31/08/2013 - 20:24

Miễu Bà Chúa xứ Bàu Mướp

Tọa lạc cách thị trấn Nhà Bàng (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) khoảng 1km, Miễu Bà Chúa xứ Bàu Mướp là một ngôi miếu bề thế giữa một không gian rộng lớn tịnh yên và thơ mộng, xa xa ngọn núi Kéc xanh um in trên nền trời. Miễu còn là di tích lịch sử cách mạng của tỉnh An Giang.

Miễu Bà Chúa xứ Bàu Mướp trước đây thuộc ấp Sơn Đông (xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên), nay thuộc khóm Sơn Đông (thị trấn Nhà Bàng). Ông Cao Văn Bảy, 66 tuổi, thư ký kiêm từ ngôi miễu cho biết: Khi khai hoang lập làng vùng đất Thới Sơn vào giữa thế kỷ 19, Đoàn Minh Huyên (Phật Thầy Tây An) cho lập ngôi miễu để người dân có nơi thờ cúng, thỏa mãn nhu cầu tâm linh, yên tâm khởi đầu cho quá trình lập nghiệp gian khó. Trước miễu lúc ấy là một bàu nước ngọt thiên nhiên rất lớn, quanh năm không bao giờ cạn. Trên mặt bàu là những dây mướp rừng chằng chịt tràn lan, nên người dân gọi là Bàu Mướp và miễu Bà được gọi miễu Bà Chúa xứ Bàu Mướp (miễu Bà). Tính ra, miễu Bà được khai dựng cách nay trên 160 năm.

Miếu Bà Chúa xứ Bàu Mướp. 

Thoạt đầu, miễu Bà khi khai lập chỉ là một ngôi miễu nhỏ bằng cây lá đơn sơ. Qua nhiều lần sửa chữa, đến năm 2011 miễu được xây dựng uy nghi, to đẹp như hôm nay trong khuôn viên rộng gần 18.000m2. Miễu Bà có mảng tường rào cùng 4 cổng ra vào được xây dựng kiên cố. Tất cả đều có mái che, bờ nóc gắn tượng lưỡng long tranh châu, các góc mái trang trí hoa lá cách điệu. Sân miếu rộng, thoáng đãng, lót đá núi, bố trí rải rác khắp sân nhiều cây xanh và hoa kiểng tạo dáng nghệ thuật cầu kỳ, xinh đẹp. Miễu gồm 3 gian, 2 chái, nóc cổ lầu, mái tam cấp đổ bê tông ốp ngói men màu vàng âm dương. Dưới các mái gắn diềm ngói hình hoa cúc mãn khai. Bờ nóc trang trí bộ tượng thể khối lưỡng long tranh châu. Các đầu kỳ và các góc mái gắn tượng phụng, dây lá cách điệu, phối hợp nhau thành một thể khối nghệ thuật thẩm mỹ. Mặt dựng viền diềm giữa các cấp mái vẽ các khuôn tranh sơn thủy màu sắc tươi tắn với điển tích, sông núi, làng quê, điểu hoa..., thể hiện sự trù phú của quê hương Thới Sơn.

Miễu Bà kết cấu 4 phần: võ ca, phủ quy, chánh điện và nhà hậu. Võ ca không xây vách, tạo không gian rộng rãi, thoáng đãng, tạo thuận lợi cho hoạt động lễ hội, biểu diễn hát bội cúng Bà. Nối liền võ ca với chánh điện là phủ quy. Phủ quy đặt 3 bàn thờ: giữa là bàn thờ Tổ quốc và di ảnh Bác Hồ, hai bên là bàn thờ Tả ban ngoại và Hữu ban ngoại. Chánh điện có ba bộ cửa gỗ chạm nổi hoa lá dây sen. Trên từng bộ cửa trang trí khuôn vẽ hoành phi dạng cuốn thư. Mỗi cuốn thư đề bốn chữ Quốc ngữ biểu hiện lòng thành kính, ước mong cuộc sống thái bình an lạc: Thánh ân quảng đại, Quốc thới dân an, Phong điều vũ thuận. Hai bên bộ cửa giữa vào chánh điện có cặp tượng kỳ lân lớn bằng sa thạch. Hai mảng vách trái và phải chánh điện gắn đối xứng 3 bộ cửa sổ tròn (biểu tượng nhật, nguyệt) bằng gỗ, mặt chạm nổi dây lá hoa sen. Khung cửa dạng chữ "thọ" cách điệu. Chánh điện là nơi đặt bàn thờ Thánh Mẫu Tiên Nương (Bà). Mặt bệ bằng đá hoa cương, bên trên là tượng Bà uy nghiêm ngự ngai. Quanh tượng trang trí đèn pha lê mạ đồng, tỏa sáng huyền nhiệm, sắc màu lấp lánh, thể hiện sự uy linh của Bà. Bên dưới bệ thờ đặt cặp hạc đứng. Hai bên bệ thờ Bà là bàn thờ Tả ban và Hữu ban với chất liệu gạch xây tô xi măng giả gỗ... Hậu điện với bàn thờ Phật Thầy Tây An cùng bức Trần điều - biểu tượng của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương do Đoàn Minh Huyên khai sáng.

Còn có công trình khác ở phía sau chánh điện như: nhà hậu. Hai bên nhà hậu là hai dãy Đông lang và Tây lang – nơi làm việc của Ban hội miễu, phòng họp, phòng nghỉ của hương chức đình miễu bạn, phòng tiếp khách và phòng lưu trữ trang phục cùng những bảo vật khách thập phương dâng cúng Bà (để trong 17 tủ kiếng lớn). Chánh điện hướng ra hồ sen. Hồ sen là Bàu Mướp năm xưa, rộng 4.000m2, được cải tạo rất mỹ quan, xây bờ kè, trồng sen và thả cá, có hòn non bộ. Giữa hồ sen là nhà mát hình lục giác, mái nhì cấp, rộng 50m2. Có hai cầu dẫn ra nhà mát. Nhà bia liệt sĩ hình lục giác, rộng 186m2, nền cao 0,6m, cột tròn, mái bê tông ốp ngói. Đây là nơi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc của thị trấn Nhà Bàng.

Ông Huỳnh Văn Thành, quyền Trưởng ban quản lý di tích lịch sử - Ban hội miễu kể rằng miễu Bà là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử đấu tranh cách mạng của quân dân Thới Sơn (nay là thị trấn Nhà Bàng), là căn cứ bám trụ, hoạt động an toàn của lực lượng cách mạng địa phương trong 2 cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do dân tộc, thống nhất đất nước. Miễu Bà nằm trong vùng rộng lớn, có địa hình hiểm yếu với núi Kéc, núi Đất, căn cứ lõm núi Dài nhỏ, liên hoàn cùng các căn cứ cách mạng trong xã, huyện, khống chế đường đi vào quận lỵ Tịnh Biên và quân trường Chi Lăng của địch, nên là vùng căn cứ cách mạng vững chắc của chi bộ ấp Sơn Đông và các lực lượng dân quân du kích xã Thới Sơn (nay là khóm Sơn Đông, thị trấn Nhà Bàng). Miễu là hậu cứ phục kích bắn tỉa rất lợi hại. Từ nơi đây, các phong trào đấu tranh chính trị, binh vận, võ trang bung ra hoạt động các nơi trong xã, huyện... Với ý chí kiên cường, dũng cảm, với tinh thần "không gì quý hơn độc lập, tự do", cùng sự hỗ trợ của các đơn vị huyện, cán bộ, chiến sĩ căn cứ Bàu Mướp đã đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét, góp phần phá vỡ kế hoạch bình định lấn chiếm của địch..., góp phần công sức đáng kể cùng quân dân huyện Tịnh Biên giải phóng quê hương. Ghi nhận công lao này, ngày 6-11-1978, Nhà nước đã tuyên dương danh hiệu "Anh hùng lực lượng võ trang nhân dân" thời kỳ chống Mỹ cho lực lượng võ trang nhân dân huyện Tịnh Biên...

Hằng năm, lễ hội vía Bà diễn ra trong ba ngày, từ ngày 19 đến ngày 21 tháng tư âm lịch. Nghi lễ gồm: lễ hành chánh và lễ truyền thống. Lễ truyền thống tổ chức cúng Bà theo cổ lệ. Ban hội miễu làm lễ thỉnh Bà và tắm Bà vào lúc 23 giờ đêm (ngày 19), đến 12 giờ đêm (ngày 20) làm lễ Nghinh Bà. 13 giờ (ngày 20) làm lễ Thinh sanh (tức làm heo dâng cúng Bà). 2 giờ sáng (ngày 21) làm lễ Chánh tế. 11 giờ trưa (ngày 21) là lễ Tống khách và bế mạc. Vía Bà Chúa xứ Bàu Mướp thu hút hàng ngàn khách thập phương đến dự. Vía Bà vừa qua (năm 2013), khách thập phương dâng cúng Bà ước khoảng 5 tỉ đồng. Có thể nói, vía Bà mang tính nhân văn sâu sắc, cũng như tính linh thiêng đã ăn sâu vào tâm thức cộng đồng cư dân.

Với tín ngưỡng dân gian, với vẻ đẹp kiến trúc, với chiến công trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, miễu Bà Chúa xứ Bàu Mướp được UBND tỉnh An Giang công nhận là di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh của tỉnh vào năm 2012.

Bài, ảnh: CÁT LỘC

Chia sẻ bài viết