Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố cuối tháng 3-2024 tăng 1,39% so với cuối năm 2023. Vốn huy động đáp ứng gần 74% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Mặt bằng lãi suất bình quân hiện đã giảm khoảng 1,5-2% so với cuối năm 2022 và có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới
Các TCTD đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng (ảnh minh họa).
Dư nợ tăng nhẹ
TP Cần Thơ hiện có 49 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) và 7 Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động. Năm 2022, theo NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố là 17,45% và năm 2023 tăng 10,3%. Tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm, sang tháng 3 tăng trở lại, các TCTD tích cực triển khai các chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng… Tổng dư nợ cho vay đến 31-3-2024 là 158.621 tỉ đồng, tăng 1,39% so với cuối năm 2023.
Theo NHNN Chi nhánh thành phố, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm so với cuối năm 2022; hiện lãi suất cho vay VNĐ ngắn hạn với khoản vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4%/năm, đối với các lĩnh vực lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến từ 5,6%-8%/năm; trung, dài hạn từ 7,5% đến 10%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn 3%-4,7%/năm, trung dài hạn 4,55% đến 6%/năm.
Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết, ngoài phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ngành thành phố tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, chi nhánh cũng đã phổ biến về chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng đến các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn thành phố như Hồng Loan, Hoàng Quân, Cửu Long… Chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai Thông tư, Chỉ thị của Thống đốc NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Đến cuối quý I-2024, tổng giá trị nợ (gốc và/hoặc lãi) đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ lũy kế là 1.803,2 tỉ đồng với 483 lượt khách hàng được cơ cấu; dư nợ (gốc và/hoặc lãi) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.608,2 tỉ đồng cho 360 khách hàng vay.
Theo NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, bên cạnh việc chỉ đạo các TCTD đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế thành phố, chi nhánh cũng giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hoạt động cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa, hạn chế rủi ro, sai phạm trong quá trình hoạt động của TCTD. Các TCTD đều chú trọng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; hiện hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn đều có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng. Các TCTD cũng đang tích cực giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1,5-2% so với cuối năm 2022, dự kiến có thể các TCTD sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Minh bạch thông tin
Năm 2024, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 15%, có điều chỉnh tùy tình hình thực tế. Theo lãnh đạo NHNN, tín dụng 3 tháng đầu năm nay tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,99%) do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do nền kinh tế chưa phục hồi mạnh, thị trường sụt giảm... NHNN đã chỉ đạo chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về tín dụng, lãi suất, các doanh nghiệp cũng đã thẳng thắn trao đổi những vấn đề đang vướng mắc trong tiếp cận vốn. Nhưng theo lãnh đạo ngân hàng, để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, thì bản thân doanh nghiệp phải khắc phục những hạn chế của mình, bởi đó chính là những vấn đề đang gây cản trở trong việc ngân hàng đưa ra quyết định cho vay. Doanh nghiệp cần phải nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, minh bạch tình hình tài chính, chú trọng chất lượng hàng hóa, dịch vụ,... để tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng khi có nhu cầu.
Theo NHNN, tính đến ngày 27-3-2024, dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế đạt hơn 13,65 triệu tỉ đồng, tăng 0,61% so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,7-9,9%/năm. Tín dụng tiếp tục được định hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp. NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm bớt thủ tục hành chính… để có thể giảm thêm lãi suất cho vay, giảm bớt gánh nặng chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Để tăng năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát toàn diện, đánh giá kết quả thực hiện hạn mức tín dụng của các TCTD trong thời gian qua nhằm điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024 hiệu quả, không để ách tắc vốn trong điều hành. Vừa qua, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD thực hiện công khai mặt bằng lãi suất cho vay việc triển khai các gói tín dụng theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.
Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết, theo chỉ đạo của NHNN, Chi nhánh đã yêu cầu các TCTD trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc. Công bố trên các website của ngân hàng và niêm yết tại các điểm giao dịch. Khi kiểm tra, nếu các TCTD chưa thực hiện, bước đầu chi nhánh sẽ nhắc nhở, sau đó nếu chưa khắc phục thì sẽ xử phạt theo quy định, hoặc hạn chế nghiệp vụ… nhằm đảm bảo công khai, minh bạch về lãi suất. Đồng thời yêu cầu chi nhánh các TCTD tiếp tục tập trung hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, các chương trình tín dụng ưu tiên, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế thành phố.
Bài, ảnh: GIA BẢO