21/04/2020 - 11:26

Mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh 

Từ 1-4 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã công bố các gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Lãi suất cho vay giảm sâu đến 2%/năm, dù còn nhiều khó khăn trong tiếp cận nhưng đây vẫn là cơ hội tốt nhất để doanh nghiệp (DN) vượt qua "cú sốc".

Động lực mới từ các nhà băng lớn

Khách hàng đến giao dịch tại VietBank chi nhánh Cần Thơ.

Thực hiện Chỉ đạo 11 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ngày 13-3-2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 01 quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Khách hàng vay vốn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ kể cả khoản gốc và lãi đối với khoản vay đến hạn trả nợ trong thời gian từ ngày 23-1-2020 (ngày Thủ tướng Chính phủ tuyên bố dịch) cho đến sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch mà không bị chuyển nợ quá hạn, không phải trả gốc, lãi trong giai đoạn này và vẫn tiếp tục được vay mới. Tiếp theo đó, NHNN đã ban hành Chỉ thị 02 (ngày 31-3-2020) về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do dịch COVID-19 và các TCTD cam kết giảm lãi suất cho vay đến 2%/năm. 

Cụ thể chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) dành 100.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chương trình áp dụng từ ngày 1-4-2020 đến thời điểm sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng 100.000 tỉ đồng. Khách hàng là đối tượng của chương trình được áp dụng lãi suất thấp hơn 1%/năm (đối với khoản vay bằng VNĐ) và thấp hơn 0,5%/năm (đối với khoản vay bằng ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại. Và mới đây, Agribank đã tăng mức hỗ trợ giảm lãi suất đối với gói tín dụng 100.000 tỉ đồng từ 1% lên đến 2,5%/năm.

Từ 1-4-2020, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) công bố tiếp tục triển khai chương trình tín dụng quy mô lên đến 60.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm so với các chương trình tín dụng đã từng triển khai trước đây (trước thời điểm có dịch); đặc biệt ưu đãi cho các DN hoạt động kinh doanh cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho người dân trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm lãi suất cho vay đến 2%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho khách hàng DN, tùy lĩnh vực, ngành nghề và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...

Từ 15-4 cho đến 30-6-2020, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) áp dụng giảm lãi suất đợt 2 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, ngân hàng giảm 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19 và giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp. Có hơn 90.000 khách hàng, chiếm khoảng 50% tổng dư nợ của Vietcombank (quy mô tín dụng khoảng 300.000 tỉ đồng) sẽ được hưởng chính sách này. Giảm lãi suất đợt 2 không bao gồm các khoản dư nợ đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất trước đó. Đợt 1, từ ngày 11-2, Vietcombank đã giảm lãi suất cho vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, dư nợ khoảng 30.000 tỉ đồng với mức lãi suất áp dụng chỉ từ 4,5-5%/ năm.

Giám sát thực thi chính sách

Tín dụng 3 tháng đầu năm toàn hệ thống chỉ tăng 1,3%, thấp hơn cùng kỳ năm trước và dư nợ đạt hơn 8,3 triệu tỉ đồng. Thống kê sơ bộ của NHNN, khoảng 2 triệu tỉ đồng (chiếm khoảng 13% tổng dư nợ hiện hữu của hệ thống ngân hàng) có thể chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do vậy, lãnh đạo NHNN khẳng định tiếp tục chỉ đạo các TCTD đồng hành cùng với khách hàng vay vốn và cam kết đáp ứng đầy đủ nguồn vốn cho nền kinh tế với lãi suất thấp hơn.

Đại diện Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank), cho biết, Vietbank giảm lãi suất và miễn phí dịch vụ cho các DN vượt qua dịch COVID-19. Theo đó, Vietbank đã triển khai chương trình “Chia sẻ cùng doanh nghiệp” cho các DN kinh doanh trong các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch, vận tải, kho bãi, vui chơi giải trí, nông nghiệp… Đặc biệt, ngân hàng cũng triển khai giảm 1%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ dành cho các DN hoạt động trong các lĩnh vực nêu trên. Chương trình triển khai đến hết ngày 31-5-2020. Vietbank còn miễn phí các dịch vụ mở tài khoản thanh toán; giảm 50% phí dịch vụ rút và nộp tiền mặt vào tài khoản khác địa bàn tỉnh thành và phí chuyển tiền ngoài hệ thống...

Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, các TCTD đã tích cực thực hiện Thông tư 01, Chỉ thị 02 của NHNN. Đến đầu tháng 4-2020, dư nợ cho vay tăng 1,5% so với đầu năm, cao hơn trung bình toàn quốc. Dư nợ cho vay mới trong thời điểm dịch COVID-19 khoảng 2.125 tỉ đồng với trên 870 khách hàng; dư nợ giãn, giảm lãi suất, điều chỉnh thời hạn trả nợ khoảng 195 tỉ đồng. Các TCTD đang tiếp tục xem xét cho khách hàng.

NHNN giao các TCTD tự quyết định triển khai Thông tư 01 hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tùy thuộc vào đánh giá của từng ngân hàng, nên có thể mức hỗ trợ sẽ không đồng đều cho khách hàng tiếp cận các gói hỗ trợ. Song, trong ngắn hạn, đây là giải pháp để DN, người dân vượt qua “cú sốc” khó khăn vì dịch bệnh. Thống kê bước đầu, tổng số tiền các TCTD bước đầu đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5-3%/năm khoảng hơn 300.000 tỉ đồng.

Vừa qua, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo NHNN Chi nhánh 63 tỉnh, thành thiết lập đường dây nóng để xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến Thông tư số 01 để chính sách đi vào cuộc sống và giảm khó khăn cho DN khi tiếp cận tín dụng ngân hàng. Thống đốc yêu cầu Giám đốc NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi các Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn để DN, người dân biết. Giám đốc NHNN Chi nhánh trực tiếp chỉ đạo xử lý cụ thể và chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN nếu không giải quyết thỏa đáng, kịp thời các phản ánh, kiến nghị, đề xuất liên quan đến Thông tư 01 trên địa bàn. Các vấn đề vượt thẩm quyền phải liên hệ ngay với các đơn vị của NHNN để phối hợp xử lý.

Năm 2020, NHNN dự kiến tín dụng cho nền kinh tế khoảng 900 nghìn tỉ đồng đến 1,1 triệu tỉ đồng (mức tăng dự báo khoảng 11-14%). Lãnh đạo NHNN khẳng định sẽ điều hành hoạt động ngân hàng để đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng chống dịch cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp hơn.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết