05/12/2014 - 20:17

MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN

Ths.TRỊNH DUY THUYÊN

Sáng 28-11-2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước chống tra tấn). Công ước này được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 10-12-1984 (tại Nghị quyết số 39/64) và được để ngỏ cho các quốc gia ký kết tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc tại New York từ ngày 4-2-1985. Công ước bắt đầu có hiệu lực vào ngày 26-6-1987 sau khi được 20 quốc gia phê chuẩn. Theo đó, ngày 26-6 đã được công nhận là “Ngày quốc tế hỗ trợ nạn nhân bị tra tấn”. Tính tới thời điểm tháng 4-2014 đã có 155 quốc gia là thành viên Công ước chống tra tấn.


Tra tấn theo cách hiểu của Công ước là: “Bất cứ hành vi nào bắt một người phải chịu đau đớn và khổ sở về thể xác hoặc tinh thần, nhằm những mục đích như đạt được những thông tin hoặc là một sự thú tội từ người đó hoặc từ một người thứ ba, trừng phạt nạn nhân về một hành vi mà người đó hoặc người thứ ba có dính líu hoặc nghi ngờ có dính líu tới; hoặc gây hoảng sợ hay cưỡng bức người đó hoặc người thứ ba; hoặc vì bất cứ một lý do nào dựa trên bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, khi những đau đớn và khổ sở đó được gây ra bởi sự chủ mưu hoặc có sự đồng ý hay chấp thuận của một quan chức nhà nước hay một người khác có quyền lực như một quan chức. Điều này không bao gồm sự đau đớn hay khổ sở xuất phát từ sự trừng phạt theo luật pháp, một cách ngẫu nhiên hay cố hữu”. Như vậy, hiểu một cách khái quát theo Công ước thì hành vi “tra tấn” là bất cứ hành vi nào gây đau đớn về thể xác hoặc tinh thần cho đối tượng bị tra tấn, do công chức hoặc người thực thi công quyền trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện nhằm lấy thông tin, trừng phạt, gây hoảng sợ, cưỡng bức hoặc vì lý do phân biệt đối xử. Đây là hành vi cố ý, chủ thể là bất kỳ công chức hoặc người không phải là công chức nhưng được sự đồng ý hay chấp thuận của một công chức hoặc đang thực thi công quyền nào đó.

Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng mọi hành vi tra tấn đều bị coi là tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt nghiêm khắc. Tội phạm về tra tấn có thể bị dẫn độ trong các hiệp định về dẫn độ đã được ký kết giữa các quốc gia thành viên. Nếu một quốc gia thành viên thực hiện dẫn độ trên cơ sở điều ước quốc tế nhận được yêu cầu dẫn độ của một quốc gia thành viên khác mà giữa hai quốc gia không có hiệp định về dẫn độ thì có thể coi Công ước này là cơ sở pháp lý để dẫn độ đối với các tội phạm đó. Việc dẫn độ phải tuân thủ các điều kiện khác do pháp luật của quốc gia được yêu cầu quy định và phải hỗ trợ tối đa lẫn nhau trong quá trình tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự phù hợp với các hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết.

Bên cạnh đó, vấn đề tuyên truyền, phổ biến việc nghiêm cấm các hành vi tra tấn được Công ước rất chú trọng và đưa ra một số biện pháp, đối tượng tuyên truyền như: tuyên truyền trong các chương trình đào tạo nhân viên thực thi pháp luật, dân sự, vũ trang, nhân viên y tế, các công chức và những người khác có thể liên quan đến việc bắt giữ, thẩm vấn hay xử lý đối với các cá nhân chịu bất cứ các hình thức bắt, giam giữ hoặc phạt tù. Nếu có các hành vi tra tấn thì các quốc gia thành viên khi tham gia Công ước phảm bảo đảm rằng hệ thống pháp luật của quốc gia được bồi thường và có quyền yêu cầu bồi thường.

Đặc biệt Công ước còn quy định về Ủy ban chống tra tấn, các thành viên của Ủy ban được bầu chọn bằng hình thức bỏ phiếu kín từ danh sách do các quốc gia thành viên đề cử. Các quốc gia thành viên phải gửi báo cáo về các biện pháp đã tiến hành để thực hiện các nghĩa vụ cam kết theo Công ước cho Ủy ban thông qua Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc trong thời hạn 1 năm sau ngày quốc gia đó phê chuẩn và cứ mỗi 4 năm một lần các quốc gia thành viên phải nộp báo cáo bổ sung về những biện pháp mới được tiến hành cũng như các báo cáo khác theo yêu cầu của Ủy ban.

Công ước này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 30 kể từ ngày nộp văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ hai mươi cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

Chia sẻ bài viết