị Kiều Oanh, Giảng viên Khoa Quản lý Công nghiệp, Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, CÐS không chỉ là xu thế tất yếu của các DN lớn mà còn của tất cả các DN. Nếu không linh hoạt bắt kịp với những đổi thay mang tính chiến lược, DN sẽ bị đào thải. Mỗi DN khác nhau sẽ có những đặc điểm khác nhau, sự khác biệt của loại hình DN, thị trường mục tiêu, văn hóa tổ chức, đáp ứng các yêu cầu kinh doanh và sự thay đổi của thị trường. CÐS dựa vào công nghệ, tuy nhiên công nghệ cũng chỉ là công cụ, là thành quả nghiên cứu của con người. Nên việc CÐS ứng dụng công nghệ cũng phụ thuộc vào con người, khi DN có nhân sự có tư duy số hóa, chấp nhận thay đổi thì công nghệ sẽ trở thành một công cụ hữu ích, công nghệ sẽ tối ưu hóa quy trình làm việc, tăng năng suất, tạo lợi nhuận cuối cùng. DN cần cân nhắc khi ứng dụng lựa chọn công nghệ, tránh tình trạng rối rắm, lãng phí về thời gian, nguồn lực dẫn đến thất bại trong việc CÐS.

CÐS cho phép DN nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiếp cận khách hàng, quản trị DN, nâng cao năng lực cạnh tranh… Thực tế cho thấy, CÐS đã dần trở thành xu thế không thể đảo ngược, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có, gắn với đó là những thách thức và yêu cầu phải tự điều chỉnh, huy động sự tham gia của các trụ cột trong quá trình CÐS.

Vạch lộ trình 

Khẳng định và đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của người dân trong CÐS, PGS.TS Trần Sỹ Phán, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Người dân là trung tâm ứng dụng, tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào quá trình sản xuất kinh doanh, góp phần tăng năng suất lao động. Người dân là trung tâm hình thành văn hóa số gắn với bảo vệ văn hóa và các giá trị đạo đức căn bản của con người. Người dân là trung tâm của chủ quyền số quốc gia. Người dân là trung tâm thụ hưởng những thành quả do CÐS mang lại, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, y tế, lao động việc làm, bảo hiểm xã hội…Với chủ trương đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, cần tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu bảo hiểm, DN, đất đai, nhà ở, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, tạo cơ hội thuận lợi cho người dân thụ hưởng thành quả của CÐS.

Các địa phương trong vùng ÐBSCL quyết tâm cụ thể hóa các chủ trương của Ðảng và Nhà nước về CÐS thành các chương trình, hành động cụ thể; CÐS ở những lĩnh vực gắn với ưu thế của vùng như nông nghiệp, du lịch sông nước, vận tải đường sông… Các tỉnh, thành ÐBSCL đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Quyết định số 749/QÐ-TTg phê duyệt “Chương trình CÐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ðồng thời, ban hành Nghị quyết của Ban chấp hành Ðảng bộ tỉnh, xây dựng và triển khai kế hoạch CÐS trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các Nghị quyết này cho thấy các tỉnh thành ở ÐBSCL thể hiện ý chí và quyết tâm rất cao trong thực hiện chủ trương của Ðảng và Nhà nước đối với việc thúc đẩy CÐS quốc gia, tạo chuyển biến lớn trong hành động của cấp ủy các cấp và chính quyền địa phương các tỉnh thành ÐBSCL.

Chia sẻ bài viết